"Đây là một trong những giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm mà TP HCM sẽ triển khai", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường nói về đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX vừa qua.
Căn cứ đề xuất là theo Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012. Trong đó, khoản 1 Điều 23 cho phép nâng mức phạt tối đa hai lần với các vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương.
Ba nhóm hành vi bị tăng mức xử phạt
Vi phạm về quy tắc giao thông: dừng xe không đúng vị trí quy định; đi vào đường cấm, ngược chiều, lấn làn; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của CSGT…
Thi công công trình trên đường bộ: không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông tại nơi thi công; không thu dọn biển hiệu, rào chắn, không hoàn trả mặt đường sau khi thi công xong…
Vi phạm về vệ sinh môi trường: để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường; chở hàng rời, chất thải không có bạt che đậy; phương tiện giao thông rơi kéo bùn đất ra đường…
Theo ông Cường, trước khi thực hiện, Sở sẽ đánh giá tác động, thăm dò hiệu quả quy định trên tinh thần "tăng mức xử phạt nhưng không phải là chăm chăm đi phạt", mà sẽ tăng lực lượng túc trực hướng dẫn.
"Không phải chờ đến lúc người dân vi phạm để xử lý mà mục đích là để hạn chế tối đa hành vi vi phạm. Muốn vậy phải tuyên truyền tốt, nhắc nhở kịp thời, lực lượng chức năng cũng phải nghiêm minh khi thực hiện để tránh tình trạng bất bình đẳng, đồng thời ứng dụng thêm công nghệ trong kiểm soát xử phạt", ông Cường nói.
Tăng mức phạt không nhằm tạo nguồn thu cho TP.HCM
Dẫn số liệu thống kê từ đầu năm đến nay TP.HCM có 97 người chết từ các vụ lưu thông không đúng phần đường, 33 người thiệt mạng vì vi phạm tốc độ... ông Cường cho rằng, những hành vi này cần tăng nặng mức xử phạt để răn đe, giảm thiểu thiệt hại về người.
"Tuy nhiên, tăng mức phạt không phải để tạo nguồn thu, mà để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe, gián tiếp nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân", ông Cường nói và khẳng định quy định này chỉ ảnh hưởng đến người sai phạm chứ không tác động trực tiếp lên toàn bộ người tham gia giao thông.
Khoản thu từ tiền xử phạt được dùng vào việc: bồi dưỡng cho lực lượng chuyên ngành triển khai quy định, phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng dẫn của Bộ Tài chính như lâu nay...
"Khoản tiền tăng thêm từ xử phạt nếu được áp dụng cũng được dùng vào mục đích đó, tất cả đều có kiểm tra, kiểm toán đầy đủ", ông Cường khẳng định.
Không phải lần đầu TP.HCM muốn tăng mức phạt
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban An toàn giao thông TP.HCM - trước đây thành phố đã nhiều lần đề nghị tăng mức phạt (cao hơn các tỉnh thành khác) vi phạm giao thông để tăng tính răn đe. Thực tế, một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông nhưng mức xử phạt hiện chưa nặng nên không làm ai e ngại.
"Đua xe, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, chạy ngược chiều... là đặc biệt nguy hiểm, cần tăng mức phạt ở những hành vi này", ông Tường nói.
Nhìn nhận hạ tầng giao thông thành phố đang quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, song ông Tường cho rằng không thể lấy lý do đó để "ngụy biện" cho việc chạy xe trên vỉa hè, ngược chiều hay sai làn.
"Đã là Luật thì phải chấp hành. Rất nhiều nước trên thế giới cũng kẹt xe, nhưng người ta không vi phạm như chúng ta", ông Tường cho biết.
Chỉ nên phạt hành vi tái phạm
Ông Lâm Thiếu Quân (nguyên đại biểu HĐND TP.HCM) ủng hộ tăng mức phạt vi phạm giao thông nhưng lại băn khoăn cách thực hiện để đạt được mục tiêu tăng tính răn đe chứ không phải để "chăm chăm xử phạt người vi phạm".
"Phải tùy, chẳng hạn lỗi vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần bởi cùng một người thì rất cần phạt nặng. Nhưng với những trường hợp bất khả kháng, hoặc vi phạm lần đầu thì không nên cứng nhắc", ông Quân nói.
Theo ông Quân, nếu thành phố nhất trí cho tăng mức phạt thì công an cần có quy định cụ thể phạt nặng trong trường hợp nào. Chẳng hạn như trong một quý mà người đó vi phạm liên tiếp hai lần thì phạt gấp đôi, sẽ khiến họ không dám tái phạm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để biết người tái phạm hoàn toàn "nằm trong tầm tay của ngành công an".
"Nếu xử phạt đại trà, cứng nhắc thì số tiền phạt có thể tăng lên nhưng mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc có lẽ sẽ không hiệu quả", ông Quân nói.
Video: Vượt đèn đỏ xin tha không được, thanh niên lăn ra đất ăn vạ CSGT
Bình luận