Táo quân là chương trình được nhiều người chờ đợi trong đêm giao thừa. Đây không chỉ đơn thuần là một màn tấu hài mà nó còn tổng kết lại những sự kiện nóng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ văn hóa, kinh tế, giáo dục, môi trường, giao thông...Những vấn đề này sẽ được các nghệ sĩ chuyển tải dưới góc nhìn hài hước và thâm thúy.
Táo quân 2018 sẽ được ghi hình vào tối 2/2. Kịch bản chương trình được ê-kíp thực hiện giữ kín thế nhưng có thể đoán được những sự kiện nổi cộm trong xã hội năm qua sẽ được đưa vào chương trình.
Người mẫu mặc bikini đón tuyển thủ U23
Vào những ngày cuối năm Đinh Dậu, việc các tuyển thủ U23 Việt Nam giành á quân giải U23 châu Á làm nức lòng người hâm mộ. Khi họ trở về nước, hàng triệu người đổ ra đường chào đón.
Một hãng hàng không tranh thủ cơ hội này để PR hình ảnh. Họ cố tình sắp xếp để những người mẫu diện bikini trình diễn uốn éo trong chuyến bay trở các cầu thủ U23 về nước. Hình ảnh này khi được đăng tải trên truyền thông khiến công chúng phẫn nộ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra văn bản, yêu cầu thanh tra vụ việc.
Diễn viên Quang Thắng chia sẻ, sự việc này rất có thể sẽ được ê-kíp Táo quân 2018 đưa vào kịch bản.
Lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập vào năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2016, hãng tiến hành cổ phần hóa. Và vào giữa năm 2017, công ty vận tải thủy Vivaso trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng cổ phần hóa, các nghệ sĩ và ban lãnh đạo Hãng phim nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt.
Các nghệ sĩ cho rằng, quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành một cách thiếu công khai, minh bạch. Giá trị hàng nghìn tỷ mà Hãng đang sở hữu lại bị định giá không bằng một căn chung cư cao cấp.
Thêm vào đó, nhà cổ đông chiến lược Vivaso không có ý định làm phim, không tôn trọng các nghệ sĩ và chỉ muốn chiếm khu đất vàng mà Hãng đang sở hữu.
Không chỉ đấu tranh nội bộ, các nghệ sĩ như Đạo diễn Thanh Vân, Quốc Tuấn, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát... còn nhiều lần gặp gỡ truyền thông để chia sẻ những bức xúc về quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Trái ngược với những cáo buộc của các nghệ sĩ, ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vivaso chia sẻ với VTC News, đất của Hãng phim truyên Việt Nam chỉ là đất thuê, hoàn toàn không có giá trị sở hữu.
Ông Nguyên cũng cho biết thêm, các nghệ sĩ trong Hãng phim không hợp tác với nhà đầu tư chiến lược. Họ không đi làm nhưng vẫn đòi trả lương một cách đẩy đủ. Hiện tại, mỗi tháng Vivaso phải trả cả tỷ đồng tiền lương cho các cán bộ nhân viên của Hãng phim truyện.
Còn về viêc sản xuất phim, ông Nguyên cho hay, từ ngày tiếp quản Hãng phim truyên, ban lãnh đạo liên tục vấp phải sự chống đối của các nghệ sĩ. Vì thế, họ chưa đủ thời gian để tập trung vào công việc chuyên môn.
Trước những ồn ào trên, ngày 2/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Hiện tại, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất quá trình làm việc và trình báo cáo lên Thủ tướng.
Cấp phép Quốc ca
Ngày 16/12/2016, Sở Văn Hóa, Thể thao TP.HCM gửi công văn lên Cục Nghệ thuật biểu (NTBD) diễn về việc xem xts lại nội dung một số ca khúc được sáng tác trước năm 1975.
Tháng 3/2017, Cục NTBD ban hành quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát được sáng tác trước năm 1975 gồm: Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Con đường xưa em đi.
Tiếp đến, một đơn vị khi xin giấy phép biểu diễn một chương trình nghệ thuật đã gặp khó khăn với ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ca khúc này được biểu diễn trên rất nhiều sân khấu lớn nhỏ nhưng lại chưa được Cục NTBD cấp phép. Cục yêu cầu đơn vị trên phải hoàn tất hồ sơ xin cấp phép sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ngay sau đó, Cục NTBD công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó có nhiều bài nổi tiếng gồm: Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Chào em cô gái Lam Hồng, Biết ơn Võ Thị Sáu, Bộ đội về làng, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó...Đặc biệt, danh sách này còn có bài hát Tiến quân ca - Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Điều này khiến dư luận rất bức xúc. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD phải lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm.
Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn. Ngày 30/5, ông Nguyễn Đăng Chương thôi giữ chức Cục trưởng Cục NTBD.
Thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ đăng quang Hoa hậu Đại dương
Năm 2017 chứng kiến sự bùng nổ các cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam. Chỉ trong vài tháng cuối năm, có tới hơn 10 cuộc thi nhan sắc được tổ chức. Trong đó, gây ồn ào nhất là cuộc thi Hoa hậu Đại dương.
Bỏ qua những lùm xùm trong khâu tổ chức, đêm chung kết cuộc thi vinh danh thí sinh Lê Âu Ngân Anh. Không chỉ khiến người xem ngỡ ngàng bởi nhan sắc chưa thực sự vượt trội so với các bạn cùng thi, cô gái sinh năm 1995 còn có đôi môi sưng phồng thiếu tự nhiên.
Nhiều người đặt ra nghi vấn Ngân Anh phẫu thuật thẩm mỹ. Người đẹp này thừa nhận từng đi nâng mũi nhưng cô tháo phần sụn giả trước khi đăng ký tham gia cuộc thi Hoa hậu Đại dương. Cô thông báo điều này với ban tổ chức và nhận được sự chấp thuận.
Chia sẻ của Hoa hậu Ngân Anh khiến nhiều khán giả giật mình. Theo quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam phải chưa từng phẫu thuật thẩm mỹ và có vẻ đẹp tự nhiên.
Như vậy, Ngân Anh không đủ tiêu chuẩn dự thi Hoa hậu Đại dương và càng không thể được vinh danh ở vị trí cao nhất của cuộc thi.
Cục Nghệ thuật biểu diễn ra văn bản đề nghị ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 cân nhắc việc thu hồi vương miện của Hoa hậu Ngân Anh nhưng tới thời điểm hiện tại, họ vẫn giữ im lặng.
Đây có thể coi là vấn đề nóng trong lĩnh vực văn hóa - giải trí và có thể được phản ánh trong Táo quân 2018.
PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải cách tiếng Việt
PGS.TS Bùi Hiền, Nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt. Theo đó, ông kiến nghị phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình Nhà nước như bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái Tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Đồng thời thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên.
Theo đề xuất của PGS Bùi Hiền, lấy ví dụ một số từ sẽ bị thay đổi như: Luật giáo dục" đổi thành “Luật záo zụk”, “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ”…
Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền gây xôn xao trên truyền thông và thu hút được sự quan tâm, bình luận của rất nhiều người.
"Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng" gây sốt trên VTV
Năm 2017 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các phim truyền hình Việt, trong đó đáng chú ý nhất là hai phim Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử. Một bộ phim xoay quanh những ân oán trong giới giang hồ và phim còn lại đề cập tới mâu thuẫn muôn thuở giữa mẹ chồng - nàng dâu.
Không chỉ say sưa đón xem bộ phim, khán giả còn rất hào hứng khi đưa những câu thoại của các nhân vật vào trong cuộc sống. Và rất có thể, những câu thoại này sẽ được vang lên trên sân khấu Táo quân 2018.
Ngoài những vấn đề trên, các nội dung rất có thể được đề cập trong Táo quân 2018 việc tài xế dùng tiền lẻ để trả khi đi qua BOT Cai Lậy, việc giáo viên bạo hành trẻ mầm non, trào lưu "cô là ai, cháu không biết, cô đi ra đi"...
Chương trình Táo quân 2018 sẽ diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô tối 2/2 và được phát sóng vào đúng đêm Giao thừa.
Ngoài dàn diễn viên quen thuộc là Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung, Quang Thắng, chương trình còn có sự quay trở lại của diễn viên Minh Vượng, Minh Hằng.
Bình luận