Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học
Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học của Bộ GD-ĐT vẫn đang khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người coi dự thảo này là một văn bản nực cười.
TS Văn Đình Ưng, Trưởng ban Thông tin tuyên truyền, Hiệp hội các trường ĐH - CĐ cho rằng, Dự thảo của Bộ GD&ĐT "làm trò cười cho xã hội".
Video Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: 'Quy định phạt sinh viên bán dâm do cán bộ ý thức kém đưa lên'
Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ: "Dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác, nhiều câu từ tối nghĩa, sai thuật ngữ pháp lý, chưa đúng với chính sách, pháp luật Việt Nam hiện nay".
Ông Cường cho rằng cách bố cục, kỹ thuật lập pháp như vậy rất tùy tiện hoặc lạm quyền, tiêu cực khi xử lý về các hành vi “vi phạm khác”.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng không đồng tình đối với dự thảo này.
Sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã gỡ bỏ bản dự thảo này và nhận sai sót trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.
Trả lời đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết quy định trong các văn bản, thông tư của Bộ GD-ĐT rất nhiều. Bộ đã rà soát các văn bản trong nhiều năm gần đây thì có vấn đề này.
"Quy định về bán dâm đối với học sinh, sinh viên có từ năm 2007 và sau đó đầu năm 2016, có thông tư. Thực tế, quy định này đã có. Tôi đề nghị, khi rà soát, những nội dung không phù hợp phải bỏ, trong đó có chủ trương này. Nhưng vấn đề đặt ra là các cá nhân phụ trách việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến phản ứng của xã hội.
Khi nhận được thông tin, tôi đã chỉ đạo xử lý ngay, yêu cầu không đưa vấn đề này vào thông tư nữa".
Chỉ thị không được viết, vẽ vào SGK
Trước khi "Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học" bị ném đá, phản ứng trái chiều, Bộ giáo dục cũng từng nhận không ít ý kiến tiêu cực vì "Chỉ thị không được viết, vẽ vào SGK"
Trong Chỉ thị này, Bộ yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không được trực tiếp viết, vẽ vào SGK.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các trường học, khiến học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí....
Chỉ thị này gây tranh cãi trong dư luận, nhiều người cho rằng yêu cầu này trái khoáy, khó thực hiện khi SGK thiết kế bài tập để học sinh làm bài hẳn vào trong sách.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc Bộ ra chỉ thị như thế không tính đến quyền sở hữu tài sản của phụ huynh, học sinh...
Dự thảo giáo viên đánh học sinh bị phạt tới 30 triệu đồng
Đầu tháng 10/2018, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhằm ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục. Đây cũng là một Dự thảo gây nhiều bức xúc, phản ứng từ các nhà giáo khắp cả nước.
Theo đó, Điều 32 của Dự thảo Nghị định này quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học".
Nhiều giáo viên cho rằng, Dự thảo Nghị định này làm xúc phạm danh dự của giáo viên, cho thấy Bộ GD-ĐT không có niềm tin vào các thầy giáo.
Việc xử phạt giáo viên bằng tiền là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của một nền giáo dục tụt hậu, có thể đẩy các thầy cô vào một nỗi sợ mới do chưa có quy định chi tiết “thế nào là xúc phạm nhân phẩm”, “thế nào là xúc phạm thân thể”.
Tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Ngày 17/10/2018, Bộ GD-ĐT đính chính nội dung văn bản số 4612 ban hành ngày 3/10/2018 nhằm hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ năm học 2017-2018. Phần được chỉnh sửa là "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".
Theo đó, văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học, trong đó yêu cầu "cập nhật thông tin mới", đồng thời, "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".
Nhiều giáo viên cho rằng, văn bản này gây chấn động khi chứa đầy mâu thuẫn, làm khó các nhà trường, giáo viên, quy định lạc hậu, cứng nhắc, không đúng với phương pháp, truyền đạt trong thời đại công nghệ 4.0.
Sau khi đưa ra văn bản, Vụ phó Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, đây chỉ là hiểu lầm do sơ suất trong diễn đạt văn bản.
Do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Đề án 749 tỷ đồng bị thu hồi
Vào tháng 5/2018, dư luận xôn xao về đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” của Bộ GD-ĐT.
Theo đề án đổi mới thi này, kỳ thi THPT quốc gia gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn, nâng cao độ phân hóa của đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 749 tỷ đồng, trong đó năm 2018 chi hơn 344 tỷ đồng, năm 2019 hơn 203 tỷ đồng và năm 2020 hơn 201 tỷ đồng.
Sau khi nhận được nhiều phản ứng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục chỉ đạo thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện, bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán nội dung về tài chính.
Bình luận