Không những nở rộ tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, dịch vụ dành cho khách thượng lưu ngày càng phát triển chuyên nghiệp tại cả những công ty nhỏ hay cửa hàng thời trang, nhà hàng ăn uống, thậm chí quầy bi-a, quán café…
Lập ngân hàng dành riêng cho khách VIP
Lãnh đạo các công ty chứng khoán vẫn thường kể lại câu chuyện về thời hưng thịnh của thị trường vào khoảng cuối năm 2006, đầu 2007, tại một công ty chứng khoán hàng đầu của Việt Nam, lượng khách VIP chủ yếu tập trung về đấy. Song vì số lượng nhân sự và môi giới lúc đó chưa nhiều, khi thị trường "nóng" không thể phục vụ hài lòng tất cả khách hàng, nhiều khách VIP đã chuyển qua công ty khác. Thời điểm ấy, không ít công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng thương mại cũng rơi vào “cảnh ngộ chảy máu khách VIP” trên, và các công ty chứng khoán khác đã tranh thủ cơ hội nâng cấp, đa dạng hóa các dịch vụ dành cho giới nhà giàu để đón tiếp và giữ chân họ.
Hiện nay, các sản phẩm cao cấp dành cho khách VIP ngày càng chuyên nghiệp và thậm chí được tách riêng ra thành một bộ phận độc lập tại nhiều loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, hàng không và nhiều dịch vụ khách hàng khác.
Lễ khai trương Vip Banking của Đông Á Bank |
Cuối tháng 1 năm nay, Ngân hàng Đông Á (DAB) khai trương VIP Banking - ngân hàng đầu tiên dành cho khách VIP tại Việt Nam. Khách hàng của VIP Banking có hẳn địa điểm giao dịch riêng tại tầng 9 tòa nhà số 9 Đinh Tiên Hoàng (quận 1 - TP HCM) và số 1 Bà Triệu (Hà Nội). Không gian tại đây dường như không còn là sự cứng nhắc của một ngân hàng thông thường, mà giống như một khu nghỉ dưỡng sang trọng hay khách sạn 5 sao. Phòng khách tiện nghi, ấm cúng, nội thất sang trọng, khách được phục vụ miễn phí các loại rượu cùng thức ăn nhẹ, nước uống, wifi, sách báo, âm nhạc, truyền hình...
Tại đây, khách VIP được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp nhất của ngân hàng phục vụ, mọi nhu cầu tài chính đều được lắng nghe và đáp ứng, giao dịch thực hiện nhanh chóng, chính xác và bảo mật. Theo anh Nghĩa, chuyên viên khách hàng cá nhân của DAB, những khách VIP nhất còn có riêng một chuyên viên phục vụ và có đường dây điện thoại kết nối trực tiếp đến họ. Ngoài ra, họ còn được hưởng nhiều ưu đãi về phí dịch vụ, lãi suất, thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng…
Tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) tuy chưa có riêng một “ngân hàng con” dành cho giới thượng lưu, song bộ phận khách VIP cũng được tách ra độc lập, với tên gọi Phòng khách hàng đặc biệt. Theo một đại diện của phòng này, tầng 3 của tòa nhà hội sở Vietcombank ở đường Trần Quang Khải, Hà Nội là không gian dành riêng cho VIP. Ngoài những ưu đãi giống với Đông Á Vip Banking kể trên, Vietcombank còn quan tâm đến sở thích cá nhân của từng VIP, như liên kết với những trung tâm giải trí cao cấp để đưa khách đi masasge thư giãn, chơi golf hay có thẻ mua sắm ưu đãi ở những trung tâm thương mại. Ngoài ra Vietcombank đang hướng tới việc giúp khách hàng sử dụng thẻ VIP của ngân hàng này khi đi công tác hay du lịch ở nước khác sẽ được công nhận là VIP tại đó, nếu nước này có văn phòng đại diện của Vietcombank. Hiện Vietcombank có khoảng vài nghìn tài khoản khách VIP.
Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) có điều kiện "để là khách VIP" cao hơn, yêu cầu khách hàng phải có tổng giá trị giao dịch từ 20 tỷ đồng một quý trở lên. Là VIP, khách hàng được hưởng mọi sản phẩm thời thượng nhất của ngân hàng và Sacombank chọn tính bảo mật nổi trội để cạnh tranh với dịch vụ cao cấp của các nhà băng khác.
Cùng kinh doanh về dịch vụ tài chính, các công ty chứng khoán về cơ bản cũng có chế độ chăm sóc khách VIP tương tự ngân hàng. Tuy nhiên, các công ty này đặc biệt chú trọng về việc ưu đãi phí giao dịch và đòn bẩy tài chính, thiết lập đường truyền mạng và line điện thoại riêng dành cho các “đại gia”.
Một nhân viên môi giới Công ty chứng khoán Kim Eng Vietnam cho biết, tại Kim Eng nếu “đại gia” nào “chơi đẹp”, môi giới có thể đề xuất lãnh đạo công ty giảm phí giao dịch cho họ xuống còn 0,15% (mức phí thông thường là 0,3%). Thường mỗi lần một VIP giao dịch lên tới cả vài tỷ tới vài chục tỷ đồng thì mức giảm phí trên quả là một biệt đãi của công ty chứng khoán dành cho VIP.
Anh Tuấn, một môi giới của công ty chứng khoán khác còn cho hay, khách VIP cũng có phòng riêng tiện nghi để theo dõi thị trường và giao dịch. Những phòng này điện nước không bao giờ mất, dù cả thu đô bị cắt điện. Phục vụ trong các phòng này là những chuyên viên chuyên nghiệp nhưng hình thức cũng phải “người mẫu” một chút, nhất là với nhân viên nữ. Có trường hợp nhân viên nữ bị khách VIP “sàm sỡ” là thường tình.
Khách VIP được chăm sóc như thế nào?
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc cũng là nơi mà giới "đại gia" hay qua lại và có mối quan hệ làm ăn “khăng khít”. Theo anh Định, phụ trách kinh doanh Bảo Tín Minh Châu, khách VIP của doanh nghiệp được hưởng giá giao dịch “hời” hơn giá niêm yết trên thị trường tới 20% chênh lệch giá mua bán. Chẳng hạn khoảng cách giá mua bán trên thị trường là 100.000 đồng mỗi lượng thì VIP có thể mua vào với mức giá thấp hơn và bán ra với mức cao hơn 20.000 đồng một lượng. Bảo Tín Minh Châu có hẳn một cửa hàng dành riêng cho khách VIP giao dịch tại số 127 Bùi Thị Xuân, tuy nhiên, những khách này thường thích giao dịch tại nhà và họ có nhân viên riêng phục vụ. Ngoài ra, những dịp sinh nhật VIP, Bảo Tín Minh Châu đều không quên gửi điện hoa và quà tặng giá trị để tri ân.
Với các đơn vị mà thành bại của họ gắn liền với hoạt động chăm sóc khách hàng như các hãng di động, hàng không, truyền thông… thì việc đầu tư vào đối tượng “thượng đế” nhà giàu lại càng quan trọng.
Khách VIP được chăm sóc chu đáo tại các phòng chờ hạng thương gia tại sân bay. |
Trung tâm Dịch vụ Khách hàng VTC Care quan niệm khách VIP không chỉ là những người nhiều tiền, mà chỉ cần họ luôn đồng hành và gắn bó với các dịch vụ của VTC, họ được “tôn xưng” là VIP và có thẻ VIP riêng. Có thẻ này, họ được tham gia vào các sự kiện quan trọng của VTC, các chương trình khuyến mại, tặng quà, tri ân khách hàng… Họ cũng được đón tiếp tại phòng chăm sóc khách hàng đặc biệt, được phục vụ trực tiếp tại nhà.
Với khách hàng có tấm thẻ VIP của mạng viễn thông quân đội Viettel, họ được hưởng rất nhiều ưu đãi. Một lãnh đạo của Viettel Telecom cho biết, ưu đãi mà khách VIP thích nhất đó là được hưởng dịch vụ phòng chờ hạng thương gia tại sân bay Nội Bài và TP HCM khi khách mua vé máy bay của Vietnam Airlines.
Ngoài những tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên, dịch vụ dành cho khách thượng lưu còn “nở rộ” tại cả những doanh nghiệp nhỏ hay cửa hàng thời trang, nhà hàng ăn uống, thậm chí quầy bi-a, quán café…
Hãng thời trang công sở Eva de Eva khi có bất cứ chương trình khuyến mãi hay bộ sưu tập mới nào cũng đều nhắn tin cho từng khách “ruột” của mình. Bất cứ ngày nào, khách có thẻ VIP tới các chuỗi cửa hàng của Eva mua hàng đều được giảm giá từ 10 tới 15%. Năm nay, để tri ân những khách hàng trung thành, hãng này đã dành riêng một ngày đặc biệt cho họ, ngày 26/7 vừa qua. Theo đó, khi mang thẻ VIP mua sắm trong ngày này, khách hàng sẽ được giảm giá 30% cho bất kì sản phẩm nào.
Siêu thị điện máy Trần Anh cũng mới phát hành thẻ VIP cho khách từ hơn một năm nay với 2 loại thẻ vàng và bạc. Khách mua hàng nếu có thẻ VIP sẽ được hưởng chiết khấu cao, vận chuyển lắp đặt tận nơi…
Nhà hàng Hải Long ở phố Trần Thái Tông (Hà Nội) còn có hẳn một bộ phận chăm sóc khách hàng riêng. Theo anh Hiếu, trưởng phòng chăm sóc khách hàng, Nhà hàng Hải Long, đầu tháng 7 vừa qua, Hải Long chính thức ra mắt câu lạc bộ khách VIP của nhà hàng và cấp thẻ VIP vàng cho khách “đủ chuẩn”. Với thẻ VIP này, khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, karaoke gia đình, cà phê bóng đá trên toàn hệ thống nhà hàng đều được tích lũy điểm thưởng và hưởng chiết khấu. Ngoài ra, các dịp lễ Tết, sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới, khách hàng còn nhận được hoa và quà tặng đặc biệt từ phía nhà hàng.
Đa số khách VIP đều có cái nhìn thiện cảm và vui vẻ đón nhận với những nỗ lực tung ra các dịch vụ cao cấp của các công ty nhằm “phúc đáp”, thu hút và giữ chân họ. Song đã là VIP thì yêu cầu của họ cũng rất cao, nên không phải nổ lực nào cũng được các VIP hài lòng, thậm chí có người còn cảm thấy khó chịu khi "bị chăm sóc" chu đáo và kỹ lưỡng quá.
Anh Nguyễn Văn Long, môi giới chứng khoán tại Công ty chứng khoán An Bình kể, có một khách VIP bên anh nhìn thì không ai nghĩ là VIP, ăn mặc lúc nào cũng giản dị, khi lên sàn thì chỉ thích ngồi ở sàn ngoài với các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác và đặc biệt không thích các nhân viên lúc nào cũng hỏi han mình.
Còn anh Vũ Đình Bách, Giám đốc một công ty về xây dựng ở Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội), từng là khách hàng được hưởng dịch vụ phòng chờ hạng thương gia của Viettel khi mua vé máy bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Sài Gòn. "Trái với sự hồ hởi của tôi, khi tôi cầm thẻ VIP của Viettel đi vào phòng chờ hạng thương gia của Vietnam Airlines thì bị nhân viên mời ra ngoài mà không hiểu tại sao. Sau đó liên hệ với nhà mạng, tôi mới được giải thích là chương trình tạm ngừng một thời gian ngắn do có một số hiểu nhầm giữa hai bên. Lúc đó tôi vừa ngượng vừa bực mình, nghĩ bụng thà không có thẻ VIP còn đỡ mất công”, anh Bách nói.
Theo Đất Việt
Bình luận