Khỉ lẻn vào nhà, cắn bé gái 2 tháng tuổi
Tháng 6/2017, chị Đ.M.P. (28 tuổi, trú tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến trình báo công an phường Xuân Phương trong tâm trạng hoảng hốt về sự việc con chị đột nhiên bị khỉ lẻn vào nhà tấn công.
Chị P. cho biết, trước đó, khoảng 11h trưa, một con khỉ đực trưởng thành đột nhập vào nhà chị, tấn công cháu bé 2 tháng tuổi con chị.
Rất may, cháu bé chỉ bị thương và xước vùng da đầu, má. Quá lo lắng, chị P. nhanh chóng sát trùng vết thương và đưa con đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, dù các các bác sĩ chưa phát hiện dấu hiệu bệnh dại của khỉ trên cơ thể, nhưng bé vẫn phải theo dõi trong 2 tuần.
Hậu quả để lại là cháu bé con chị P. luôn hoảng sợ, giật mình, quấy khóc liên tục.
Bé gái 14 tháng tuổi bị khỉ cắn chấn thương sọ não
Sự việc đặc biệt nguy hiểm này xảy ra tại TP.HCM hôm 28/6 vừa qua. Theo gia đình bệnh nhi, bé gái N.P.N.K. (14 tháng tuổi, trú tại Bình Chánh) ngồi chơi trước sân thì bị khỉ nhà hàng xóm sổng chuồng, chạy đến tấn công.
Con khỉ này lao vào cào mặt và cắn ngay đỉnh đầu của bé K., tạo thành một vết thương khá sâu rộng, chảy nhiều máu ở vùng đầu và mặt, rất nguy hiểm.
Gia đình chỉ kịp sơ cứu qua rồi gấp rút đưa cháu bé đi Bệnh viện Nhi đồng cấp cứu. Qua kết quả chẩn đoán và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận định, bé K. bị chấn thương sọ não do lún xương sọ vùng đỉnh, chẩm phải.
Rất may sau đó bé K. được phẫu thuật thành công, sức khỏe dần được hồi phục, không ảnh hưởng tới tính mạng.
Khỉ “điên” liên tục tấn công người ở Tây Ninh
Người dân ở Tây Ninh từng nhiều lần không khỏi bàng hoàng, lo lắng về một đàn khỉ liên tục lao vào cắn người.
Nạn nhân mới đây nhất là một bé trai 7 tuổi bị hai con khỉ tấn công trong lúc đi chơi tại Toà thánh Tây Ninh.
Cháu bé bị con khỉ túm tóc và một con cắn vào tay. Gia đình phải đưa bé đi cấp cứu, khâu 11 mũi, Cháu còn phải nghỉ học để chữa trị và ổn định tâm lý.
Bị khỉ nhà hàng xóm tấn công
Gần đây nhất là trường hợp của chị N.T.H. (32 tuổi, ở Thanh Hóa) được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu với một vết thương vùng cánh tay trái, dài khoảng 15cm với nhiều chỗ dập nát do bị khỉ nhà hàng xóm cắn.
Để cấp cứu cho chị, các bác sĩ phải tìm nối các nhánh thần kinh và cơ vùng cánh tay bị đứt. Ngoài ra, chị cũng được tư vấn tiêm phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng.
Thông tin về ca bệnh, các bác sĩ cho biết, vết thương vùng tay của chị H. tuy đã khô, bệnh nhân vừa được ra viện, nhưng vẫn phải khám lại theo lịch hẹn để đánh giá khả năng phục hồi của thần kinh.
Tuy nhiên, khả năng không mấy khả quan vì chị H. bị tổn thương quá nặng, tốc độ phục hồi thần kinh chậm, có nguy cơ giảm chức năng bàn tay trái và chức năng vận động bàn tay chị sẽ không thể trở lại như bình thường.
Bình luận