Làm đẹp luôn là một trong những việc làm được chị em phụ nữ yêu thích và tìm tòi không ngừng. Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, chuẩn mực về cái đẹp lại ngày thay đổi. Đi cùng với nó cũng là những phương pháp làm đẹp cũng khác nhau. Nếu như ở thời trước, đó là những “bí kíp” tuyệt vời thì thời nay nhìn lại người ta chỉ biết há hốc mồm và sợ hãi. Hãy cùng điểm qua những phương pháp đó là gì nhé.
1. Nhuộm răng đen
Nếu như thời nay một hàm răng chắc khoẻ và trắng bóng là chuẩn mực của cái đẹp thì thời “ông bà anh” lại chuộng hàm răng đen bóng. Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác.
Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Mường, Thái, Si La... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thời gian, cách nhuộm và chất liệu sử dụng.
Do thói quen ăn trầu khiến răng bị xuống màu, người ta đã tìm cách để nhuộm hàm răng trở thành một màu đen tuyền bóng
Biểu tượng sắc đẹp của thời ấy chính là da trắng, răng đen. Nên các cô gái rất chuộng hàm răng có màu đen này. Cô nào có răng càng đen, càng bóng và nước da càng trắng thì càng được các đáng mày râu theo đuổi
Quá trình nhuộm răng đen và gìn giữ hàm răng ấy cũng rất công phu và mất công
Tục nhuộm răng từ đó đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng người Việt. Ai không nhuộm răng thì nhất định bị coi là đi ngược lại tập tục và không được đón nhận. Những người không nhuộm răng thì không được đến cưới hỏi.
Còn ở Nhật Bản người phụ nữ Nhật Bản lại nhuộm răng đen để được xem là một biểu tượng của vẻ đẹp và sự cam kết trong hôn nhân ở suốt thế kỷ thứ 19
Dù cho ngày nay, tục này đã lưu vào dĩ vãng và hình ảnh những người phụ nữ răng đen cũng ít ai nhắc đến nhưng nó vẫn mãi là một tập tục đẹp, ăn sâu vào tiềm thức và tâm hồn người Việt để đời sau nhớ mãi không quên.
2. Tục bó chân của người Trung Quốc
Bó chân được xem là phương thức làm đẹp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, thường gặp ở vợ và con gái các nhà quý tộc thế kỉ 13. Khi một bé gái lên 5 hay 7 tuổi, người ta bắt đầu bó chặt bàn chân đang phát triển của đứa trẻ, làm xương chân bị gãy, bị bẻ cong sao cho gót chân chạm tới ngón chân. Người thời ấy quan niệm bàn chân càng nhỏ càng quyến rũ về tình dục và thẩm mỹ.
Không ít cô gái đã chịu bao đau đớn, khổ sở để có được đôi bàn chân tí hon này
Tuy nhiên, tục lệ này đã bị bãi bỏ vào đầu thế kỉ 20 do tính chất nguy hiểm của nó
3. Những hộp sọ bị uốn nắn của người Maya cổ đại
Đây không phải là một dấu hiệu thần bí hay liên quan gì đến địa vị con người, đơn giản chỉ là để cho đẹp
Vào khoảng những năm 1000 TCN, người Maya cổ đại đã bắt đầu thay đổi hình dáng hộp sọ của trẻ sơ sinh. Đầu của đứa trẻ bị ràng vào những dụng cụ tạo hình để làm biến dạng hộp sọ. Phương thức này được áp dụng cho cả nam và nữ, và cũng không liên quan gì đến địa vị xã hội, chỉ đơn giản là để... cho đẹp. Nhiều bộ tộc khác trên thế giới cũng theo đuổi "phong trào" này như Huns, Hawaiians, Tahitians, Incas ở Đức và Chinook, Choctaw ở Bắc Mỹ.
4. Bộ móng dài thời nhà Thanh
Móng tay người phụ nữ thời xưa càng dài càng chứng tỏ họ có một cuộc sống vô cùng sung túc và giàu sang
Nếu như những thợ làm móng xuất hiện ở thời nhà Thanh ắt hẳn sẽ có công ăn việc làm vô cùng bận rộn nhưng cũng không kém phần vất vả. Bởi cả đàn ông và phụ nữ thời nhà Thanh đều để móng tay dài tới 20 – 25 centimet. Nhiều phụ nữ còn đeo móng vàng ở ngoài để bảo vệ bộ móng thật không mấy gọn gàng bên trong. Móng dài chứng tỏ họ đủ giàu có để không phải lao động chân tay, thậm chí có người hầu thay quần áo và phục vụ ăn uống.
5. Ngực ngăn đôi lên ngôi vào thế kỉ 19
Thay vì chèn ép vòng 1, thời này phụ nữ lại "chia đôi cơn mơ" vòng 1
Áo nịt ngực là sản phẩm làm đẹp nổi tiếng và thông dụng nhất suốt từ thế kỉ 16 đến 19 giúp chị em có thể khoe đôi gò bông đào hấp dẫn với thiết kế bó sát đến ngạt thở. Nhưng từ thế kỉ 19, áo ngực bắt đầu được cải tiến và tạo ra một phong cách mới không kém phần lạ lùng: Ngăn đôi gò bồng đào thành hai phần cách nhau càng xa càng tốt.
6. Hàng lông mày dính liền nhau của phụ nữ Hy Lạp
Thay vì sở hữu hàng lông mày thanh mảnh thì phụ nữ Hy Lạp lại thích đôi mày rậm rạp và...dính liền
Người Hy Lạp lại có một ý tưởng rất khác về đôi lông mày. Một hàng lông mày đậm và dính liền nhau chứng tỏ cho sự thông minh và trong sáng của người phụ nữ. Nếu không được trời phú cho hàng lông mày rậm tự nhiên, họ sẽ vẽ thêm sao cho thật đậm, thật đẹp.
7. Hàm răng ngắn tỏa nắng trong thời kì Phục hưng
Người bấy giờ lại thấy những hàm răng này hay hay theo một cách nào đó
Nhiều quan niệm về vẻ đẹp nổi lên trong thời Phục hưng vẫn còn quen thuộc với chúng ta đến tận bây giờ như chân dài, hông rộng, eo thon… Nhưng có một xu hướng chúng ta khó mà "yêu" nổi: răng ngắn. Người bấy giờ yêu thích những nụ cười với một hàm răng được mài ngắn cũn cỡn trong khi ở thời hiện tại răng thỏ lại là mốt răng được lên ngôi và ưa chuộng.
8. Đôi má phúng phính thời nhà Đường
Đôi má phúng phính còn được tô điểm thật hồng để khiến các chàng trai "đắm đuối"
Những cô gái khuôn mặt Vline hay L-line ắt hẳn sẽ khóc ròng, còn các cô nàng phúng phính sẽ mừng thầm biết mấy nếu sống ở thời nhà Đường. Ở Trung Quốc thời nhà Đường (618 – 907), những phụ nữ có khuôn mặt tròn trịa, bầu má phúng phính mới được coi là đẹp nhất.
9. Vòng eo càng bé càng tốt
Để có được vòng eo con kiến, phụ nữ thời xưa không quản đau đớn và thậm chí là khó thở
Thời trang phụ nữ thời kì Edward tập trung tôn vinh cơ thể trưởng thành của người con gái. Họ sử dụng áo nịt để tạo ra thân hình đồng hồ cát. Tuy nhiên, một số loại áo bó quá chặt, quá sát gây khó thở cho người mặc, thậm chí dồn ép các cơ quan nội tạng gây chảy máu trong. Người mặc đi đứng khó được tự nhiên, thậm chí bị để lại những hậu quả lâu dài.
10. Vầng trán cao và đôi mắt không lông mi thời Phục Hưng
Phụ nữ ở thời Phục hưng lại có những chuẩn mực về cái đẹp vô cùng khác lạ, nếu không muốn nói là “dị”
Bạn đã bao giờ bạn xem những bức họa thời Phục hưng và tự hỏi sao phụ nữ thời ấy trông là lạ? Không riêng gì bạn, hầu hết mọi người đều nhận thấy như vậy. Đó là do vầng trán của họ. Độ cao và rộng của trán là một chỉ số quan trọng của vẻ đẹp. Nhiều phụ nữ cạo bớt phần tóc phía trước để tăng kích thước trán. Cho nên, không phải thời ấy người ta bị hói đầu, mà cố ý để được như vậy.
Chưa hết đâu, quan sát kĩ hơn chút bạn sẽ phát hiện các cô gái thời kỳ này còn không có lông mi. Thời bấy giờ, lông mi bị coi như là một biểu tượng của sự vô đạo đức, nên phụ nữ thường nhổ sạch chúng, một việc mà nghĩ tới thôi cũng đã thấy đau rồi!
Trải qua thời gian, những phương pháp làm đẹp “cổ hủ” dần được loại bỏ, quan điểm làm đẹp cũng thay đổi nhiều giúp người phụ nữ thời nay được thoải mái và tự tin thể hiện mình. Dù có nhiều trào lưu mới ra đời thế nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự tin với bản thân đúng không nào!
Bình luận