Dù không phải thị trường ôtô lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN) xét về quy mô tiêu thụ xe mới, Việt Nam thuộc nhóm đầu về tăng trưởng doanh số hàng năm. Trong 2019, người Việt mua 385.641 xe mới, tăng 9,5% so với 2018, chỉ xếp sau Myanmar (tăng trưởng 25%) nhưng lượng tiêu thụ xe ở quốc gia này khiêm tốn, nhỏ hơn 17 lần.
Sức mua còn lớn trong tương lai đưa Việt Nam vào hàng một trong những thị trường tiềm năng nhất ASEAN. Ôtô Nhật, Hàn, Mỹ, Đức, Pháp đều đã có mặt tại Việt Nam. Cạnh tranh giữa các hãng tạo ra sự đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng. Đáp ứng thị hiếu, Toyota, Honda, Mitsubishi, Hyundai, Mercedes đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ở chiều ngược lại, không ít cái tên trôi vào quên lãng, kinh doanh bết bát và âm thầm rút khỏi thị trường.
Trong 2020, thị trường ôtô Việt Nam đánh dấu sự trở lại của Renault, MG, Jeep, Nissan bằng việc bắt tay nhà phân phối mới.
Renault
Thông tin Renault quay lại Việt Nam xuất hiện từ khoảng tháng 4 nhưng dịch Covid-19 làm lu mờ mọi kế hoạch của hãng. Lô hàng Renault Kaptur, Arkana nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga xuất hiện tại Hà Nội khi ấy trong quá trình làm thủ tục đăng kiểm.
Showroom trưng bày mới của Renault đã hoàn thiện tại quận 7, TP HCM. Thương hiệu Pháp sẽ đến tay khách hàng Việt thông qua CT Wearnes, công ty đang nắm quyền phân phối hàng loạt hãng như Bentley, Aston Martin, Lamborghini, Ducati. Dự kiến trong tháng 10, Renault sẽ chính thức hoạt động trở lại tại thị trường Việt Nam.
Talisman, mẫu sedan hạng D giá 1,5 tỷ đồng xuất hiện tại triển lãm ôtô Việt Nam 2016 là sản phẩm gần nhất Renault nhập khẩu về nước. Renault rút lui âm thầm khỏi Việt Nam cuối 2017 bằng việc nhà phân phối, công ty Auto Motors Vietnam tìm đối tác mới kinh doanh thương hiệu Renault.
Renault xuất hiện tại Việt Nam từ 2010. Cách định giá sản phẩm khá cao so với mặt bằng chung của thị trường đối với một thương hiệu phổ thông, thiết kế ít điểm nhấn dù mang mác xe châu Âu, doanh số Renault bết bát và dần mờ nhạt trên thị trường. Sự trở lại của Renault với nhà phân phối mới, được kỳ vọng sẽ có nhiều điểm tích cực. Peugeot, một hãng xe Pháp dưới mái nhà Trường Hải với định vị cận cao cấp hiện có doanh số khá tốt.
Nissan
Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ôtô Việt Nam (VAD) thành lập chưa đầy một tháng, sẽ tiếp quản quyền phân phối thương hiệu Nissan tại Việt Nam từ 1/10. Điều này xua tan những lo ngại của khách hàng về dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng xe Nissan khi Tan Chong, nhà phân phối cũ của Nissan rời đi.
Cuối 2018, Nissan Nhật Bản thông báo kết thúc hợp tác với Tan Chong. Đối tác Malaysia mất quyền nhập khẩu và phân phối ôtô nguyên chiếc cũng như linh phụ kiện của Nissan tại Việt Nam từ 10/9/2019. Tuy nhiên, hai bên gia hạn thêm một năm để chuẩn bị các bước chuyển giao cũng như tìm nhà phân phối mới, trước khi VAD trở thành đối tác mới của tập đoàn Nhật.
Các đại lý cũ của liên doanh Nissan-Tan Chong hiện giảm giá X-Trail và Sunny, trong đó mức giảm cao nhất khoảng 70 triệu cho mẫu sedan cỡ B. Xuyên suốt 2019 và những tháng qua trong 2020, hoạt động kinh doanh của thương hiệu Nissan cầm chừng và chủ yếu bán nốt những mẫu xe còn tồn. Riêng mẫu SUV hạng D Terra và xe bán tải Navara không có số liệu bán hàng.
Sau khi có nhà phân phối mới, thương hiệu Nissan được kỳ vọng sẽ hồi sinh tại Việt Nam. Một giám đốc đại lý tiết lộ, nhà phân phối mới muốn doanh số trong 2021 của Nissan tăng gấp ba lần so với 2020. Để làm được điều này, hãng sẽ bán khoảng 5 sản phẩm chủ lực, hoạt động marketing cũng sẽ được đẩy mạnh hơn.
MG
Kết thúc mối lương duyên với Nissan, Tan Chong bắt tay kinh doanh hãng xe Anh quốc MG (Morris Garages) từ tháng 7 bằng hai sản phẩm đầu tiên ZS và HS. MG hiện thuộc quyền sở hữu của công ty công nghiệp ôtô Thượng Hải, SAIC (Trung Quốc). Thương hiệu này hiện hoạt động khá mạnh tại Thái Lan và Indonesia.
MG vốn không xa lạ với khách hàng Việt khi từng xuất hiện hồi 2012 dưới quyền phân phối của CT Brothers Automobile, trụ sở trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Tuy nhiên chỉ vỏn vẹn vài tháng tiếp cận thị trường, MG âm thầm rút khỏi Việt Nam và sau 8 năm mới quay trở lại.
Trong thời gian đầu, Tan Chong bán xe ZS và HS, sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó từ tháng 11 sẽ chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Hãng đặt mục tiêu cuối 2020, đầu 2021 lắp ráp xe MG tại nhà máy của Tan Chong ở Đà Nẵng, nơi từng lắp các mẫu xe của Nissan.
Tại Việt Nam, Tan Chong còn phân phối các dòng xe Subaru nhập khẩu Thái Lan nhưng doanh số không cao.
Jeep
Thương hiệu Mỹ Jeep một lần nữa quay lại Việt Nam sau quãng kinh doanh đáng quên hồi 2009 dưới quyền phân phối của công ty cổ phần ôtô Đông Dương (IC Auto). Trụ sở khi đó đặt tại một tòa nhà trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM. Hãng sau đó âm thầm rút khỏi thị trường Việt Nam vì doanh số thấp.
Jeep và nhà phân phối mới đang xây dựng đội ngũ bán hàng và showroom, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối 2020. Lô hàng hơn 10 chiếc gồm các mẫu SUV Wrangler và xe bán tải Gladiator đã cập cảng Việt Nam. Mức giá của hai dòng xe này, với nguồn gốc nhập Mỹ, không dễ để tiếp cận khách hàng số đông khi đều trên 3 tỷ đồng.
Bình luận