(VTC News) - Thí sinh có "thư ký" chép bài hộ, hay cụ ông 70 tuổi 3 lần đi thi tốt nghiệp THPT...là những trường hợp đặc biệt trong ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Cụ ông 60 tuổi vượt 100 km dự thi THPT quốc gia
Ông Lê Tuấn Anh (SN 1955) đã vượt hơn 100 km từ Vũng Tàu lên TP.HCM dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Ông Lê Tuấn Anh làm thủ tục dự thi (Ảnh: NLĐ) |
Trong kỳ thi năm nay, gia đình ông có hai người dự thi, ngoài ông còn có con gái đầu tên là Lê Thu Nguyệt cũng dự thi ở cụm này.
Thí sinh 60 tuổi tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Thí sinh 70 tuổi ba lần đi thi tốt nghiệp THPT
Ông Hồ Ngọc Cảnh (SN 1945, ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đang quyết lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp III khi tham dự kỳ thi năm nay. Đây đã là lần thứ ba ông dự thi THPT.
Ông Cảnh 3 lần đi dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: TTO) |
Theo quy định của Nhà nước, nếu muốn mở phòng khám đông y phải có bằng tốt nghiệp phổ thông. Ngày biết quy định đó, ông Cảnh giong xe máy chạy luôn lên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm đăng ký học lớp 12.
Lần thứ ba đi thi, quyết tâm thi đậu của ông Cảnh không còn dừng lại ở cái nguyên cớ để mở phòng khám nữa.
Nữ thí sinh có 'thư ký' chép bài
Sáng 1/7, Đỗ Thị Thao được điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh của cụm thi trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM bố trí một phòng thi riêng, do thí sinh này bị gãy tay.
Hội đồng thi cử em Nguyễn Thị Kim Cương (học sinh lớp 11B11, trường THPT Lê Minh Xuân) thực hiện bài làm cho Thao theo truyền đạt của thí sinh này.
Thí sinh Thao có người chép bài hộ trong quá trình làm bài thi (Ảnh: Vnexpress) |
Ngày 26/6, ông Nguyễn Thanh Tòng - Hiệu trưởng trường THPT Lê Minh Xuân - đã gửi văn bản đến Đại học Công nghiệp Thực phẩm đề nghị cử em Cương chép bài cho Thao trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo cụm thi THPT quốc gia tại TP HCM, trường đã lên kế hoạch thực hiện.
Ông Lê Thành Tới, Trưởng điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, cho hay đã bố trí 2 giám thị và một giám sát hành lang tại phòng của thí sinh Thao. Hội đồng thi đã hỗ trợ và tạo điều kiện, sự thoải mái cho thí sinh Thao dự thi.
Thí sinh đi thi có máy trợ thở kèm theo
Trong buổi thi môn Toán tại cụm thi của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, có một thí sinh bị lên cơn động kinh. Đến buổi chiều, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chỉ đạo cho phép thí sinh mang máy trợ thở vào phòng thi phòng khi bệnh tái phát.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo cho phép thí sinh mang máy trợ thở vào phòng thi phòng khi bệnh tái phát (Ảnh: Dân trí) |
Nữ sinh cao 1 mét đi thi
Thí sinh Nguyễn Ngọc Tường Vi khiến không ít người ngạc nhiên khi tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015 tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Huế với chiều cao khiêm tốn - 1 mét.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Tường Vi (Ảnh: NLĐ) |
Là học sinh ở trường huyện, điều kiện gia đình khá khó khăn nhưng Tường Vi lại rất cố gắng học tập. Kết quả, suốt 12 năm học Tường Vi luôn đạt học sinh xuất sắc.
Nữ thí sinh Tường Vi cho biết rất quyết tâm thi đỗ vào đại học để không phụ lòng cha mẹ.
Thí sinh rửa xe lấy tiền đi thi
Thí sinh Phạm Thị Nhung ở Nam Định phải dành dụm tiền trong nhiều tháng từ công việc rửa xe máy để có kinh phí lên Hà Nội dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015,
Nhung chia sẻ, bố bỏ đi, mẹ bị tâm thần hơn 10 năm không làm được việc, Nhung trở thành trụ cột của 3 chị em. Khi các bạn có thời gian ôn thi, Nhung vẫn miệt mài lau, rửa xe máy từ 7h sáng đến tối.
Tiền công mỗi tháng từ công việc này được hơn một triệu đồng dùng để trang trải sinh hoạt cho 3 chị em và để dành một ít để đi thi.
Thí sinh Phạm Thị Nhung rơi nước mắt khi kể về hoàn cảnh của mình (Ảnh: Zing) |
Không chỉ rửa xe, Nhung còn chăm gần 2 sào ruộng và trồng thêm giềng, sả, rau thơm ở mảnh vườn nhỏ trước nhà để bán, lấy tiền đóng học và lo cho các em. Thương cháu gái vất vả, ông bà ngoại đưa mẹ em về chăm sóc, thuốc thang hàng ngày để Nhung có thời gian học tập.
Nhung mong muốn theo học một ngôi trường nào đó liên quan đến ngành y để có thể chăm sóc cho người thân trong gia đình.
Hà Minh (tổng hợp)
Bình luận