Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử Tổng thống vào tháng 3 năm tới, giới quan sát đánh giá không khó để ông có thể tiếp tục làm người đứng đầu đất nước thêm 6 năm nữa. Tuy nhiên, dưới đây là một số thách thức ông phải đối mặt nếu tiếp tục giữ chức Tổng thống.
Xung đột Ukraine
Sau hơn 21 tháng chiến sự, lực lượng Nga kiểm soát hơn 1/6 lãnh thổ Ukraine. Chiến tuyến không có sự thay đổi đáng kể trong năm qua khi cuộc xung đột đã chuyển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao.
Mục tiêu cuối cùng của ông Putin vẫn chưa rõ ràng. Ông đã thất bại trong nỗ lực ban đầu nhằm chiếm thủ đô Kiev và loại bỏ giới lãnh đạo Ukraine hiện tại. Kể từ đó, sau một cuộc trưng cầu ý dân, ông tuyên bố 4 tỉnh của Ukraine là một phần của Nga nhưng chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ đó.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Putin dường như tin rằng thời gian đang đứng về phía mình: Moskva hy vọng quyết tâm của phương Tây về vũ trang và tài trợ cho Ukraine sẽ mờ nhạt, đặc biệt nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới đưa ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Nếu chọn leo thang, ông Putin có thể dựa vào thực tế rằng Nga có nguồn nhân lực dự trữ dồi dào hơn Ukraine bằng cách tuyên bố một đợt tuyển quân mới bên cạnh đợt tuyển mộ 300.000 quân mà ông đã yêu cầu vào tháng 9 năm ngoái.
Ngoài ra, ông Putin có thể cho phép cuộc chiến chuyển thành một "cuộc xung đột đóng băng", trong đó Nga sẽ cố gắng giữ Ukraine trong tình trạng nghẹt thở và kiệt quệ khi luôn phải đối mặt với giao tranh.
Chính sách đối ngoại
Quyết định của ông Putin tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã cắt đứt quan hệ với phương Tây.
Ông đã tiến gần hơn đến Trung Quốc và Ấn Độ như một phần trong nỗ lực phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong quan hệ quốc tế và xây dựng cái mà ông gọi là "thế giới đa cực", đồng thời cũng đang phát triển mối quan hệ với Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh.
Ông Putin đã tổ chức các cuộc gặp trong những tháng gần đây với các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Iran, hai quốc gia có cùng quan điểm thù địch với Mỹ. Nếu ông Putin đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo, có thể ông sẽ cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng vào mối quan hệ của Nga với nhóm các quốc gia BRICS đang mở rộng. Moskva đang tìm cách phát triển sự hợp tác của khối này không chỉ dừng lại ở thương mại mà còn các lĩnh vực mới như không gian, thể thao…
Vũ khí hạt nhân
Ông Putin đã nhiều lần ca ngợi quy mô và khả năng kho vũ khí hạt nhân của Nga. Ông đã đưa ra khả năng Nga có thể tiếp tục thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô thực hiện vào năm 1990. Mặc dù Moskva cho biết họ sẽ không thử nghiệm trừ khi Mỹ làm như vậy.
Triển vọng hiện có vẻ mờ mịt về một hiệp ước gia hạn hoặc kế thừa cho thỏa thuận New START nhằm hạn chế số lượng đầu đạn chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa hai nước và sẽ hết hạn vào tháng 2/2026, chưa đầy hai năm sau nếu ông Putin đắc cử vào năm tới.
Thương mại và năng lượng
Nga đã mất phần lớn thị trường năng lượng béo bở ở châu Âu kể từ khi bắt đầu đưa quân tới Ukraine. Để bù đắp, Moskva đang trông cậy vào ba dự án lớn mới:
- Một "trung tâm khí đốt" mới ở Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép Nga định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt của mình
- Một đường ống mới, Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2), sẽ đưa thêm 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga mỗi năm đến Trung Quốc qua Mông Cổ
- Mở rộng Tuyến đường biển phía Bắc, được thực hiện nhờ băng biển Bắc Cực tan chảy, để nối Murmansk gần biên giới Nga với Na Uy đến eo biển Bering gần Alaska.
Tiến bộ về những vấn đề này trong nhiệm kỳ mới của ông Putin sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thành công của ông trong việc giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây và xoay trục thương mại của Nga về phía Đông.
Kinh tế trong nước
Ông Putin vẫn tự hào về khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 5% so với cùng kỳ trong tháng 10, nhưng mức tăng trưởng này phần lớn bắt nguồn từ sự gia tăng lớn trong sản xuất quân sự.
Quốc phòng và an ninh dự kiến sẽ ngốn khoảng 40% chi tiêu ngân sách năm tới, loại bỏ các ưu tiên khác như giáo dục và y tế. Hàng trăm nghìn người Nga, trong đó có nhiều chuyên gia trẻ và chuyên gia CNTT, đã rời khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu xung đột, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong các ngành công nghiệp then chốt.
Lạm phát tại Nga ở mức trên 7% và lãi suất ở mức 15%. Trong phần lớn thời gian cầm quyền, ông Putin đã có thể tăng cường sức hấp dẫn của mình đối với người Nga bằng cách nâng cao mức sống, nhưng giờ đây ông phải đối mặt với thách thức ngăn chặn những điều này bị xói mòn.
Bình luận