Trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman được xem là một trong những tên tội phạm nguy hiểm nhất Mexico với các cáo buộc hoạt động băng đảng, rửa tiền, buôn lậu ma túy, thanh trừng tàn nhẫn. Tuy nhiên El Chapo còn nổi tiếng với "chiến tích" hai lần đào tẩu khỏi những nhà tù an ninh nghiêm ngặt.
Vụ đào hầm vượt ngục kỳ quái
Vào tháng 6/1993, Guzman bị chính quyền Guatemala bắt giữ gần biên giới Mexico-Guatemala. Khi ở trong tù, hắn mua chuộc nhân viên an ninh để được đối xử đặc biệt, tiếp tục giám sát liên tục hoạt động của băng đảng bên ngoài.
Vào tháng 1/2001, Guzman trốn thoát khỏi nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Jalisco, Mexico, sau khi hối lộ một số nhân viên. Hắn trốn trong xe đẩy chứa đồ giặt là và được một nhân viên bảo trì nhà tù đưa đi. Cuộc vượt ngục lần đầu tiên của trùm ma túy này khởi đầu cho chuỗi nhiều năm truy lùng của cảnh sát trên toàn đất nước Mexico.
Sau hơn một thập kỷ trốn chạy, Guzman bị bắt lại vào tháng 2/2014 tại một khách sạn ở Mazatlan, thị trấn nghỉ mát bãi biển ở bang Sinaloa, quê hương của hắn. Sau khi trùm ma túy bị bắt, các nhà chức trách nói rằng họ đã phát hiện ra hàng loạt đường hầm bí mật ở thành phố Culiacan, nơi Guzman đã sử dụng để vận hành “hệ thống” ma túy của mình.
Lần vượt ngục thứ hai của Guzman chỉ diễn ra sau đó vài tháng.
Tháng 7/2015, sau khi bị giam khoảng hơn một năm tại nhà tù Altiplano, cách thủ đô Mexico khoảng 80 km, Guzman vượt ngục lần hai. Trong camera ghi lại hình ảnh buồng giam, El Chapo được nhìn thấy vào buồng tắm nhưng mãi không trở ra.
Hắn đã bí mật đào một đường hầm dài 1,5 km từ buồng giam ra bên ngoài. Đường hầm này “tinh vi” đến nỗi có cả hệ thống thông gió, đèn chiếu sáng, đường ray để vận chuyển dụng cụ, đất đá. Vụ việc được cho là có sự tham gia của các đồng bọn của El Chapo.
Tuy nhiên, khác với lần trước, chỉ sau gần hai tháng, Guzman đã “lọt lưới” cảnh sát. Đến đầu năm 2017, trùm ma túy Mexico bị dẫn độ sang Mỹ.
Giả làm thanh tra “ngầm”
Một tên tội phạm “không từ thủ đoạn” để vượt ngục khác thường được nhắc đến là Frank Abagnale. Trùm lừa đảo quốc tế chuyên giả danh giáo viên, bác sĩ, luật sư, phi công,... làm giấy tờ giả, séc giả, bị bắt tại Pháp vào năm 1969. Hắn bị giam sáu tháng trong nhà tù của Pháp, sáu tháng nữa ở Thụy Điển, cuối cùng bị trục xuất về Mỹ và bị kết án thêm 12 năm trong nhà tù liên bang.
Năm 1971, một cảnh sát trưởng Mỹ vô tình bỏ quên trát bắt giam phạm nhân và số giấy tờ này rơi vào tay Abagnale. Hắn ngay lập tức tận dụng cơ hội, thuyết phục quản giáo, lính gác nhà tù ở Georgia rằng mình thực ra là thanh tra ngầm đang làm nhiệm vụ.
Trong tù, với thân phận thanh tra, tên tội phạm yêu cầu các quản ngục gọi điện cho đồng phạm (đóng giả đặc vụ FBI mang tên “Jean Sebring”). Sebring đã làm giả hai tấm danh thiếp, một của đặc vụ FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) và một của thanh tra nhà tù rồi tuồn vào trại giam cho Abagnale.
Trong một cuộc gọi, Sebring nói với quản giáo, “chỉ thị” cho Abagnale ra ngoài ngay lập tức. Thế là trùm lừa đảo có thể ra khỏi nhà tù.
Nhưng Abagnale bị bắt lại chỉ hai tháng sau. Hắn ngồi tù 4 năm tại Virginia trước khi được ân xá, với điều kiện hỗ trợ cơ quan chức năng trong các vụ án lừa đảo. Về sau Abagnale “đầu quân” cố vấn cho FBI và thành lập công ty tư vấn an ninh.
Dùng yoga chui qua lỗ song sắt
Một vụ vượt ngục kì dị khác xảy ra ở Hàn Quốc năm 2012. Choi Gap-bok bị bắt vì tình nghi cướp giật và giam tại đồn cảnh sát. Với nhiều năm luyện tập yoga, Choi đã trốn thoát khỏi buồng giam một cách “không tưởng” khi chui qua khe đưa đồ ăn phía dưới trong lúc cai ngục đang ngủ.
Để cho các quản ngục không theo dõi mình, tên tội phạm được cho là đã sử dụng một kỹ thuật trong "The Shawshank Redemption" và phủ chăn lên gối để khiến nhân viên an ninh nghĩ rằng anh ta vẫn còn trên giường, theo Donga.com. Hắn cũng bôi dầu lên người để có thể chui qua song sắt được dễ dàng hơn.
Khe mà Choi chui qua chỉ cao 15 cm, rộng 45 cm, trong khi Choi cao khoảng 165 cm. Và cuộc “luồn lách” chỉ diễn ra trong khoảng 34 giây. Nhưng thoát nhanh bao nhiêu thì bị bắt lại cũng nhanh bấy nhiêu, nhiều người trình báo nhìn thấy Choi ở một khu vực miền núi ở miền trung Hàn Quốc và các cơ quan chức năng đã triển khai đợt truy lùng lớn trong khu vực, theo Korea Times.
Tên tội phạm bị tóm chỉ 6 ngày sau, và lần này được đưa vào buồng giam với khe đưa thức ăn nhỏ hơn trước.
Giả gái để vượt ngục
Năm 2012, trùm ma túy Ronaldo Sylva có một pha vượt ngục “dở khóc dở cười”.
Để trốn ra ngoài, hắn đã lên kế hoạch đổi quần áo với người vợ đến thăm. Sylva sau đó cạo râu, tô son, cố gắng cải trang thành phụ nữ. Sylva còn được cho là đã cạo lông tay và chân, đội tóc giả trước khi bước ra khỏi nhà tù Penedo, và đã không bị các lính canh bên trong chú ý.
Tuy nhiên, hắn không thể tự mình đi giày cao gót. Một cảnh sát nhận ra tên tội phạm trong dáng đi kì dị chưa đầy một giờ sau và bắt hắn ngay tại chỗ.
"Anh ta đội tóc giả, sơn móng tay giả và mặc áo dài", giám đốc nhà tù Carlos Welber nói. "Có rất nhiều sự chuẩn bị và tính toán trước liên quan đến việc này". Tuy nhiên theo Welber, vợ của Sylva không biết tại sao chồng mình đột nhiên muốn đổi quần áo.
Trùm ma túy này cũng từng cố trốn khỏi nhà tù trong một lần khác, liên quan đến các nhóm có vũ trang nhưng không thành công.
Bình luận