Bóng đá kết nối, phát triển cộng đồng
Trần Đình Hoàng (2001), Hà Danh Dự (2000), Trương Thị Ngọc Ánh (2000) và Đoàn Thị Hường (1999) là 4 đại diện của Việt Nam sẽ tham dự Lễ hội Bóng đá Hy vọng tại Nga – một hoạt động chính thức của FIFA World Cup 2018 nhằm tôn vinh “Sức mạnh của bóng đá trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực cho xã hội”.
Đây là lần thứ 2 FFAV được FIFA mời tham dự hoạt động Lễ hội Bóng đá Hy vọng. Để chuẩn bị cho sự kiện năm nay, trong thời gian qua, các thành viên trong phá đoàn FFAV đã nghiêm túc chuẩn bị cho chuyến đi cả về mặt vật chẫn lẫn tinh thần.
Bà Trần Thị Như Trang – Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt chia sẻ: “Chúng tôi vinh dự được tài trợ và đồng hành cùng bốn em trong quá trình luyện tập bóng đá, rèn luyện chuẩn bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho chuyến đi tới Nga sắp tới. Là một tổ chức phi lợi nhuận với trọng tâm nâng cao thể lực và trí lực của trẻ em Việt Nam, chúng tôi rất trân trọng ý nghĩa Dự án Bóng đá Cộng đồng Việt Nam, với mong muốn tạo điều kiện cho trẻ em chơi bóng đá nhằm giáo dục kĩ năng sống, góp phần tạo cơ hội hòa nhập cho nhóm trẻ em thiệt thòi”.
Những tấm gương nghị lực truyền cảm hứng
Mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn đưa bốn em đến sống và sinh hoạt tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú (TP. Huế), tham gia câu lạc bộ bóng đá do Dự án Bóng đá cộng đồng Việt Nam dẫn dắt. Bốn em chính là đại diện cho những tấm gương không đầu hàng số phận, cố gắng vươn lên không ngừng nghỉ để đạt được ước mơ của mình, truyền cảm hứng cho những người bạn xung quanh.
Em Đoàn Thị Hường (sinh năm 1999), mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ. Gánh nặng chăm sóc gia đình dồn lên đôi vai của mẹ em. Dù đã cố gắng làm thêm nhiều công việc, mẹ em vẫn không đủ khả năng nuôi ba người con. Anh trai Hường phải tìm đến nương nhờ cửa Phật. Không lâu sau đó, hai chị em Hường được Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú nhận nuôi. Hường hiện là sinh viên năm nhất trường Đại học Nghệ thuật, khoa Thiết kế đồ họa.
Em Lê Thị Ngọc Ánh (sinh năm 2000) lớn lên cùng với bố mẹ và chị gái. Không lâu sau khi trận lũ lịch sử năm 1999 cuốn trôi tất cả của gia đình, mẹ Ánh lại không may qua đời vì bị sét đánh khi đang làm việc ở đồng ruộng. Chị em mới mười sáu tuổi đã phải nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình, Ánh ngoài giờ học phải ra đồng làm ruộng với bố. “Em mong mẹ có thể nhìn thấy em được tham dự một sự kiện toàn cầu như thế này!” – Ánh xúc động nói.
Còn nhỏ nhưng Hoàng đã phải trả qua những khoảng thời gian buồn tủi. Bố mất, mẹ phải bán nhà trả nợ rồi đi làm xa. Hoàng về sống với bà ngoại, suốt bao năm đi học chỉ có một người bạn. Nhỏ tuổi nhất trong đoàn, cậu bé Trương Đình Hoàng (16 tuổi) hào hứng khẳng định: “Chúng em sẽ cố gắng mang tất cả những gì được học và rèn luyện ở đây, cùng với những điều em đã biết về đất nước Việt Nam đến với bạn bè thế giới”.
Trước khi đến với Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú, em Hà Danh Dự (sinh năm 2000) là một cậu bé ăn xin, không có cơ hội được đến trường. Bố em qua đời vì bệnh nặng, mẹ mắc bệnh tâm thần. Từ nhỏ, hai anh em Dự chia nhau đi ăn xin khắp mọi ngã đường thành phố Huế. “So với cuộc sống trước đây của em, việc được tới Nga tham dự một hoạt động lớn toàn cầu lần này là một điều may mắn cực kỳ lớn” – Dự chia sẻ.
Bóng đá cộng đồng không chỉ mang đến cho bốn em nhỏ này một môn thể thao vận động, mà còn dạy cho các em kỹ năng sống, kết nối những người bạn cùng đam mê bóng đá và mang đến cho các em cơ hội một lần được đến với giải bóng đá danh giá nhất hành tinh. Lễ hội Bóng đá Hy vọng lần này chắc chắn truyền động lực giúp các em tự tin hơn, đọng viên các em cố gắng hơn nữa và tiếp tục khẳng định mình trên con đường đời phía trước.
Bình luận