• Zalo

Những tác động đã trông thấy của xâm nhập mặn khiến con người phải sợ hãi

Kinh tếThứ Hai, 11/04/2016 06:45:00 +07:00Google News

Những tác động trực tiếp của tình trạng xâm nhập mặn gay gắt lên chính cuộc sống của chúng ta đã cho thấy những thách thức mới sẽ xảy đến trong tương lai

Những tác động trực tiếp đầu tiên của tình trạng xâm nhập mặn gay gắt lên chính cuộc sống của chúng ta đã cho thấy thách thức mới sẽ xảy đến trong một tương lai không còn quá xa.

Nước ngọt khan hiếm và đắt đỏ


Thời gian gần đây, việc hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nên nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bến Tre trở thành mặt hàng khan hiếm và hết sức đắt đỏ. Nhiều người dân còn chia sẻ, tiền xài nước còn đắt hơn cả tiền ăn gạo hàng ngày của gia đình.

Người dân phải mua nước lấy từ giếng tầng nông, giếng khoan chỉ có vị ngọt chứ chưa hề qua lắng, lọc. Hiện tại giá nước ngọt cung ứng khoảng 60.000 đồng/m3 nếu ở gần, những hộ ở xa mua nước lên đến trên 100.000 đồng/m3.
Nước ngọt có thể có giá lên tới 100.000 đồng/m3- Ảnh minh họa
Vào thời kỳ cao điểm cung ứng nước ngọt cho bà con trong vùng vì hạn, mặn gay gắt, trung bình mỗi ngày một hộ chuyên cung ứng có thể bán được khoảng 20 đến 30 m3 cho các hộ dân ở thị trấn và các vùng lân cận.

Tại huyện Ba Tri (Bến Tre) hàng ngàn hộ dân ngay trung tâm thị trấn nhưng bắt buộc phải mua nước máy có độ mặn 2% sử dụng vì trạm cấp nước cũng bị nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết: “Nước máy lấy từ nguồn nước mặt ở các sông đưa về nhà máy xử lý nên dù là nước sạch vẫn còn độ mặn. Vì vậy người dân đành chấp nhận sử dụng nước mặn trong mùa này”.

Còn tại TP Bến Tre (trung tâm tỉnh Bến Tre) khoảng 60.000 hộ dân phải mua nước có độ mặn trên 1% về sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Tổng giám đốc công ty Cổ phần cấp nước Bến Tre cho biết: “Thời điểm này nước ngọt rất khan hiếm, từ đầu tháng 1 đến nay nguồn nước mặt trên các sông chính đã bị nhiễm mặn nên cư dân thành phố Bến Tre phải chấp nhận sử dụng nguồn nước nước nhiễm mặn từ 1% trở lên".

Để giảm thiểu tối đa cơn khát nước ngọt, công ty này buộc phải khai thác nguồn nước mặt trên rạch Cái Cỏ, xã Quới Thành (Châu Thành, Bến Tre), sau đó chuyển về nhà máy nước Sơn Đông và Hữu Định để hòa với nguồn nước nhiễm mặn, làm giảm độ mặn rồi cấp cho bà con sử dụng.

Giá lúa gạo liên tục "nhảy múa"

Ở tỉnh Tiền Giang, đã xuất hiện tình trạng thương lái tích trữ lúa gạo rất nhiều để chờ giá lên cao. Nông dân cũng giữ lúa, không bán dù giá cao.

Thương lái đang lùng sục tìm mua lúa, thậm chí phải nhờ “cò” lúa nhưng vẫn không mua được bao nhiêu.

Hiện các công ty lương thực đang phải mua lúa gạo với giá rất cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài thời điểm giá còn thấp.

Việc các doanh nghiệp và thương lái tranh nhau mua đã đẩy giá lúa gạo liên tục tăng cao. Điều này có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại “méo mặt” bởi mức giá gạo cao không tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thậm chí có công ty không dám thu mua vì sẽ rất khó cạnh tranh được với gạo của các quốc gia khác trong khu vực.

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo “nhảy múa” như vậy, nhiều ý kiến cho rằng là do năng suất, sản lượng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm do bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn và hạn hán gay gắt.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy tính đến giữa tháng 2 vừa qua, diện tích vụ lúa đông xuân ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán trên 340.000 ha, chiếm gần 22% toàn vùng. Trong đó diện tích đã bị ảnh hưởng nặng lên đến 104.000 ha. Trước thông tin này, nhiều người có tâm lý tích trữ lúa gạo chờ giá cao nữa mới bán.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tháng 2 vượt kế hoạch đề ra 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 117%.

Xuất khẩu tăng đột biến là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm ngoái còn nhiều, đặc biệt là các hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc. Tuy vậy VFA lưu ý mặc dù giá thị trường đang có xu hướng tăng do nguồn cung giảm nhưng nhu cầu vẫn còn yếu nên chưa tạo động lực mới.

Đại diện một số công ty lương thực cũng nhìn nhận giá lúa gạo bị đẩy lên cao do ai cũng có tâm lý cho rằng hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu lúa gạo, thậm chí có cả tâm lý đầu cơ, làm giá lúa gạo bị đẩy lên cao.

Giá thủy sản tăng mạnh

Do tình hình xâm nhập mặn diễn biến nghiêm trọng, ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền nên đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất ngành thủy sản.

Người dân nuôi thủy sản ở khu vực này như đang ngồi trên đống lửa khi nước mặn đang làm bất lợi cho quá trình phát triển của cá nuôi.

Nếu như trước đây cá chết khoảng 10 con/ngày thì nay tăng lên hơn 30 con/ngày và đang có dấu hiệu chết càng tăng.
Cá nuôi của bà con chết hàng loạt vì nước mặn
Cá nuôi của bà con chết hàng loạt vì nước mặn 
Tại Bến Tre, độ mặn 9 – 10%o xâm thực vào ao, mương vườn đã làm cho nhiều loài cá da trơn chết. Cá tra nuôi trong ao có trọng lượng khoảng 7 kg/con, cá tai tượng 5 kg/con và các loại cá có vẩy nước ngọt cũng bị chết do nước mặn.

Ở Trà Vinh, cá lóc nuôi trong ao ở khu vực huyện Trà Cú cũng bị ảnh hưởng mặn làm cá bị ghẻ toàn thân và tỷ lệ chết ngày càng tăng.

Khốn khó kép của người nuôi cá bè ngoài việc mặn uy hiếp thì kêu bán cá chạy mặn không có lái mua

Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cũng cho biết, tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng trực tiếp của tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng và sâu nên hiện người nuôi thả cầm chừng để thăm dò, chờ nước ngọt về.

Hiện người dân chủ yếu thả nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến.

Còn tại các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung người nuôi tập trung chăm sóc diện tích đang có tôm nuôi năm 2015 chuyển qua chờ thu hoạch và tiến hành cải tạo ao hồ, kênh mương, vệ sinh môi trường vùng nuôi chờ nước ngọt để tiến hành vụ sản xuất mới.

Hiện nay, giá tôm đang tăng so với các tháng trước, cụ thể, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg có giá từ 95.000-115.000 đồng/kg, tôm sú cỡ 30 con/kg có giá từ 240.000-28.000 đồng/kg.

Ngành nuôi cá tra cũng đang chịu nhiều tác động ảnh hưởng do tác động của xâm nhập mặn. Tại Bến Tre, xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích cá tra có dấu hiệu cá bỏ ăn, xuất huyết, phù đầu. Giá thu mua cá tra trung bình khoảng 19.528 đồng/kg, thấp hơn giá cùng kỳ khoảng 4.300 đồng/kg.

Giá thực phẩm tại TP HCM tăng dần

Thời gian gần đây, các nhóm hàng thực phẩm nhập từ miền Tây về TP HCM cũng bắt đầu nhích giá. Như các loại cá đồng như cá lóc, trê, rô, hú... tăng 5.000-15.000 đồng/kg. Rau, củ dù giá tăng thấp hơn nhưng theo các tiểu thương, mẫu mã không được đẹp, bị vàng lá nên khó bán.

Các đầu mối kinh doanh thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền cho hay, lượng tôm cá nước ngọt đánh bắt tự nhiên khan hiếm khiến giá bán có loại tăng tới 20.000 đồng/kg, kéo theo cá nuôi cũng tăng giá theo. Như cá tra, loại ít biến động nhất cũng từ 32.000 đồng/kg lên 38.000-40.000 đồng/kg.

Giá tăng lên là vậy, nhưng các tiểu thương bán thủy sản cũng khó mua được các loại tôm sông, cá đồng tự nhiên., thậm chí còn không có hàng để bán.

Ngay cả trứng gia cầm cũng "đe dọa" chuẩn bị tăng giá. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, giá trứng mua từ nông dân đã bắt đầu tăng, nên trong một tháng nữa, nếu thời tiết vẫn khắc nghiệt thì chắc chắn mặt hàng này cũng phải điều chỉnh giá.

"50% trứng vịt trên thị trường được người dân đồng bằng sông Cửu Long nuôi theo hình thức chạy đồng. Nước nhiễm mặn, nguồn thức ăn cho vịt không đảm bảo buộc người nuôi phải nuôi nhốt, giá thành đội lên nên giá trứng phải tăng theo", ông Thiện cho hay.

Thống kê của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP HCM, lượng rau củ quả về các chợ đầu mối tại TP HCM vẫn ổn định, song một số mặt hàng có sự biến động giá. Cụ thể, một số loại rau, củ quả tăng giá, như khoai tây, dưa leo, khổ qua, hành trắng, dưa hấu, mảng cầu… với mức tăng 500-6.000 đồng/kg. Nhóm hàng rau an toàn cũng tăng thêm 1.000-4.000 đồng/kg tùy loại.

Thủy hải sản cũng có một số loại tăng như tôm sú, tôm thẻ tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Giá thịt heo cũng nhích thêm 2.000-3.000 đồng/kg.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, giá mặt hàng lương thực thực phẩm tại TP HCM tăng do thay đổi cơ cấu nguồn cung từ các tỉnh đồng bằng song Cửu Long là tất yếu, vì có hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm từ các tỉnh này cung ứng cho thành phố mỗi ngày.

Giá thực phẩm ở Hà Nội cũng nhúc nhích tăng

Khoảng 2 tuần nay, giá tất cả các mặt hàng tôm tại các chợ ở Hà Nội đều tăng đồng loạt thêm 50.000-80.000 đồng/kg vì tôm hiếm đến mức không có để mà bán.

Trong khi đó, giá tôm sú cũng tăng thêm 70.000 đồng/kg lên 450.000 đồng/kg. Tôm rảo loại nhỏ giờ tăng lên mức 180.000 đồng/kg, tôm rảo loại to tăng lên mức 250.000 đồng/kg, thậm chí vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật tuần vừa rồi, giá tôm còn tăng lên 270.000 đồng/kg.

Lý giải tình trạng "sốt" tôm này, một tiểu thương ở chợ Đại Từ, Hà Nội lý giải: "Vùng tôm ở miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa, vụ cũ thì thu hoạch gần hết, vụ mới thì chưa xuống con giống nên hàng cực kỳ khan hiếm".

Tiểu thương này cho biết thêm, thời gian trước nếu nhập được tôm sẽ bán hết sáng đến chiều, nhưng mấy ngày nay số lượng tôm nhập về chỉ đủ bán buổi sáng, thậm chí có hôm chưa đến giờ tan chợ buổi sáng mà tôm đã cháy hàng.

Kể cả với những loại tôm yếu, tôm đã chết được ướp đá, trước phải bán giá rẻ bằng một nửa tôm sống thì nay khách cũng phải mua hết với giá gần ngang bằng giá tôm sống.

Một nguyên nhân lớn hơn dẫn tới tình trạng này là năm nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang gặp hạn mặn, dân không xuống giống tôm để nuôi thả nuôi nên nguồn cung tôm thương phẩm ra thị trường trong đó cũng khan hiếm, kéo theo giá tôm tại các chợ ở Hà Nội tăng kỷ lục như vậy.

Giám đốc Sở NN-PTNT một số tỉnh ở ĐBSCL thừa nhận, giá tôm nguyên liệu đang tăng mạnh với lý do chính là do khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng khiến người nuôi e ngại không dám xuống giống vì ở độ mặn cao tôm không thể lớn được. Vì thế, sản lượng tôm nguyên liệu cũng giảm tương ứng với diện tích nuôi thả.

Đây mới chỉ là những tác động đầu tiên chúng ta thấy được từ hệ quả của biến đổi khí hậu. Hiện tại các ngành hàng chưa thể đưa ra một sự khẳng định chắc chắn về những thiệt hại, nhưng bấy nhiêu tác động trên cũng giúp chúng ta nhìn thấy ngay được những thách thức mới có thể xảy ra trong một tương lai đã không còn quá xa.

Tiệp Tiệp (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn