Ngày 12/12/2018, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 được khai mạc. Phạm Công Danh đã tham gia quá nhiều phiên tòa, lĩnh quá nhiều hình phạt nên dư luận khó phân biệt được các vụ án, các hành vi phạm tội cụ thể của Phạm Công Danh.
Vậy cần có cái nhìn toàn diện và đúng bản chất về phù thủy ngân hàng này.
Vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 và giai đoạn 2 xét xử về các hành vi của Phạm Công Danh rút tổng số hơn 20.000 tỷ đồng của các ngân hàng chi tiêu cá nhân như trả nợ cũ, mua cổ phần, mua bất động sản…
Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh
Phạm Công Danh sinh năm 1965, tại Quảng Ngãi. Năm 1992, Phạm Công Danh đã bị xử phạt 6 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ra tù, Phạm Công Danh làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Thiên Thanh được Phạm Công Danh khai là 1.000 tỷ đồng. Tòa đã làm rõ và kết luận không có cơ sở xác định Phạm Công Danh đã góp đủ vốn, việc góp vốn của Phạm Công Danh chỉ là hình thức nhằm hợp thức hóa việc tăng vốn điều lệ.
Hết năm 2011, Tập đoàn Thiên Thanh vẫn thua lỗ 1,3 tỷ đồng. Hết năm 2013, Tập đoàn Thiên Thanh vẫn lỗ hơn 1,1 tỷ đồng. Năm 2014 thì Phạm Công Danh bị bắt.
Thông qua nhiều giao dịch, qua nhiều doanh nghiệp, Phạm Công Danh đã mắc nợ hơn 4.500 tỷ đồng không có khả năng trả nợ. Cùng đường, Phạm Công Danh dùng Tập đoàn Thiên Thanh mua Ngân hàng Đại Tín của Hứa Thị Phấn, một ngân hàng đang thua lỗ.
Như vậy, Tập đoàn Thiên Thanh đang khó khăn và cần được tái cơ cấu thì lại đi tái cơ cấu một Ngân hàng có tổng tài sản lớn gấp gần 20 lần (?). Một doanh nghiệp đang thua lỗ lại đi tái cơ cấu một ngân hàng cũng đang thua lỗ với quy mô lớn hơn nhiều lần (?).
Đến nay, điều vô lý này đã được giải đáp, Phạm Công Danh mua Ngân hàng Đại Tín là thủ đoạn ‘lưu manh chuyên nghiệp’ để rút tiền trả nợ cũ và tiếp tục chi tiêu. Ngân hàng Đại Tín đang là ‘con bệnh’ có thể chữa được thì gặp Phạm Công Danh đã chuyển sang ‘ung thư giai đoạn cuối’.
Theo quy định, Chủ tịch HĐQT của tổ chức tín dụng phải có bằng đại học kinh tế hoặc luật, chưa từng bị kết án về các tội xâm phạm sở hữu. Phạm Công Danh tự cho rằng mình và các cộng sự có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để quản trị, điều hành ngân hàng. Phạm Công Danh không học đại học, đã dùng bằng đại học giả. Tiền án một lần đi tù của Phạm Công Danh cũng bị bỏ qua.
Phan Thành Mai cũng không đủ điều kiện để làm Tổng Giám đốc theo quy định. Đáng ngạc nhiên, Phạm Công Danh vẫn được chấp thuận làm Chủ tịch ngân hàng, Phan Thành Mai vẫn được chấp thuận làm Tổng Giám đốc ngân hàng.
Quan hệ Phạm Công Danh và Trần Bắc Hà
Trước khi mua Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh vay hàng ngàn tỷ tại BIDV do Trần Bắc Hà làm Chủ tịch. Sau khi làm Chủ tịch Ngân hàng, Phạm Công Danh lại tiếp tục vay tiền từ BIDV hàng ngàn tỷ khác để tăng vốn và trả nợ.
Thậm chí, Ngân hàng Đại Tín, Tập đoàn Thiên Thanh cùng của Phạm Công Danh ‘sáng tác’ ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho lĩnh vực xây dựng - bất động sản, có sự tham gia của BIDV. Thông qua nhiều doanh nghiệp, Phạm Công Danh vay BIDV hàng ngàn tỷ do lợi dụng gói tín dụng này. Thực tế gói tín dụng này nhằm phục vụ mục đích rút tiền của Phạm Công Danh, không phục vụ cho các khách hàng bên ngoài.
Các hồ sơ vay của Phạm Công Danh đều là hồ sơ khống, các doanh nghiệp vay không hoạt động, nhiều giám đốc là lái xe, bảo vệ, tạp vụ… Trần Bắc Hà luôn là người tham gia phê duyệt chủ trương các hồ sơ này. Không chỉ là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trần Bắc Hà còn là Trưởng Phân Ban Rủi Ro của BIDV.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Trần Bắc Hà đã vắng mặt, hiện Trần Bắc Hà bị bắt tạm giam và khởi tố vì một hành vi cho vay nuôi bò tại Hà Tĩnh. Trong vụ án Phạm Công Danh, vai trò và trách nhiệm của Trần Bắc Hà chưa được làm rõ.
Có hàng ngàn tỷ của Phạm Công Danh không biết chi tiêu đi đâu?
Hàng ngàn tỷ khác được Phạm Công Danh trả nợ cũ trước đó, nhưng khoản nợ cũ trước đó dùng mua tài sản nào, tiền vay trước đó đang ở đâu thì không được làm rõ.
Có sự liên quan nào giữa những số tiền này với vai trò của các cá nhân như Trần Bắc Hà?
Bình luận