• Zalo

Những sự cố hàng không Việt khiến hành khách thót tim

Kinh tếThứ Tư, 22/03/2017 15:47:00 +07:00Google News

Hành khách nhiều lần thót tim với những sự cố hàng không Việt, gần đây nhất là sự cố kiểm soát viên không lưu ngủ quên trong giờ làm việc.

Hàng không là ngành mà an toàn được đặt lên hàng đầu vì mỗi khi xảy ra tai nạn, hậu quả rất thảm khốc. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, hành khách nhiều lần thót tim với những sự cố hàng không Việt. Gần đây nhất là sự cố kiểm soát viên không lưu ngủ quên trong giờ làm việc.

Ngủ quên

Tổng công ty quản lý bay Việt Nam cho biết trong ngày 9/3, 2 chuyến bay của Vietjet Air bị ảnh hưởng lịch trình khi không liên lạc được với đài kiểm soát không lưu. Vì vậy, tổ lái phải cho máy bay bay vòng gần 30 phút trên trời.

Nguyên nhân của việc này được xác định là do lỗi chủ quan của tổ kiểm soát không lưu. Nữ kiểm soát viên không lưu trực chính ngủ quên trong khoảng thời gian từ 21h40 đến 23h15 ngày 9/3.

su-co-hang-khong

Kiểm soát viên không lưu ngủ quên là một trong những sự cố hàng không Việt đáng báo động. (Ảnh minh họa) 

Rất may không có hậu quả nào xảy ra nhưng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá việc nhân viên không lưu không trả lời liên lạc của tổ bay là một sự cố an toàn nghiêm trọng.

Kiểm soát viên Lương Thị Minh Thư và kiểm soát viên trực hiệp đồng Nguyễn Văn Chanh bị phạt 7,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép kiểm soát viên không lưu trong 2 tháng.

Đây không phải lần đầu tiên “ngủ quên” lọt vào danh sách các sự cố hàng không đáng muối mặt. Năm 2006, dư luận xôn xao với thông tin phi công Vietnam Airlines ngủ quên khi điều khiển chuyến bay tới Czech.

Vụ việc xảy ra ngày 17/4/2006, chiếc máy bay chở hơn 200 hành khách bắt đầu bị mất liên lạc từ không phận Ukraine nhưng vẫn tiếp tục bay sang Ba Lan và Cộng hòa Czech. Đài kiểm soát không lưu của Cộng hòa Czech tại Thủ đô Prague đã đánh tín hiệu hỏi suốt 25 phút nhưng không nhận được tín hiệu trả lời.

Ngay sau đó, không quân Czech đã báo động, cho 2 chiến đấu cơ cất cánh áp giải chiếc Boeing 777 và ra tín hiệu yêu cầu hạ cánh khẩn cấp. Tới thời điểm này, hai phi công trên chuyến bay mới “thức giấc” và mở hệ thống thông tin liên lạc.

Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Lương Thế Phúc phủ nhận thông tin phi công ngủ quên. Ông Phúc giải thích: "Không thể có chuyện tổ bay ngủ quên được. Các đường bay dài từ Việt Nam đi Đức, Việt Nam đi Pháp, chúng tôi đều bố trí mỗi chuyến hai tổ bay để thay nhau. Theo quy định trên các đường bay dài, cứ 15 phút tổ tiếp viên phải vào để phục vụ tổ lái. Vì thế nói phi công ngủ quên là không thể có".

Ông Phúc cho biết nguyên nhân sự cố hàng không này là do khi đến không phận của châu Âu, phi công đã đặt sai tần số nên dưới mặt đất không liên lạc được.

Hacker tấn công

Không chỉ tấn công vào các tổ chức tài chính, gần đây, hacker đang nhắm tới hàng không.

Chiều 29/7/2016, một số khu vực quầy làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất và CHKQT Nội Bài bị tin tặc tấn công. Sự cố khiến hành khách phải làm thủ tục check-in thủ công thay cho hệ thống điện tử. 

Liên quan vấn đề này, Vietnam Airlines cho biết khoảng 16h ngày 29/7, trang mạng chính thức của Vietnam Airlines bị chiếm quyền kiểm soát và chuyển sang trang mạng xấu của nước ngoài.

Theo thông báo này, dữ liệu về 400 khách hàng thường xuyên của Vietnam Airlines đã bị công bố

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav, việc website bị tấn công vào hệ thống âm thanh, màn hình thông báo tại nhà ga bị chiếm quyền cho thấy hacker đã xâm nhập được sâu vào hệ thống. Khả năng lớn là máy quản trị viên đã bị kiểm soát, theo dõi bởi phần mềm gián điệp (spyware).

Tới năm 2017, hacker lại đe dọa ngành hàng không. Từ tối qua 9/3/2017 đến sáng 10/3/2017, hacker đã tấn công trang web của nhiều cảng hàng không địa phương, thêm vào đó, một số cảng hàng không tự ngắt hoạt động của website để đảm bảo an toàn thông tin.

Video: Cân hành khách béo để xếp chỗ, hãng hàng không bị kiện

Do đó, nhiều website của các Cảng Hàng không Vinh, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Thọ Xuân, Tuy Hòa, Rạch Giá đã không truy cập được. Trên màn hình các trang web này đều hiển thị thông báo không thể truy cập được, không tìm thấy địa chỉ DNS của máy chủ của website.

Ấn nhầm code khủng bố

Ngoài ra, hàng không Việt Nam còn rơi vào nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Vào lúc 19h15 tối 16/12/2014, một chiếc máy bay của Vietnam Airlines đã hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Nội Bài trong tình trạng báo động khẩn nguy.

Thông tin ban đầu cho hay máy bay đã bị khủng bố. Tuy nhiên, ông Lê Trường Giang người phát ngôn Vietnam Airlines đã bác bỏ thông tin này. 

Theo ông Giang, cơ trưởng người Séc đã thao tác nhấn sai mã (code) thông báo tình trạng máy bay với mặt đất. Cụ thể thay vì phải nhấn code khẩn nguy (7700) thì cơ trưởng đã ấn nhầm code khủng bố (7500) nên chuyến bay đã chuyển thông tin bị đặt vào tình trạng khủng bố xuống mặt đất làm các bộ phận liên quan ở sân bay quốc tế Nội Bài phải triển khai theo tình huống này.

Vẫn nguồn tin này sau đó vài phút cơ phó đã phát hiện ra lỗi này và sửa lại tuy nhiên các tình huống triển khai ở mặt đất vẫn như kế hoạch nhận ban đầu. 

Ngoài ra, Vietnam Airlines đã phải muối mặt với sự cố phi công chửi thề. Một hành khách trên chuyến bay VN 1565 từ Hà Nội đi Đà Lạt ngày 25/9/2015 cho hay, sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Liên Khương (Đà Lạt) thì hành khách sững người lại khi nghe thấy một câu chửi thề khá tục vang lên trên loa trong khoang hành khách.

Giọng chửi thề đó phát ra từ chính buồng lái của phi công và ngay lập tức, tiếp viên trưởng của chuyến bay đã phải tiến đến rất nhanh gõ cửa buồng lái, nhắc nhở phi công về sự việc vừa xảy ra. Sau đó, micro và loa mới được tắt.

Đại diện Vietnam Airlines đã xác nhận thông tin phản ánh của hành khách và cho rằng, đây là một sự việc hy hữu, đáng tiếc và xin lỗi hành khách.

Thanh Hà (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn