• Zalo

Những sinh viên ăn Tết xa nhà

Tổng hợpThứ Bảy, 15/01/2011 08:09:00 +07:00Google News

Đối với những sinh viên nghèo, các em phải ngậm ngùi đón Tết xa nhà để kiếm tiền lo cho việc học của mình trong năm mới.

Tết đến, xuân về, ai cũng muốn về với gia đình. Song, đối với những sinh viên nghèo, các em phải ngậm ngùi đón Tết xa nhà để kiếm tiền lo cho việc học của mình trong năm mới.

Vừa học ôn, vừa thi, vừa kiếm tiến

Cuối năm, hầu như công ty nào cũng tuyển thêm lao động để phục vụ việc bán hàng tết. Không cần chạy đôn chạy đáo để kiếm việc làm như những ngày bình thường, các sinh viên chỉ cần đảo một vòng tại các chợ, siêu thị là các em có khối người thuê. Nguyễn Sinh Huy (quê tỉnh Nghệ An, sinh viên Đại học Sư phạm) cuối tháng 12 đã tranh thủ kiếm cho mình một công việc bán hàng thêm vào buổi chiều ở một cửa hàng tại BigC. Huy tâm sự: “Trong năm em đi dạy kèm để kiếm tiền. Tết đến, học sinh muốn nghỉ giải lao nên em phải kiếm việc khác để làm thêm. Dù đang trong thời kỳ thi cử nhưng tết là mùa kiếm tiền nên phải tranh thủ. Nhà nghèo mà anh!”.

Cùng cảnh với Huy, Nguyễn Thị Hạnh (quê tỉnh Thái Bình, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cũng chọn cho mình một công việc tại hội chợ. Hạnh cho biết: Gia đình khó khăn nên em phải bươn chải để học tập. Bán hàng trong dịp tết rất mệt vì khách đông. Đây cũng là khoảng thời gian đang thi nên người em như căng ra. Thi vào buổi sáng nên em dành buổi chiều đi làm. Tối học bài. Có nhiều bữa khách đông, chủ hàng yêu cầu làm đến 8h tối. Coi như tối đó em thức trắng đêm để ôn bài. Qua mùa tết chắc em phải sụt đến mấy kilô. Biết là ảnh hưởng đến việc học và sức khỏe nhưng 1 tháng làm này có thể trang trải một phần nào đó tiền học phí nên em phải cố.

Tết là thời điểm mà ai cũng muốn đoàn tụ với gia đình, song vẫn còn nhiều em sinh viên nghèo nhọc nhằn lo kiếm tiền trong tết để phục vụ việc học.

Sinh viên là những thanh niên trẻ, khỏe, chịu khó, đó là lý do mà các công ty, cửa hàng "chuộng" thuê sinh viên làm thêm. Anh Nguyễn Văn Mỹ, chủ một vựa hoa ở phường Hòa Cường Bắc cho biết: “Hầu như năm nào tôi cũng ươm 2 ngàn đến 3 ngàn chậu hoa nên làm không xuể, phải kêu sinh viên đến giúp mình. Các em làm công việc tưới nước, lặt nụ, lá theo chỉ dẫn của tôi. Công việc dù nhẹ nhàng nhưng cần tỉ mỉ. Những năm gần đây, tôi đều thuê sinh viên đến làm vì tôi rất hài lòng khi các em làm được việc, lại chịu khó, thật thà. Những nhà trồng hoa ở phường này nếu thiếu người đều gọi sinh viên đến làm giúp”…

Những sinh viên không biết Tết

3 năm học đại học là 3 năm Lê Thị Huệ (sinh viên Trường Đại học Sư phạm) đón tết xa nhà. Quê Huệ tận Thanh Hóa, nhà làm nông nên cuộc sống cũng khá vất vả. Để trang trải cho việc học tập, năm nào Huệ cũng phải đi dạy thêm. Tết đến lại đi tìm việc làm thêm như bán hàng, cà phê...

Khi nhu cầu cuộc sống tăng cao, người dân tìm đến quán cà phê để trò chuyện nhiều hơn là ngồi nhà cắn hạt dưa, quán cà phê ăn nên làm ra. Tuy nhiên, tìm người phục vụ vào ba ngày tết là điều không dễ. Huệ là một trong số ít sinh viên chấp nhận kiếm tiền vào ba ngày tết. Huệ cho biết: Ba ngày tết, số người đến quán cà phê rất đông, nhất là lớp trẻ. Sáng sớm đến tối mịt, hầu như quán không vắng khách bao giờ nên việc phục vụ khá vất vả. Đổi lại, mình được trả công cao. Để phục vụ khách tốt, theo Huệ, mình cần nhanh nhẹn, luôn tươi cười. Trong lòng rất buồn vì nhớ nhà, nhớ gia đình, thậm chí, nhiều lúc Huệ gặp người quen, họ cứ nhìn Huệ bằng ánh mắt ái ngại khiến em rất buồn. Tuy vậy, Huệ chấp nhận hy sinh để có thu nhập cao, lo cho việc học của mình và các em.

Không chỉ quán cà phê, các quán bar cũng hút một lượng không nhỏ sinh viên làm 3 ngày tết. Nguyễn Văn Nguyên (sinh viên một trường cao đẳng) có sức khỏe, to cao nên đã xin vào quán bar phục vụ 3 ngày tết. Vì quê ở Quảng Nam nên ban đêm làm thêm, bàn ngày tranh thủ về nhà thăm gia đình. Dù ít nhiều em cũng được ăn tết, chứ nhiều bạn làm cùng em, quê xa nên ban ngày chỉ ngủ vùi. Đối với các bạn ấy, tết trở nên xa lắc lơ!”

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn