Xử lý các trạm BOT đặt nhầm chỗ, các tồn tại của những dự án BOT giao thông đã được báo chí, người dân và chuyên gia chỉ ra khá đầy đủ như vấn đề không minh bạch ngay từ chiến lược, quy hoạch, danh mục kêu gọi đầu tư, các nội dung nghiên cứu khả thi hay tình trạng “hở sườn” trong khung kỹ thuật và xác định tổng mức đầu tư khi dựa vào hệ thống định mức đơn giá bao cấp lỗi thời và thường xuyên nêu lý do “đặc thù” để chỉ định thầu.
Đã vậy, cơ quan nhà nước thẩm quyền như Tổng cục Đường bộ VN, lại sơ hở tiếp trong ký kết giám sát và quản lý hợp đồng, thả lỏng quản lý khối lượng chất lượng giá trị thực tế của công trình, thậm chí chưa quyết toán đã cho nhà đầu tư thu phí theo phương án tài chính ban đầu rồi chờ cho Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước phát hiện “ăn gian” chỗ nào thì trả lại phần đó.
Do đó, để lấy lại niềm tin của người dân vào chủ trương đúng đắn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ phải tập trung xử lý đến nơi đến chốn vấn đề này, trong đó việc cần làm ngay là di dời các trạm BOT đặt sai vị trí như Cai Lậy, Biên Hòa..., quyết toán nghiêm túc các dự án BOT và giảm thời gian cũng như mức phí theo kết luận của KTNN.
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM là một trong những dự án chiến lược của Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển ĐSVN đến năm 2020 và cho phép chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn, Đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải - TRICC lập báo cáo đầu tư và lựa chọn tư vấn.
Hiện cả phía Nhật Bản và Hàn Quốc đều tham gia khảo sát, nghiên cứu lập báo cáo đầu tư. Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 1.570 km, ngắn hơn đường sắt Bắc Nam (1729 km) là 159 km. Toàn tuyến có 27 ga. Khởi điểm từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Hòa Hưng (TP.HCM), nguồn vốn đầu tư cho dự án này lên tới 55,85 tỷ USD.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 19/6/2010, Quốc hội khóa XII đã bỏ phiếu bác bỏ dự án đường sắt cao tốc. Tuy nhiên đến năm 2015, Bộ trưởng GTVT khi đó tiếp tục chỉ đạo lập đề án đường sắt cao tốc Bắc-Nam để trình Quốc hội trước năm 2020. Vấn đề này sẽ là một trong những bài toán hóc búa nhất với tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong nhiệm kỳ tới khi ngồi vào ghế Bộ trưởng.
Xử lý tồn tại đường sắt đô thị, trong thời gian qua các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM được kỳ vọng là cứu cánh để giải quyết tình trạng tắc đường ngày càng khủng khiếp. Tuy nhiên, khi Hà Nội đang triển khai xây dựng tuyến Cát Linh - Hà Đông, với vốn vay từ Trung Quốc, dự án đã và đang trượt giá, trễ tiến độ nhiều lần để rồi hiện vẫn mắc kẹt vì thiếu vốn. Còn ở TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên với vốn vay từ Nhật Bản cũng đội giá khủng từ 17.000 tỉ lên 47.000 tỉ đồng và đang bế tắc vì thủ tục trình duyệt và giải ngân.
Vấn đề này cần “mạnh tay” xử lý vì chỉ mới 2 tuyến metro đã “vỡ trận” thì hàng chục tuyến nữa để hoàn chỉnh mạng lưới (chưa nói đến nối kết hệ thống giao thông công cộng) sẽ thế nào? Bài toán kẹt xe tại các thành phố lớn sẽ đặt lên vai Bộ trưởng mới trước sự lựa chọn tiếp tục đổ tiền xây mạng lưới đường sắt đô thị hay quy hoạch lại hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Phương tiện giao thông cá nhân trong đô thị dù là hai bánh hay bốn bánh, không phải là tội đồ gây tắc đường mà thủ phạm chính là con người, là năng lực trách nhiệm của những người quản lý có quyền quyết định. Do đó, Bộ trưởng mới thấu hiểu, phối hợp với Bộ Xây dựng giải quyết từng bước nạn kẹt xe một cách khoa học, chuyên nghiệp và thực tế là vô cùng quan trọng.
Nguồn vốn Cao tốc Bắc - Nam, mới đây, Bộ Tài chính cho rằng, phương án huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Bộ GTVT là “không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai”.
Theo Dự kiến, “siêu dự án” đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước 654km với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng và khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Theo tính toán, nếu không đầu tư đường bộ cao tốc thì đến khoảng năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa vượt quá năng lực của tuyến Quốc lộ 1; đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa vượt quá năng lực của tuyến Quốc lộ 1.
Trong Tờ chính, Chính phủ cũng đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 654km (bổ sung thêm dự án cầu Mỹ Thuận 2 và chưa tiến hành mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe đối với đoạn La Sơn - Túy Loan), giảm 59km so với phương án cũ (713km).
Chiều 12/6, Quốc hội biểu quyết điều chỉnh nội dung chương trình làm việc của kỳ họp thứ ba. Theo đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam không có trong chương trình điều chỉnh, nghĩa là chưa được Quốc hội xem xét ở kỳ họp này. Đây cũng là vấn đề lớn nhất hiện nay đang chờ Bộ trưởng mới vào cuộc.
Giải quyết vướng mặc các dự án sân bay, trong báo cáo gửi QH về việc thực hiện dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết tiến độ dự án hơn 16 tỉ USD này hiện đã chậm tiến độ 8 tháng.
Vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sân Nhất, Bộ GTVT đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Phương án hồi tháng 5 vừa qua).
Trong phương án mới nhất, tổng diện tích Sân bay Tân Sơn Nhất trong quy hoạch điều chỉnh sẽ được mở rộng từ 574,4 ha hiện hữu lên 617,05 ha, trong đó, quy hoạch các công trình dân dụng quản lý, đất dùng chung dân dụng - quốc phòng do hàng không dân dụng quản lý là 566,66 ha; quy hoạch các công trình liên quan đến hàng không dân dụng trên phần đất quốc phòng là 50,39 ha,
Video: Dự án BOT đã điều chỉnh thầu, Bộ trưởng GTVT né trả lời
Ngoài việc có thêm một số các công trình thuộc khu bay, thoát nước, điểm nhấn quan trọng nhất trên phần diện tích do hàng không dân dụng quản lý là việc Bộ GTVT đề xuất bổ sung vào quy hoạch Nhà ga hành khách phục vụ hàng không dân dụng (Nhà ga hành khách T4) với công suất thiết kế khoảng 15 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất lên 43 - 45 triệu hành khách/năm.
Để đảm bảo hoạt động khai thác, trên phần đất do dân dụng quản lý, Bộ GTVT quy hoạch 80 - 85 vị trí đậu khai thác phục vụ hành khách. Đây cũng là vấn đề nóng được bàn thảo nhiều nhất hiện nay của ngành Giao thông Vận tải.
Bình luận