• Zalo

Những sản phẩm tự chế độc của 'hai Lúa' Việt

Kinh tếThứ Sáu, 07/08/2015 11:29:00 +07:00Google News

Những sáng chế của nông dân Việt Nam khiến nhà khoa học cũng phải nể

Với sự đam mê, kiên trì và chịu khó tìm tòi học hỏi, những người nông dân Việt Nam tự hào đã có thể tự chế ra những sản phẩm mà cả những nhà sáng chế khoa học cũng phải nghiêng mình nể phục.

Ham sáng chế, xém bị vợ đuổi ra khỏi nhà

Chuyện bốn ông nông dân ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cùng chế tạo thành công xuồng chạy năng lượng mặt trời, được du lịch địa phương đặt hàng để đưa vào khai thác những tưởng là chuyện đồn đại nhưng lại là  chuyện hoàn toàn có thật.

Người “đẻ” ra ý tưởng chế tạo này đầu tiên là ông Tư Liêm (Huỳnh Thiện Liêm), bắt nguồn từ khi ông đi du lịch ở rừng Tràm Chim, tiếng máy xuồng chạy ầm ầm, chim cò bay xao xác, ngồi nói chuyện phải hét thật to nên ông muốn làm một cái xuồng chạy bằng năng lượng mặt trời cho nó đỡ... ồn.

Mất hàng tháng trời mang ý tưởng đi nói với người này người kia để rủ cùng tham gia. Bị từ chối đã đành, ông còn bị người ta bảo là "khùng". May sao ông Tư Liêm lại gặp được ông Hai Kỹ (Nguyễn Văn Dũng) cũng là thợ cơ khí, có tiếng tăm trong vùng, hai người "tâm đầu ý hợp" nên hôm sau bắt tay vào làm ngay.

Được vài hôm, hai ông thấy cần thêm một ông rành về máy móc, thiết bị chạy trên sông, một ông rành về chân vịt nên rủ thêm ông Trăng "đầu cá" (Huỳnh Văn Trăng) và ông Hoàng "lác" (Thái Văn Hoàng).

Điện thì ông Tư Liêm lo, thiết kế khung sườn máy móc có ông Hai Kỹ. Ông Hoàng “lác” thiết kế chân vịt. Vận hành chạy ngon lành có ông Trăng “đầu cá”.

Chiếc xuồng chạy bằng pin mặt trời của 4 ông đã đi vào ứng dụng thực tế
Chiếc xuồng chạy bằng pin mặt trời của 4 ông đã đi vào khai thác trong khu du lịch
“Sai thì làm lại, làm đến khi nào ngon thì thôi. Nhưng thực tình, khi thấy tụi tui hì hục làm hàng tháng trời, lúc trên bờ, lúc ở dưới sông, bà con qua lại trong xóm ai cũng bảo là khùng”, ông Tư Liêm nhớ lại. Theo làm với nhóm, ông Trăng bỏ luôn việc cắt đầu cá thuê bên chợ, xém chút nữa còn bị vợ đuổi ra khỏi nhà vì không có tiền nuôi con, toàn đi lo chuyện thiên hạ.

Thế rồi sau bao lần loay hoay chỉnh sửa, lắp ráp, nâng cấp rồi đem ra thử nghiệm, cuối cùng thì 4 ông cũng cho ra đời thành công chiếc xuồng để phục vụ bà con trong xóm. “Thuyền mới có thể chở được 9 người tính cả người lái, tốc độ tối đa có thể 25-30km/h, khi không có ánh nắng mặt trời có thể chạy được 8 giờ”, ông Dũng nói.

Thành công bước đầu của nhóm đã tạo tiếng vang, được chính quyền địa phương quan tâm, nhận được một số đơn đặt hàng. Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường (Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết, khu du lịch sẽ đặt hàng 6 chiếc để đưa vào khai thác vì phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, nhất là nơi có nhiều chim cò sinh sống.

"Nhà sáng chế hai lúa" của huyện Tam Nông

Mỗi lần vào vụ làm lúa là người nông dân cũng phải vét mương tạo rãnh cho ruộng, mà đất bé tốn ít nhất cũng vài ngày, ruộng lớn thì phải mất cả tuần. Nghĩ thế, anh Võ Văn Phước, ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông đã nảy ra ngay ý tưởng chế tạo một chiếc máy vét mương không người lái.

Để thực hiện ý tưởng, anh Phước tìm đến các cơ sở thu mua ve chai để tìm phế liệu cũ nát làm phụ kiện cho máy vét. Để sản phẩm chào đời, anh Phước phải miệt mài hàn, tiện từng chi tiết nhỏ nhất suốt một tuần tại xưởng cơ khí của một người bạn.
Máy vét mương không người lái của anh Phước
Máy vét mương không người lái của anh Phước 
Tuy nhiên, khi đưa máy xuống ruộng thử nghiệm thì chỉ chạy được 15 mét rồi tắt lịm, gốc rạ bám đầy mũi khoan. Phải trằn trọc suốt mấy đêm liền, anh Phước mới nghĩ ra bộ phận tiếp nước để lấy nước trực tiếp từ ruộng và phun trực tiếp vào mũi khoan, cho đất đá trôi vào mũi khoan sẽ nhuyễn nhừ trôi hết, không còn gây nghẹt.

Để tiết kiệm sức lao động, anh Phước tiếp tục cải thiện thành máy không người lái. Để làm được điều đó anh Phước đã chế ra một bánh xe ở giữa và bộ phận nâng bánh. Lúc vận hành bánh giữa sẽ được đưa vào đường mương đóng vai trò như bộ phận dò đường và định hướng cho máy hoạt động.

Hiện chiếc máy của anh được nhiều nông dân và các HTX xung quanh sử dụng. Ông Mai Tân Tiến, Giám đốc HTX Tân Tiến (Đồng Tháp) cho biết: “Từ lúc sử dụng cái máy vét mương cải tiến của anh Phước thuận tiện đủ đường, chỉ cần vài ngày là mấy trăm công đất đâu vào đấy”.

Hiện trung bình mỗi giờ, máy vét mương của anh Phước có thể đào được hơn 1.000 mét đất, tương đương với 30 đến 40 người lao động đào đất bằng tay. Nhờ những ưu điểm này mà giá thành đào đất cũng chỉ bằng một nửa so với đào bằng thủ công.

Ngoài ra, anh Phước còn mày mò để chế ra xe phun thuốc có năng suất bằng sức lao động của bảy người làm. Ưu điểm của xe là có thể phun thuốc nhanh, thuốc được trộn đều, phun đều lên lúa.
Máy phun thuốc tự chế của anh Phước
Máy phun thuốc tự chế của anh Phước có  năng suất bằng sức lao động của 7 người
Anh Phước nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và là "cha đẻ" của nhiều loại máy nông nghiệp. Thường ngày thấy ảnh hay dành thời gian nghiên cứu mái móc để sáng chế ra những thiết bị nông nghiệp giúp cho bà con nên anh được ưu ái đặt biệt danh là "nhà sáng chế hai lúa”.

Từ trực thăng, máy xay lúa mì đến xe bọc thép

Vào năm 2004, nhà sáng chế nông dân Trần Quốc Hải của xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bắt đầu nổi danh khắp nơi từ trong nước tới ngoài nước nhờ tự chế thành công một chiếc máy bay trực thăng ngay trên chính quê hương mình.

Thời điểm đầu chế tạo, ông Hải mất gần chục năm mới làm xong. Đôi lúc có nhiều người ra vào xưởng tò mò hỏi, thì ông lại nói dối là máy xay bột mì. Khi mọi thứ đâu vào đấy, ông cùng người bạn thân của mình mới chở chiếc máy bay ra cánh đồng trống thuộc xã Suối Ngô, cách nhà 15km để thử. Suốt ba tiếng đồng hồ của một buổi sáng, cuối cùng chiếc máy bay đã cất cánh thành công hơn mong đợi.

Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, bằng những phương pháp thủ công vốn sẵn có mà chế tạo thành công được một chiếc máy bay như vậy quả là chuyện hiếm có tại vùng quê cách đây đã hơn một thập kỷ.

Tuy nhiên chiếc máy bay đầu tiên ấy có lẽ chưa phải là sự thỏa mãn như ý với ông Trần Quốc Hải, vì nó quá nặng (900kg) và tốn kém nhiên liệu. 6 tháng sau, chiếc máy bay trực thăng thứ hai đã được ông chế tạo hoàn chỉnh hơn, chỉ nặng 680kg, động cơ mới có mức tiêu hao nhiên liệu 60 lít/8 giờ, vận tốc đạt 150km/giờ, giá thành lại chỉ bằng một chiếc xe hơi du lịch lắp ráp.
Chiếc máy bay trực thăng tự chế gây tiếng vang của ông Hải
Chiếc máy bay trực thăng tự chế gây tiếng vang từ trong ra ngoài nước của ông Trần Quốc Hải 
Ông Hải đã được nhiều tổ chức khoa học kỹ thuật từ nhiều nơi đến để ghi nhận và một số đơn vị tổ chức còn liên hệ mua chiếc trực thăng của ông để đưa đi triển lãm ở Singapore.

Tuy nhiên những chiếc máy bay của ông vẫn bị "xếp xó" vì cơ quan chức năng không cho phép sử dụng để bảo toàn tính an ninh và an toàn cho ông cũng như những người khác. Về sau một chiếc được bán cho một bảo tàng ở New York nước Mỹ, một chiếc khác thì bán cho Bảo tàng Busan của Hàn Quốc

Số tiền bán máy bay có được, ông Trần Quốc Hải không dùng cho cuộc sống gia đình mà dùng để tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất cơ khí Trần Quốc Hải, coi như phương tiện kiếm sống hàng ngày cho cả gia đình.

Hàng ngày, thấy bà con nông dân vất vả, cực nhọc khi canh tác cây mì, ông Hải nảy ra sáng kiến chế tạo máy trồng mì và máy chăm sóc mì. Sau gần 4 năm nghiên cứu, ông Hải đã chế tạo thành công.

Máy trồng mì rất tiện lợi: Nông dân chỉ cần đưa cả ôm nguyên cây mì, máy tự động chặt thành từng hom nhỏ cỡ gang tay và cắm xuống đồng, mà người nông dân không cần thao tác gì khác ngoài việc cứ lái chiếc xe chạy tới lui khắp cánh đồng… Khoảng 500 chiếc máy trồng mì do ông Hải chế tạo đã được nông dân khắp các vùng miền.

Sự nổi tiếng của máy trồng mì của “hai lúa” Tây Ninh Trần Quốc Hải lan sang cả nước bạn Campuchia. Cách đây khoảng một năm, một đoàn khách Campuchia đã tìm sang đặt mua máy trồng mì. Trong qua trình bán máy, ông Hải và con trai qua Campuchia chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn khách hàng sử dụng máy trồng mì.

Vô tình, ông Hải quen được một số sĩ quan, tướng lĩnh ở Lữ đoàn 70. Một lần, thấy vài chục chiếc xe thiết giáp cũ kỹ, loại BB 60 do Liên Xô sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước, sắp được bán ve chai, ông Hải tỏ ý tiếc rẻ và muốn xin được nâng cấp sửa chữa.
Ông Hải cùng gia đình bên chiếc xe bọc thép
Ông Hải (thứ 2 từ phải sang) cùng gia đình bên chiếc xe bọc thép được nâng cấp thành công
Khi được đồng ý, ông Hải lập tức về nước, mang khoảng 25.000 USD tiền nhà và đưa thợ sang đóng chốt ở sân bay Pochentong, TP Phnompenh, Campuchia để bắt tay vào thực hiện.

Chỉ sau 20 ngày, cha con ông Hải không chỉ sửa lại được mà còn nâng cấp thành công lên thành một chiếc xe thiết giáp có những đặc điểm được tối ưu hơn trước rất nhiều lần. Ông Hải còn nhớ mãi hôm xe chưa sửa xong, nhưng trung tướng Soynarith – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 70 đã háo hức xuống cho xe chạy thử.

Đích thân ông Soynarich lên xe và lái thử, chạy vòng đầu tiên và tiếp đó là 40 vòng (40km) vòng quanh lữ đoàn và kết luận xe đạt chuẩn. Sau đó ông đã được Lữ đoàn giao thêm 10 chiếc xe nữa để sửa chữa và nâng cấp, tất cả đều thành công.

Anh nông dân ngây ngô và niềm đam mê với trực thăng tự chế

Câu chuyện về người nông dân ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu kiên trì nghiên cứu suốt 7 năm trời và góp nhặt để dành được 200 triệu đồng để chế tạo một chiếc máy bay đã làm xôn xao cả huyện khi đó. Nhất là khi anh định cho thử nghiệm chiếc trực thăng của anh ở ngay ngoài ruộng, nhưng đã bị cơ quan chức năng phát hiện kịp và ngăn cản ngay ý định liều lĩnh này.

Đó là anh Lê Văn Danh, ngụ tại ấp 4 xã Suối Ngô với một sản phẩm tự chế nhìn cũng "giông giống" một chiếc máy bay trực thăng mà anh khoe là đã tự mày mò, học lỏm và cho ra đời với niềm tự hào là "chiếc máy bay trực thăng made in Suối Ngô”.

Anh đã sử dụng cốt máy một chiếc xe Zin 130 làm trục quay cho chong chóng máy bay, toàn thân được làm bằng một hỗn hợp kim loại: sắt có, thép có, nhôm có... Nói tóm lại, hình dáng và kết cấu mẫu trông khá giống như một chiếc máy bay trực thăng thật.

Anh nông dân còn giới thiệu: "Tui đã cải tiến máy có công suất tới 300 mã lực, chuẩn bị bay thử đợt này, nếu thành công, sẽ sử dụng nó để rải diêm, phun thuốc trừ sâu cho mấy chục hecta rẫy nhà”.

Chưa hết, anh còn khoe mấy lần trước, chiếc trực thăng này cũng đã “nhấc chân” lên được khoảng 2 - 3 thước. Nhưng khi hỏi về kiến thức “khí động học” hay các thông số kỹ thuật của cái vật kỳ lạ này thì anh... mù tịt.

Người ta phục anh về khoản thông minh, chịu tìm tòi, mày mò một thì phải ngưỡng mộ anh khoản liều lĩnh đến mười.

Khi cán bộ ra ngăn cản cuộc thử nghiệm có hỏi: “Rủi... bay được nó lên cao quá, làm sao xuống, không lẽ chờ cho hết xăng?” thì anh đáp ngay: “Đâu có, tui phải chuẩn bị cột dây hãm cho nó bay cao chừng vài thước thôi - nếu có rớt thì cự ly vài mét chắc... hổng sao, tui tính kỹ lắm chứ!”.

Cho đến khi bị nhắc nhở về tính nguy hiểm của cuộc thử nghiệm, anh Danh chống chế là chỉ thử nghiệm cho nó nhấc lên coi chơi, sau này mới tính xa hơn nữa thông qua “kêu gọi đầu tư”, còn bây giờ... hết tiền rồi (!).

Anh Danh cũng thú nhận: “Hàng xóm có người cười nhạo cho là chơi “ngông”. Quê độ, có lúc phải lánh mặt họ, nhưng niềm “đam mê” cứ đeo đuổi- tốn bi nhiêu cũng quyết tâm làm”. Anh ta còn cho biết, trước đó, anh đã nhiều lần báo cáo với cơ quan Khoa học - Công nghệ tỉnh nhờ hỗ trợ, nhưng bị từ chối. Từ đó, anh quyết tâm “làm cho anh em biết mặt”.

Cuối cùng, vì xét về mặt pháp luật, “máy bay trực thăng” này có lẽ phải được đưa vào diện “quản lý” chung với danh mục: máy bay, xe chiến đấu, điện tử... mà kẻ xấu có thể sử dụng làm phương tiện để hoạt động gây rối... nên tỉnh đội Tây Ninh, Huyện ủy, Huyện đội và Công an huyện Tân Châu đã phải họp khẩn để bàn cách xử lý về trường hợp “độc nhất vô nhị” ở địa phương này.

Huyền Trân(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn