Là một trong những bộ phận quan trọng trên ô tô, phanh giúp người điều khiển kiểm soát tốc độ của xe. Tuy nhiên, nhiều tài xế có những thói quen không tốt khiến bộ phận này nhanh chóng giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ gây tai nạn.
Thường xuyên phanh gấp
Độ ma sát của phanh hoạt động tỷ lệ thuận với vận tốc của phương tiện. Việc liên tục phanh gấp khiến nền nhiệt tăng cao, làm giảm đáng kể tuổi thọ tổng thể của phanh. Hơn nữa, liên tục phanh gấp còn gây ra lực căng quá mức cho hệ thống phanh, dẫn đến má phanh và đĩa phanh nhanh bị mòn hơn.
Liên tục tăng tốc khi tắc đường
Khi di chuyển trên đường đông đúc, tài xế chỉ nên tăng tốc nhẹ thay vì đạp thốc ga rồi phanh đột ngột. Nếu thường xuyên như vậy, phanh có thể bị cháy, hoạt động không còn hiệu quả.
Quên không hạ, hạ phanh tay chưa hết
Thường xuyên quên hoặc hạ chưa hết phanh tay nhưng đã cho xe di chuyển thì guốc phanh, má phanh vẫn còn áp sát tang trống hoặc đĩa phanh. Khi đó, cho xe di chuyển sẽ tạo ra ma sát lớn giữa má phanh và tang trống sinh ra nhiệt lớn làm cho má phanh có nguy cơ bị cháy, các hệ thống cảm biến gắn trên cụm phanh như hệ thống chống bó cứng phanh ABS cũng có thể bị hỏng.
Không những vậy, nhiệt sinh ra lớn có thể làm sôi dầu phanh dẫn đến nguy cơ phanh mất tác dụng. Đây chính là thói quen tàn phá hệ thống phanh nhanh chóng.
Lái xe với tốc độ cao rồi phanh đột ngột
Nhiều tài xế có thói quen chạy với tốc độ cao rồi lại phanh đột ngột khi gặp chướng ngại vật. Việc phanh đột ngột khi xe đang chạy tốc độ cao sẽ làm cho phanh nhanh bị hao mòn. Do đó, khi muốn dừng xe, tài xế nên nới lỏng chân ga giảm tốc độ cho xe tự trôi rồi mới chuyển sang chân phanh.
Rà phanh khi đổ đèo
Khi điều khiển ô tô xuống dốc, nếu liên tục thực hiện thao tác rà phanh sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn, thậm chí có thể gây cháy, cong vênh má phanh. Từ đó dễ dẫn đến nguy cơ mất phanh.
Không kéo phanh tay khi đỗ xe
Đây là thói quen phổ biến của nhiều tài xế. Nhiều tài xế cho rằng chỉ cần về số P khi đỗ xe thì xe sẽ đứng yên. Trên thực tế, việc chuyển về số P xe không thể di chuyển do có hộp số giữ lại.Tuy nhiên, nếu các bác tài đỗ xe tại những nơi có độ dốc lớn, xe đang tải nặng…mà không được gài thắng tay thì xe sẽ bị trôi, số P không còn tác dụng, bánh răng cóc sẽ bị mòn.
Đặt chân trái lên bàn đạp phanh
Một số tài xế thường đặt chân trái lên bàn đạp phanh. Thói quen này có thể dẫn đến tình huống vô tình đạp phanh trong khi đang lái xe bình thường, dẫn đến việc sử dụng phanh không cần thiết.
Chở hàng quá tải trọng của xe
Ô tô thường xuyên phải chở hàng quá tải trọng sẽ khiến hệ thống phanh làm việc nhiều hơn để giảm tốc độ. Do đó, không nên chở hàng quá tải để hệ thống phanh đỡ phải làm việc nhiều.
Không thay dầu phanh định kỳ
Không thay dầu phanh thường xuyên có thể làm hỏng dây phanh. Dầu phanh cũ hút hơi ẩm có thể khiến xi lanh chính, đường phanh và pít-tông bị ăn mòn. Từ đó, hiệu quả của phanh bị giảm, thậm chí mất phanh hoàn toàn.
Bình luận