Khi con cái làm điều gì sai, bố mẹ thường dạy dỗ bằng cách áp dụng các hình phạt, như cấm túc, tịch thu đồ chơi, thậm chí đánh đòn. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Thay vào đó, họ khuyên cha mẹ nên sử dụng các phương thức nuôi dạy con có hiệu quả về lâu dài.
Dưới đây là những lý do bạn không nên trách phạt khi con làm gì sai. Thay vào đó, hãy chỉ cho chúng lỗi sai, đặt ra các quy tắc, dạy chúng cách xin lỗi người khác và chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.
Trách phạt thể hiện bạn đang phản ứng thái quá
Thông thường, khi con cái vô tình hay cố ý làm điều gì khiến bạn không vui, bạn sẽ rất dễ bị kích động rồi trách phạt chúng. Lúc đó, bạn có xu hướng áp dụng các hình phạt lên con cái, khiến chúng phải nhận những cảm xúc tiêu cực giống mình.
Cảm xúc bột phát sẽ ảnh hưởng xấu đến cả bạn và con. Nó sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, bao gồm cả tổn thương về thể chất.
Thể hiện sự lười biếng
Thông thường, cha mẹ hay chọn cách phạt con vì lười biếng, ngại phải bỏ công sức để hướng dẫn hoặc chỉ bảo cho con biết lỗi sai của chúng ở đâu. Đây không phải là cách nuôi dạy con đúng đắn mà cha mẹ nên áp dụng.
Ngăn con cái phát triển tính tự giác
Mục tiêu trong việc nuôi dạy con cái là giúp chúng có khả năng tự đưa ra quyết định. Nhưng nếu bạn chỉ phạt mà không chỉ bảo, chúng sẽ không hiểu đâu là đúng, đâu là sai.
Những đứa trẻ này thường không có khả năng tự nhận thức và thiếu sự đồng cảm bởi không ai dạy chúng những điều này. Chúng chỉ hiểu rằng bố mẹ không thích việc mà chúng đã làm nên mới trách phạt chúng.
Không giúp thay đổi hành vi của đứa trẻ
Trẻ không thể học hỏi trong tâm trạng sợ sệt hoặc không vui, nhất là khi bị phạt. Vậy nên, ngay cả khi bạn lồng ghép sự dạy dỗ trong hình phạt, điều đó cũng vô dụng. Đứa trẻ không thoải mái vì chúng không thể tự tìm ra lỗi sai. Và hành động sai trái ấy sẽ còn tiếp tục lặp lại.
Giảm lòng tự trọng của con cái
Khi bị phạt, hầu hết trẻ em sẽ nghĩ rằng bố mẹ không thương mình. Mặc dù bạn không muốn để con mình nghĩ vậy, nhưng chính hình phạt của bạn sẽ đem cho chúng cảm giác ấy. Sẽ không có gì lạ nếu điều này khiến con bạn chịu tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần trong suốt quãng đời còn lại.
Tăng nỗi sợ hãi
Lần sau, khi có ý định phạt con cái, hãy tự hỏi bản thân: “Mình có muốn con cái sợ mình không?” Câu trả lời của bạn hẳn sẽ là “Không”. Hình phạt chỉ tạo nên một mối quan hệ trên nền tảng của sự sợ hãi. Trẻ em sẽ luôn sợ hãi, không biết bố mẹ sẽ làm gì nếu biết mình sai.
Phá hỏng tình cảm của bố mẹ và con cái
Trách phạt không đồng nghĩa với yêu thương. Ngược lại, nó tạo ra một bức tường vô hình giữa bạn và con cái. Bức tường tiềm ẩn những hiểu lầm và xung đột này sẽ khiến cả hai phía đều không hạnh phúc.
Do vậy, hình phạt làm giảm vai trò của bố mẹ. Khi đứa con già đi, chúng sẽ không tìm đến sự yêu thương, đùm bọc của bố mẹ. Thay vào đó, chúng sẽ tìm tình yêu ở những người khác – những người còn chẳng yêu thương chúng bằng bố mẹ.
Dẫn đến sự tức giận
Bố mẹ phạt vì muốn con cái thay đổi hành vi vào lần sau. Tuy nhiên, đứa trẻ sẽ cảm thấy bực bội và thậm chí còn cư xử tệ hơn trước.
Khiến trẻ nghĩ rằng bạo lực là cách giải quyết mọi tình huống
Trong mắt đứa trẻ, bố mẹ là người quyền lực nhất. Vì vậy, khi bạn thực hiện các hình phạt, đứa trẻ sẽ cho rằng đây là chuyện bình thường, là chuyện đúng đắn mà ai cũng làm.
Do đó, con bạn sẽ có xu hướng đi bắt nạt những người yếu thế hơn chúng. Chúng sẽ nghĩ rằng mọi thứ đều có thể đạt được bằng bạo lực.
Bình luận