TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện mắt Trung ương cho biết, số lượng người đến đây khám mắt tăng từng ngày, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.600 người, cao điểm có thể lên tới gần 3.000 người/ngày.
Theo bác sĩ, vào mùa hè, nhiều người hay mắc hội chứng khô mắt. Hội chứng này xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi với biểu hiện: cay mắt, cảm giác buốt như kim châm, dụi mắt, chói mắt, có các vệt sáng qua mắt thất thường, trào nước mắt. Nó gây đau, xước giác mạc, chảy nước mắt.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt.
Mùa hè cũng là thời điểm rất dễ bùng phát dịch đau mắt đỏ do virus gây ra, lây lan rất nhanh, biểu hiện chung là sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch, đỏ mắt, ra ghèn, cộm rát, nhìn mờ.
Bên cạnh nguyên nhân là thời tiết thay đổi, trời nóng nực, ô nhiễm môi trường, khói bụi, thì việc người bệnh “tự kê đơn bốc thuốc”, sử dụng không đúng cách hay mua thuốc điều trị không đảm bảo cũng làm gia tăng những bệnh về mắt.
“Tâm lý tự điều trị bằng loại thuốc gì đó hoặc ra hiệu thuốc nghe tư vấn của người bán thuốc, hoặc đến với bác sĩ đa khoa mà không phải chuyên khoa. Khi có biến chứng, bệnh nhân mới tìm đến bác sĩ chuyên khoa mắt thì ca bệnh đã trở nên rất nặng”, bác sĩ Cương nói.
“Có khi chỉ là đau mắt đỏ lành tính, nhưng dùng thuốc sai gây nhiễm herpes làm mưng mủ gây tai biến mù lòa nhiều; hoặc nhiễm nấm thì trong 3 ngày, giác mạc đang trong suốt bị biến thành ổ màu vàng. Mắt đang nhìn bình thường thành ra chỉ nhìn thấy bóng..”, bác sĩ Hoàng Cương lưu ý.
Cách phòng tránh bệnh về mắt trong mùa hè
Theo TS.BS Hoàng Cương, một số bệnh về mắt hay chấn thương mắt có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy khi mắc bệnh, mọi người cần khám bác sĩ chuyên khoa mắt, điều trị đúng liều lượng và dứt điểm.
Việc đầu tiên phải thường xuyên và tạo thành thói quen vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch. Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt.
Để phòng dịch đau mắt đỏ, tốt nhất nên tránh xa nguồn bệnh, đeo kính và không nói chuyện với bệnh nhân ở khoảng cách gần.
Hàng ngày mọi người cần làm sạch mắt bằng cách 6-8 tiếng 1 lần, nhỏ nước muối sinh lý hoặc tối thiểu là 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.
Với chị em hay dùng mỹ phẩm, thì nước muối sinh lý còn rất cần thiết cho việc làm sạch mắt với chị em sau khi tẩy trang, giúp loại bỏ các hóa chất lọt vào mắt trong quá trình trang điểm và tẩy trang.
Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt sản xuất thủ công, chứa chất bảo quản rẻ tiền, theo các chuyên gia đây chính là nguyên nhân gây khô mắt, đau mắt mãn tính thậm chí dẫn tới mù lòa.
Vì vậy, người tiêu dùng thông minh cần biết lựa chọn sản phẩm an toàn, phù hợp, cũng như cách bảo quản thuốc, chăm sóc mắt đúng cách. Thuốc rửa hay nhỏ mắt cần do các công ty dược phẩm có uy tín lâu năm sản xuất, sử dụng công nghệ mới - công nghệ kín hoàn toàn để đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi mắc bệnh về mắt, người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa, không tự kê đơn, tự mua thuốc điều trị.
Bình luận