Video: Những phụ huynh gây sóng Giáo dục 2017
“Người cha dũng cảm” của học sinh bị tai nạn tại trường Tiểu học Nam Trung Yên
Anh Trần Chí Dũng (bố của cháu Kiên, học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội) đã vượt qua nhiều khó khăn, kiên trì theo đuổi vụ việc cho đến khi sự thật phải lộ diện.
Có thể nói, đây là vị phụ huynh dũng cảm được nhiều người ngưỡng mộ.
Ngày 20/12, anh Trần Chí Dũng phản ánh với báo chí rằng, khoảng 10h30 ngày 1/12, anh nhận được điện thoại của cô Đỗ Thị Hòe (giáo viên chủ nhiệm cũ của con) về việc con trai anh là Trần Chí Kiên bị ngã phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Theo lời anh Dũng, tại bệnh viện, con được bác sỹ chẩn đoán gãy xương đùi ở chân phải.
Tuy nhiên, sau khi bó bột, xương chân của con anh vẫn không liền được nên gia đình chuyển cháu sang bệnh viện Việt Đức để điều trị.
Quá bất ngờ vì sự việc, sau đó, anh đã liên hệ với nhà trường để tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc thì sau hơn một tuần nhà trường vẫn từ chối trách nhiệm và tiến hành khảo sát học sinh toàn trường về vụ việc.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc (Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên) khẳng định, bản thân mình không tự lái ôtô đến trường. Trong trường chỉ có ba giáo viên có ôtô thường ngày hay đỗ ở sân sau. Hôm xảy ra sự việc, không có bất cứ ô tô nào khác vào ra trong trường học.
Theo bà Ngọc, sự việc xảy ra có thể do học sinh Kiên chạy và tự va vào một ô tô nào đó đang đỗ trong sân.
Ngoài ra, bà hiệu trưởng cũng thông tin sau khi sự việc xảy ra đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ trường viết tường trình, báo cáo vụ việc và họ đều khẳng định học sinh Kiên chạy và tự ngã.
Video: Học sinh bị gãy chân trong sân trường: Sự thật qua lời kể của học sinh
Điều khiến anh Dũng bức xúc hơn là tại cuộc gặp giữa gia đình và các giáo viên của trường, các giáo viên vẫn khẳng định do cháu chạy tự ngã. Khi anh Dũng đưa ra kết luận của bác sỹ và tình trạng của con các cô lại nói: “Có thể con chạy va vào xe của giáo viên đang đỗ trong sân trường”.
Điều khiến anh ngạc nhiên và nghi ngờ hơn nữa là khi anh gặp cô giáo chủ nhiệm của con để trao đổi, nhà trường luôn cử từ một đến hai giáo viên đứng cùng để giám sát.
Trước đó, ngày 21/2, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã công bố quyết định kỷ luật đối với lãnh đạo của trường này do đã che giấu vụ tai nạn của học sinh Trần Chí Kiên trong trường.
Theo quyết định do Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh ký, bà Nguyễn Thị Hương – Phó Hiệu trưởng và bà Tạ Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức. Hai bà này bị kỷ luật vì vi phạm nghĩa vụ của công chức trong thực hiện công việc.
Ông bố viết đơn lên Chính phủ kiến nghị giải tán Hội Phụ huynh
Anh Võ Quốc Bình, phụ huynh lớp 3/2, trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TP. HCM), người dũng cảm phản pháo: “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ” khi Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất phụ huynh đóng tiền lót sàn gỗ cho lớp đầu năm học này.
Ngoài ra, anh Bình cho biết, từ những bất cập trong các khoản ở trường không thể chấp nhận, anh đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị loại bỏ cái gọi là “Hội phụ huynh học sinh”.
Bởi theo anh, gọi là Hội phụ huynh nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu “Hội phụ thu học sinh” để thực hiện “BOT học đường”.
Anh Võ Quốc Bình, ông bố ở TPHCM đã thẳng thắn từ chối khi Hội phụ huynh lớp đề xuất đóng tiền lót sàn gỗ. Anh cũng nhắn tin về vấn đề này gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM.
Anh Bình chia sẻ quan điểm, hàng năm, ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể rồi, vào nhất nhì trong các ngành, giáo viên có lương, nhà trường có ngân sách... Vậy không hà cớ gì động đến đâu cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp như kiểu từ thiện. Đây không khác nào là một hình thức "móc túi" người dân.
Khi có phản ánh, nhà trường lại bám vào điệp khúc "Phụ huynh tự nguyện" để đá bóng trách nhiệm.
Trước đó, khi Ban đại diện phụ huynh lớp 3/2, Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TPHCM đề xuất lót sàn gỗ lớp cho các bé ngủ trưa, anh Bình đã viết rõ “KHÔNG ĐỒNG Ý” vào đơn thư.
Trường tiểu học ở Hải Phòng buộc phải trả phụ huynh hơn 700 triệu đồng
Theo đó, trên cơ sở báo cáo kiểm tra, xác minh của các phòng chuyên môn, huyện An Lão xác định có tình trạng thu sai quy định, lạm thu một số khoản thu tại trường Tiểu học xã Tân Dân (An Lão) trong 2 năm học 2015-2016 và 2016-2017.
Do đó, UBND huyện An Lão yêu cầu trường Tiểu học xã Tân Dân tổ chức trả lại cho phụ huynh học sinh những khoản thu sai quy định, lạm thu với tổng số tiền là 738.130.000 đồng.
Trong đó, tiền học thêm trên 560 triệu đồng, tiền thu sinh hoạt hè trên 120 triệu đồng và tiền học kỹ năng sống trên 55 triệu đồng.
Sau khi nhà trường khắc phục hậu quả, UBND huyện An Lão sẽ xem xét, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với Ban giám hiệu trường Tiểu học Tân Dân.
Một phụ huynh đứng lên phát biểu, nhận được sự đồng tình của đông đảo cha mẹ khác.
Phụ huynh Hưng Yên ‘tạm giữ” hiệu trưởng vì thu tiền sai
Vì thu tiền sai quy định nên hiệu trưởng trường tiểu học Lệ Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đã bị gần 50 phụ huynh quây và tạm giữ tại phòng hội đồng vào sáng 15/5. Sau đó, vị này đã bị cách chức xuống làm hiệu phó.
Theo ông Nguyễn Thế Hưng – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), vào sáng 15/5 có gần 50 phụ huynh tạm giữ bà Nguyễn Thị Quyên - Hiệu trưởng trường tiểu học Lệ Xá tại phòng hội đồng vì cho rằng vị này thu tiền sai quy định. Ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, đích thân ông đã xuống tận trường học để nắm bắt tình hình.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc này là do những khoản thu trái quy định của bà Nguyễn Thị Quyên từ năm 2012 đến năm 2016 về tiền học 2 buổi/ngày của học sinh tiểu học.
Bình thường học sinh chỉ học 5 buổi nhưng nhà trường cho học sinh học cả các buổi chiều. Nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, tôi đã yêu cầu nhà trường trả lại toàn bộ số tiền đó cho phụ huynh học sinh và con số lên khoảng gần 1 tỷ đồng. Các phụ huynh cũng đồng tình với phương án này và thả cô Quyên.
Ông Hưng đã chỉ đạo nhà trường chỉ được dạy số buổi theo đúng quy định của Sở GD-ĐT. Sau sự việc này, để trấn an tinh thần phụ huynh học sinh, chúng tôi đã có quyết định chính thức cách chức bà Nguyễn Thị Quyên từ hiệu trưởng xuống hiệu phó và thời gian tới có thể điều đến một cơ sở giáo dục nào đó.
Trước đó, theo phản ánh của nhiều phụ huynh từ năm học 2012 – 2013 đến nay, hiệu trưởng trường tiểu học Lệ Xá là bà Nguyễn Thị Quyên đã cho thu nhiều khoản trái với quy định của Nhà nước, chỉ đạo các giáo viên thu qua nhiều năm mà không hề bị xử lý.
Trong năm học 2016-2017, hàng loạt các khoản tiền được liệt kê trong đầu năm học gây bức xúc cho phụ huynh như: Hỗ trợ tu sửa Cơ sở vật chất; Khuyến học; Quỹ đội; quỹ Hội phụ huynh học sinh, hỗ trợ trang thiết bị dạy học, Hỗ trợ tu sửa phòng tin; Hỗ trợ bảo vệ; Nâng cấp dòng điện 3 pha; Tiền điện; Tiền nước; Vệ sinh; Tin học…;
Trước những bức xúc của phụ huynh về những khoản thu trên, lãnh đạo nhà trường lại không chịu tiếp thu ý kiến của phụ huynh nên mới dẫn đến việc gần 50 phụ huynh giữ hiệu trưởng tại phòng hội đồng sáng 15/5.
Giáo viên Trường Lương Thế Vinh bị phản ánh "có lối giáo dục hà khắc"
Bài viết "Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt" của chị nhận được sự quan tâm lớn của nhiều phụ huynh.
Chị Giang phản ánh chuyện cô giáo chủ nhiêm lớp 10A1.1 Nguyễn Thị Thu có cách giáo dục ảnh hưởng đến tâm lý học sinh; cách hành xử của hiệu phó nhà trường Văn Thùy Dương là chưa đúng mực.
Trước đó, cho dù con gái đã trúng tuyển Trường THPT Việt Đức (trường có điểm chuẩn khá cao ở Hà Nội), chị Giang vẫn quyết định cho con học ở trường Lương Thế Vinh - một trường tư có mức học phí vừa phải, tỷ lệ đỗ đại học của học sinh luôn thuộc tốp cao.
Sau 2 học kỳ, chị thấy con gái thường xuyên trở về nhà trong tâm trạng buồn bã, lo âu.Theo vị phụ huynh này, đã dự 3 cuộc họp phụ huynh của lớp và “chưa bao giờ chứng kiến một nụ cười trên môi cô giáo chủ nhiệm”. Ngoài ra, vị phụ huynh nêu cô Thu đồng thời là giáo viên của một trường công lập khác ở quận Ba Đình.
Ngày sau đó, khi lấy ý kiến học sinh thì có 13/37 em đồng ý đổi giáo viên chủ nhiệm hoặc để phiếu trắng, nên trường vẫn duy trì giáo viên chủ nhiệm cũ.
Kết quả, con không muốn đến trường nên gia đình chị Giang xin rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.
Cùng với chuyện nêu trên, chị Hương Giang phản ánh thêm rằng, con chị và các bạn trong lớp liên tiếp phải viết bản kiểm điểm hoặc mời bố mẹ đến gặp cô vì những lỗi như: Nói chuyện trong lớp, thiếu bài tập về nhà, đi muộn, đổi chỗ, ngủ gật trong giờ, không ghi chép bài trên lớp đầy đủ, quần áo đầu tóc không ngay ngắn. Bên cạnh đó, lượng bài tập về nhà thì luôn rất nhiều...
Cho con nghỉ học ở nhà
Vốn là giảng viên Học viện Bưu chính Viễn Thông tại TP HCM nhưng ông Đặng Quốc Anh (ngụ quận Tân Bình) đã nghỉ hẳn ở nhà để chăm sóc, dạy dỗ con cái.
Con trai đầu của ông là Đặng Nhật Anh (19 tuổi) đã nghỉ học hơn 3 năm, trong khi cậu út Đặng Thái Anh (14 tuổi) ở nhà tự học từ 2 năm trước. Cả hai anh em đều đạt IELTS 8.0 và 8.5.
Năm 2014, Nhật Anh đang học lớp 10, trong một lần không thuộc bài bị thầy giáo phạt cùng gần 20 bạn khác xếp hàng trước phòng ban giám hiệu trong giờ ra chơi. Vợ chồng ông Quốc Anh phản đối hình phạt này vì cho rằng không có hiệu quả giáo dục.
Gia đình ông nhận thấy, chương trình ở trường quá nặng nề, thừa thãi một cách vô lý trong khi bài vở mang về nhà lại quá tải khiến hai con trai phải học ngày, học đêm. Cùng năm đó, Nhật Anh bị sốt xuất huyết nặng, việc phục hồi sức khỏe tốn nhiều thời gian càng khiến em không theo nổi chương trình.
Giống như người anh, Thái Anh cũng gặp nhiều chuyện bức xúc trên trường khi bị giao quá nhiều bài tập về nhà. Vì không đi học thêm nên Thái Anh cũng bị phạt nặng hơn so với những học sinh khác mỗi khi phạm lỗi. Mệt mỏi với việc học trên trường, Thái Anh tỏ ra "ghen tị" với anh trai khi nói với ba mẹ: "Sao anh hai được nghỉ học mà con không?".
Sau khi cân nhắc, vợ chồng ông quyết định cho con út ở nhà tự học dưới sự hướng dẫn của ba. Lịch học, làm việc nhà và giải trí của hai anh em được lên chi tiết nhưng người cha không giám sát chặt chẽ theo kiểu áp đặt mà khuyến khích con cái làm theo cách riêng của mình.
Ngoài việc học, hai anh em được ba mẹ cho học đàn, phụ giúp việc nhà và chơi game. Ông kể, cả gia đình thường cùng nhau nấu ăn, mỗi người một việc và không bao giờ ăn cùng giờ. Họ vừa nấu, vừa ăn để tìm được niềm vui quây quần bên nhau. Mỗi buổi tối, cả nhà cùng chơi game với nhau để vừa thư giãn, vừa kích thích sự sáng tạo của mỗi người.
Ông không cho rằng, việc con cái không được đến trường trong những năm qua là những thiệt thòi bởi "cái nào cũng có hai mặt". "Một người đã lao động trí óc, chơi thể thao thì không thể giỏi xuống ruộng, bắt cá. Tôi chỉ muốn giải phóng năng lực cho con và không bắt chúng theo mô hình khuôn mẫu nào cả", ông chia sẻ.
Phụ huynh lên tiếng vì giáo viên trường Tiểu học Nam Thành Công “dọa” đuổi học sinh
Chiều 26/10, bà Phạm Kim Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội cho biết sẽ họp hội đồng nhà trường đưa ra hình thức kỷ luật đối với cô giáo Lan Anh, người bắt học sinh nghỉ học vì nói chuyện riêng.
Theo bà Kim Anh, Hội đồng nhà trường sẽ họp và đưa ra hình thức kỷ luật đối với cô Lan Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2C. Trước mắt, cô Lan Anh sẽ làm bản tường trình sự việc, kiểm điểm, hạ bậc thi đua.
Cô Lan Anh đã có cách ứng xử sai đối với phụ huynh và học sinh, vì vậy nhà trường sẽ đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp", bà hiệu trưởng cho biết thêm.
Theo hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh nên trao đổi trực tiếp khi xảy ra các vấn đề với học sinh, tránh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Bình luận