Liên hệ quảng cáo:024 36321592
Những phát ngôn 'đốt nóng' nghị trường Quốc hội Thời sự Thứ Năm, 02/11/2017 21:50:00 +07:00 Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã có những phát ngôn nóng bỏng về các vấn đề như cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước...
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 2/11, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhắc lại sự việc ở Đồng Tâm (Hà Nội):“Chúng ta đã khởi tố những người dân Đồng Tâm vi phạm nhưng đến nay những người công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài vòng pháp luật, điều này gây bức xúc cho người dân”.
"Giá như các cơ quan phát huy đầy đủ chức năng của mình thì sự việc đâu phải lên đến bàn Thủ tướng, Thủ tướng đâu phải chỉ đạo như vụ việc quán cà phê Xin Chào”. Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nói tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 2/11.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, đã làm nóng nghị trường với nhận định "chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm" tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội ngày 31/10.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân đã thẳng thắn phát biểu tại QH ngày 30/10 về yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế: “Người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ, còn đề bạt cán bộ sai lại “phạt cho tồn tại” thì không phù hợp và cần giải pháp mạnh hơn”.
“Cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay” - ĐBQH Nguyễn Minh Sơn nhận xét tại phiên thảo luận sáng 30/10 về báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Đại biểu Trần Văn Lâm nhận định về vấn đề chia tách, sáp nhập các cơ quan nhà nước hiện nay khá tùy tiện và đó là nguyên nhân khiến bộ máy phình to:“Xin hãy để khắc nhập, khắc xuất mãi là cổ tích trong truyện Cây tre trăm đốt chứ không phải là tình trạng của việc chia tách, sáp nhập các cơ quan nhà nước”.
Trao đổi với báo chí bên lề họp QH sáng 31/10, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết đã xem lịch sử tiền lương của cô giáo Trương Thị Lan ở Trường Mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ (Hà Tĩnh). Cô Lan đi dạy 37 năm nhưng giai đoạn đầu là dạy trong thời kỳ hợp tác xã, cô tự nguyện, không có lương, không có hợp đồng và chỉ tham gia BHXH được 22 năm 8 tháng. Tiền lương tính bình quân của 22 năm 8 tháng, chia ra được hơn 1,8 triệu đồng, khi nghỉ hưu được hưởng 69%, được chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng. Mức lương này được tính đúng với các quy định hiện hành.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) xin tranh luận lại ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Cương về buôn lậu thuốc lá. Bà Dung cho hay việc “buôn thuốc lá tuy nóng nhưng đã được xử lý và hiện chỉ còn ấm”.
Sáng 31/10, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Chính phủ thay đổi giờ làm việc để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo hạnh phúc gia đình. Cụ thể, đại biểu Cảnh đưa giải pháp thay đổi khung giờ làm việc, buổi sáng bắt đầu từ 8 giờ 30 và kết thúc lúc 17 giờ đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập. Trong đó giờ nghỉ trưa kéo dài một giờ.
Chiều 31/10, trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách của QH, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã đưa ra góc nhìn:"Năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Với tư duy thu chi như vậy, bao giờ chúng ta mới có thể đưa nợ công về mức có thể an tâm?".
Sáng 1/11, QH bước vào ngày làm việc thứ hai về tình hình phát triển kinh tế-xã hội; dự toán chi ngân sách 2018 và tài chính ba năm 2018-2020. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu:"Nông dân Việt Nam rất sáng tạo, chưa có một đất nước nào mà vải thiều và na lại có thể cho ra quả ở thân cây, rồi thủy phi cơ được sáng tạo ở Phú Xuyên… Đây là chính sách lớn nhất tạo nên sức mạnh".
(Nguồn: plo.vn)
Bình luận