(VTC News) – ‘Thử phân bón bằng miệng’, ‘ghế của ông lung lay rồi đấy’, ‘đường Trường Chinh cong mềm mại’…là những phát ngôn ‘để đời’ của quan chức Việt trong năm 2014.
Ghế của ông lung lay rồi đấy
Đó là lời “đe dọa” của ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông vận tải với ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 khi kiểm tra thực tế thi công tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) sáng 8/11/2014.
Nguyên do, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đến kiểm tra việc thi công tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đường Nhật Tân – Nội Bài), hàng chục người dân xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh đã vây quanh ông Thăng để kiến nghị làm hầm chui qua tuyến đường.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kiểm tra thực tế thi công tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) sáng 8/11/2014 |
Theo người dân địa phương, đường Nhật Tân - Nội Bài đã xóa lối ra cánh đồng của bà con thôn Sơn Du. Trong khi đó, chủ đầu tư đã xây dựng hầm chui trên địa bàn thôn Khê Nữ, khiến người dân đi làm đồng phải đi vòng cách đó 2-3km. Một nông dân cho biết, ông không thể dắt trâu qua đường gom dài mấy km, đi bộ từ nhà thì đến trưa mới ra cánh đồng. “Bộ trưởng cứu chúng tôi với”, một người dân nói.
Tiếp nhận phản ánh của bà con nông dân, ông Thăng khẳng định chậm nhất cuối tuần (12/11) sẽ hoàn tất hầm chui thôn Khê Nữ để bà con đi lại phục vụ sản xuất.
Bộ trưởng Thăng cũng nghiêm khắc cảnh cáo ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 vì không bám sát công trường, phối hợp với địa phương kém, trong khi hầu hết lỗi tại chủ đầu tư chứ không phải do chính quyền địa phương hay người dân.
“Ghế của ông đang lung lay rồi đấy. Chỉ có hiệu quả công việc cao thì mới giữ được ông Vân ở lại vị trí tổng giám đốc”, ông Thăng cảnh báo.
Không phong tướng, anh em tâm tư lắm
Đó là phát biểu của Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khi bàn về việc sửa đổi “Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân” và “Luật Công an nhân dân” tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Trước những ý kiến về mức trần với các trường kỹ thuật quân sự, hậu cầu, quân y, sĩ quan lục quân, Học viện Chính trị… nên là Thiếu tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quanh Thanh cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận nhiều, xin phép giữ trần hiện hành đã thực hiện mấy chục năm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính uỷ.
Học viện Kỹ thuật Quân sự đào tạo kỹ sư cho toàn quân, cả dân sự, nghiên cứu khoa học nên đề nghị cho giữ.Cả toàn quân chỉ có trường này to nhất. Học viện Hậu cần trước đây là 3 trường sỹ quan, trung cấp hậu cần, giờ là ba trong một. Như vậy có từ lâu rồi, giờ hạ xuống, anh em rất tâm tư.
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng có ý kiến không đồng tình với đề nghị phong hàm Thiếu tướng cho Chủ nhiệm Khoa Mác-LêNin và Chủ nhiệm Khoa Quân chủng; Phong hàm Thượng tướng với Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thanh cho rằng: “Quá trình thẩm định có ý kiến cho rằng giảm xuống Đại tá, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép để lại là Thiếu tướng tôi cho là rất mừng.
Ban soạn thảo rất tâm tư, tôi trình mà Quốc hội không bấm nút hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác-Lê Nin không quan trọng à? Khoa khác quan trọng thế khoa này thì sao, hay là anh có vấn đề gì, rất là khó các đồng chí ạ".
Ban soạn thảo rất tâm tư, tôi trình mà Quốc hội không bấm nút hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác-Lê Nin không quan trọng à? Khoa khác quan trọng thế khoa này thì sao, hay là anh có vấn đề gì, rất là khó các đồng chí ạ".
Diễn giải thêm về Khoa Quân Chủng, ông Thanh cho hay, trước đây có Khoa Phòng không, Khoa Hải quân, Khoa Pháo Binh, Khoa Công Binh, Khoa Đặc công... bây giờ tất cả nhập thành Khoa Quân Chủng.
“Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có mỗi Chủ nhiệm khoa trước đây là Thiếu tướng bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm các đồng chí ạ”, ông Thanh bày tỏ.
Không có lợi ích nhóm khi viết sách giáo khoa
Sáng 20/11, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) đã giải trình trước Quốc hội những vấn đề các đại biểu quan tâm liên quan đến đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một công việc mang tính khoa học liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận |
Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hôi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định: “Thưa Quốc hội, ở đây tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Phương án xã hội hóa sách giáo khoa là do Bộ GD-ĐT đề xuất, Chính phủ thảo luận, quyết định và trình ra Quốc hội”.
Trong lịch sử, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết sách giáo khoa, và cũng không trực tiếp viết sách giáo khoa.
Việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa là do các nhà giáo, chuyên gia tham gia. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện và tuyển chọn nhân sự, hỗ trợ chuyên môn cho các chuyên gia viết sách…
Thẩm định sách do mội hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia am hiểu không tham gia viết sách do Bộ GD-ĐT, ban tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam giới thiệu.
Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn của các thành viên của hội đồng và hoạt động thế nào. Bộ sẽ căn cứ kết luận của hội đồng thẩm định quốc gia để cho phép lưu hành những bộ sách đạt yêu cầu.
Cán bộ phải thử phân bón bằng miệng
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra chiều 17/11/2014, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong lúc trả lời cử tri đã phát biểu một câu khiến cả nghị trường cũng như báo chí phải xôn xao.
Cụ thể, trả lời chất vấn của cử tri liên quan đến vấn đề quản lý thị trường trước gian lận thương mại, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, sữa, than, phân bón…, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu một thực tế khiến cả nghị trường xôn xao: “Công tác đấu tranh của riêng Quản lý thị trường đã cố gắng nhưng phương tiện công cụ vừa yếu, vừa thiếu. Một câu chuyện có thật là, ở nhiều nơi thanh kiểm tra, anh em cán bộ phải dùng miệng để kiểm tra.
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) xin bấm nút lần thứ 2 để “truy” trách nhiệm cho rõ: “Tôi buồn vì Bộ trưởng nói thiếu phương tiện kiểm định, tới phân bón phải kiểm nghiệm bằng miệng, thì nếu là thuốc trừ sâu sẽ kiểm nghiệm bằng gì?”.
“Chống hàng gian, hàng giả mà đi chống bằng cách “nếm bằng miệng” thì biết chừng nào chống được. Biết chừng nào làm rõ để người dân họ yên tâm sản xuất đúng theo pháp luật? Trong khi những kẻ gian dối thì làm như vậy, Bộ trưởng lại nói cán bộ dùng phương tiện thô sơ như thời cổ đại để kiệm nghiệm hàng như vậy thì khó có thể chấp nhận được”, đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh.
Dân có thể góp tiền, vàng để xử lý nợ xấu không?
Ngày 1/10, tại cuộc họp của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về nợ xấu của ngành ngân hàng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại đặt câu hỏi: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?”.
Câu “gợi ý” này của ông Phan Trung Lý nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Ngay sau đó, nhiều báo đồng loạt dẫn lại lời ông Phan Trung Lý và cho rằng ai làm nấy chịu, ngành ngân hàng lúc ăn nên làm ra, lợi nhuận khủng khiếp nhưng vẫn chỉ biết tăng lãi suất rất cao để hưởng lợi, chẳng hề chia sẻ gì cho người dân, còn khi làm ăn thất thoát, đổ bể, nợ xấu kinh hoàng như hiện nay thì lại "đề nghị" dân phải đóng góp.
“Nợ xấu, tệ hại thay, lại không phải là tổ quốc thiêng liêng. Bởi căn nguyên của nợ xấu là một thời “ra ngõ gặp ngân hàng”, là việc nhà băng vung tay quá trán. Người dân không thể yêu, không thể gật đầu tự nguyện góp tiền vàng, thực chất là mồ hôi nước mắt, để trả giá cho những sai lầm khách quan thì ít, chủ quan thì nhiều”, báo Lao Động bình luận.
Tất nhiên sau đó ý kiến của ông Phan Trung Lý vẫn chỉ là một ý kiến gợi mở. Không có người dân nào “góp tiền vàng” để xử lý khối nợ xấu khổng lồ không phải do mình gây ra.
Đảng viên, cán bộ giữ tài sản của dân sao mất nhiều thế?
Đó là vấn đề mà ông Nguyễn Bá Thuyền (ĐBQH đoàn Lâm Đồng) nêu ra trong phiên thảo luận liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn sáng 19/11/2014.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đánh giá, dù cải cách thủ tục hành chính thu được một số kết quả, như giảm được được rất nhiều thủ tục, giảm được phiền hà cho dân. Tuy nhiên, vấn đề tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế thì vẫn chưa làm được.
Đánh giá về vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, theo ông Thuyền, mặc dù quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi nhiều hơn nữa.
“Trong này tôi thấy có yếu tố con người, yếu tố niềm tin. Nói yếu tố con người là vì tôi nhớ có một dịp đi kiểm tra Dinh Bảo Đại sau giải phóng miền Nam, chúng tôi thấy từ 1949 đến 1975 chỉ có một ông quản gia nhưng kiểm kê tài sản của Dinh Bảo Đại không thiếu một cái gì.
Đến thời chúng ta, mỗi lần kiểm tra thì có bao nhiêu con dấu nhưng vẫn mất dần, mất mòn. Toàn là đảng viên giữ tài sản của dân mà sao mất nhiều thế”, ông Thuyền nêu vấn đề.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đề nghị trong đấu tranh chống tham nhũng, ngoài việc xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm thì phải xây dựng lòng tin với dân.
“Nếu không xây dựng lòng tin với dân thì đi đến đâu người dân cũng đưa tiền. Đưa tiền không phải họ kính nể mà vì họ không có lòng tin vào cán bộ. Làm quan thời kỳ nào cũng có lộc nhưng cái lộc đó khác. Mình ăn chặn của dân thì nó khác. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau”, ông Thuyền chỉ rõ.
Điều chỉnh một tý đã làm rùm beng cả lên
Đó là phát ngôn khiến dư luận dậy sóng của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam – ông Nguyễn Hữu Thắng hồi tháng 4/2014.
Cụ thể, liên quan đến việc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông bị “đội vốn” gần 340 triệu USD, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Khi báo chí phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thắng về vấn đề đội vốn này, ông Thắng đã nói: “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.
Những phát ngôn trên của ông Thắng ngay lập tức đã bị dư luận chỉ trích là thiếu trách nhiệm, coi thường người dân và ảnh hưởng tới uy tín ngành GTVT.
Ngày 25/4/2014, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt Việt Nam đối với ông Thắng.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng |
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, và ông Thắng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc phát ngôn cũng như nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án, báo cáo Bộ trưởng GTVT trước ngày 7/5/2014.
Cách xử lý của Bộ trưởng Thăng có lẽ là cần thiết để chấn chỉnh thái độ và tư duy của quan chức trong việc ứng xử với công luận, với báo chí, truyền thông.
Đường Trường Chinh ‘cong mềm mại’
Tại cuộc họp báo của thành ủy Hà Nội chiều 8/4/2014, trước hàng loạt chất vấn của báo chí về việc vì sao đường Trường Chinh bị nắn từ thẳng thành cong, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội, đã nói: Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng thừa nhận đường Trường Chinh có cong, nhưng là “cong mềm mại” chứ không phải “cong hình ghi đông xe đạp” như phản ánh. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã thiết kế theo đúng quy hoạch, chỉ giới đỏ và không có chuyện tự điều chỉnh.
Bức xúc trước câu trả lời này, ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã lên tiếng trên một tờ báo: “Không thể nói là đường Trường Chinh cong mềm mại hay cong linh hoạt. Rõ ràng sự bẻ cong này đã là điều chỉnh, không thể ngụy biện như thế. Còn mục tiêu điều chỉnh là gì thì cần phải làm rõ”.
Còn KTS Trần Huy Ánh nói: “Con đường Trường Chinh vốn là thẳng, nay nó thành cong, và việc uốn cong này không được tường minh, không được giải trình, không được công khai minh bạch để đến lúc công luận vào cuộc rồi lại tìm lý lẽ để khỏa lấp. Những người biến đường thẳng thành cong cần phải xem lại . Những lý lẽ này cũng cần được xem xét liệu đó có thực sự là những lý lẽ… ngay thẳng hay không?”
Tất nhiên dù gây nhiều tranh cãi xong kết quả đường Trường Chinh vẫn được giữ nguyên như thiết kế ban đầu. Có điều, từ nay cụm từ “cong mềm mại” đã được nhắc đến như một sự “giễu cợt” về cách ví von có một không hai của lãnh đạo sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.
Lan Uyên
Bình luận