• Zalo

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống

Khám pháThứ Bảy, 05/02/2022 09:09:24 +07:00Google News
(VTC News) -

Lịch sử chứng kiến ​​rất nhiều phát minh vô tình được tạo ra, khiến người ta nghi ngờ tuyên bố "sự cần thiết là mẹ đẻ của phát minh".

1. Thuốc súng

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 1

Phần lớn các nhà sử học ngày nay công nhận người Trung Quốc đã phát minh ra thuốc súng. Nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy các nhà giả kim thuật Trung Quốc đã tìm cách pha chế một loại thuốc có thể kéo dài tuổi thọ con người. Họ đã thực hiện một số thử nghiệm với kali nitrat, lưu huỳnh và than củi. Cuối cùng, một nhà giả kim nào đó đã vô tình phát minh ra thuốc súng, cơ sở của gần như mọi loại vũ khí được sử dụng kể từ đó trong các cuộc chiến tranh. Các nguồn đều trích dẫn khoảng năm 850 là thời kỳ phát minh ra thuốc súng, thuật ngữ Trung Quốc cho sản phẩm tình cờ là "huoyao", có nghĩa là "thuốc cháy".

2. Khoai tây chiên

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 2

George Crum là một đầu bếp người Mỹ từng làm việc tại nhà hàng Moon Lake Lodge nổi tiếng ở Saratoga Springs, New York. Một trong những món đặc sản của nhà hàng là khoai tây chiên dày, ăn bằng nĩa. Tuy nhiên, vào một ngày hè năm 1853, một khách hàng nhận xét rằng khoai tây chiên quá dày và thiếu muối. Người đầu bếp đã làm một mẻ khoai tây chiên khác, mỏng hơn cho khách, nhưng người khách vẫn tiếp tục càu nhàu. Cay cú và thất vọng, Crum cố tình làm một mẻ khoai tây chiên mỏng đến mức người ta không thể ăn chúng bằng nĩa. Trước sự ngạc nhiên của mình, khách hàng đã được thưởng thức món “khoai tây chiên”. Từ đó, khoai tây chiên ra đời và Moon Lake Lodge có một món mới trong thực đơn của họ - “Saratoga Chips”.

3. Ngũ cốc vụn

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 3

Những người theo thuyết Cơ đốc Phục lâm ngày thứ bảy đã cố gắng sản xuất những loại thực phẩm mới, bổ dưỡng cho các bệnh nhân của Khu nghỉ dưỡng Battle Creek theo chế độ ăn chay nghiêm ngặt. Nhà thờ ưa thích thức ăn có vị nhạt vì thức ăn cay và ngọt được cho là làm tăng niềm đam mê, một sự vi phạm theo Cơ đốc Phục Lâm. Vào một ngày đẹp trời năm 1894, John Kellogg và anh trai của ông là Will Kellogg đã để lúa mì nấu chín trong một thời gian dài, và nó bị thiu. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp, hai anh em quyết định chế biến thành bánh. Đáng ngạc nhiên là lúa mì qua xử lý biến thành những mảnh nhỏ thay vì những mảng bột. Bệnh nhân khu điều dưỡng đã rất thích món ăn mới. Năm 1896, John Kellogg nhận được bằng sáng chế cho “Ngũ cốc vụn”.

4. Kính an toàn nhiều lớp

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 4

Năm 1903, nhà hóa học người Pháp Édouard Bénédictus chứng kiến ​​một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm - một bình thủy tinh tráng nhựa cellulose nitrat rơi trên mặt đất mà không vỡ thành nhiều mảnh. Vụ tai nạn đã truyền cảm hứng cho Bénédictus phát minh ra kính an toàn. Kính an toàn nhiều lớp được sử dụng trong kính chắn gió xe hơi, kính cửa sổ trần và các hàng rào bảo vệ khác, cải thiện khả năng cách âm của cửa sổ. Édouard Bénédictus đã đáng ký lấy bằng sáng chế vào năm 1909.

5. Kem Popsicle

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 5

Năm 1905, cậu bé 11 tuổi Frank Epperson ở California vô tình để hỗn hợp bột tạo hương vị nước giải khát với nước trong một chiếc cốc với que khuấy bằng gỗ ở chỗ lạnh qua đêm. Thức dậy vào sáng hôm sau, Frank nhận thấy nhiệt độ dưới mức đóng băng đã biến hỗn hợp này thành một thứ đông lạnh thú vị. Frank làm thêm những thứ tương tự và mời những người trong khu phố của mình.

Năm 1923, Frank quyết định mở rộng doanh số bán hàng của mình và bắt đầu tiếp thị món kem có tên “Epsicle” tại công viên giải trí Neptune Beach. “Que đồ uống đông lạnh” đã được bán rất chạy, thúc đẩy Frank nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm sau. Sau đó, ông đổi tên sản phẩm của mình thành “Popsicle”. Năm 1925, ông đã bán bản quyền Popsicle cho Công ty Joe Lowe của New York.

6. Teflon

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 6

Ngày nay, Teflon được sử dụng phổ biến, chủ yếu là nhờ tính chất không dính và các đặc tính chống ăn mòn và trơ của nó. Sau khi nhận bằng tiến sĩ hóa học, nhà hóa học người Mỹ Roy Plunkett làm việc cho công ty DuPont, nghiên cứu về các chất thay thế cho chất làm lạnh chlorofluorocarbon (CFC). Plunkett bắt đầu thử nghiệm với khí tetrafluoroethylene (TFE), một chất làm lạnh tiềm năng và lưu trữ TFE trong các bình nhỏ. Một lần, vào năm 1938, Plunkett nhận thấy không có khí nào thoát ra khi họ mở van ở một trong các xi lanh TFE được điều áp trong khi trọng lượng bình không đổi. Khi mở bình đựng, ông tìm thấy một loại bột màu trắng như sáp - TFE đã được polyme hóa thành polytetrafloetylen (PTFE) với sự xúc tác của sắt ở áp suất cao. Ba năm sau, DuPont đã được cấp bằng sáng chế cho cái tên “Teflon” và quy trình sản xuất nó.

7. Lò vi sóng

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 7

Là một kỹ sư tự học, Perry Spencer làm việc cho công ty Raytheon chuyên phát triển máy phát radar vi sóng trong Thế chiến II. Năm 1945, nghiên cứu về thiết bị vi sóng, ông đã phát hiện ra khả năng nung nóng của nó khi một thanh chocolate tan chảy trong túi của mình. Ông đã thực hiện các thí nghiệm với các loại thực phẩm khác bao gồm bỏng ngô và trứng. Spencer chế tạo một chiếc hộp kim loại và nung nó bằng năng lượng vi sóng, khiến thức ăn nóng lên nhanh chóng. Ngày 8/10/1945, Raytheon đã nộp bằng sáng chế cho phương pháp nấu ăn bằng lò vi sóng của Spencer. Lò vi sóng đầu tiên "Radarange" chiều cao 1,8 m, nặng 340 kg và có giá 5.000 USD.

8. Bột nặn Play-Doh

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 8

Trong những năm 1930, Kutol Products, một công ty sản xuất xà phòng có trụ sở tại Cincinnati (Mỹ), đã sản xuất một loại vật liệu giống như sáp, được tạo ra để loại bỏ muội than khỏi giấy dán tường. Tuy nhiên, khi giấy dán tường làm từ nhựa vinyl có thể giặt được và khí đốt tự nhiên trở thành nguồn sưởi ấm phổ biến hơn, thị trường chất tẩy rửa giảm và nhà sản xuất phải đối mặt với phá sản. Sau đó, cháu trai của Noah là Joe McVicker biết được chị dâu của mình, một giáo viên mẫu giáo, đã sử dụng sáp tẩy rửa trong lớp học của mình cho các giờ học nghệ thuật. Một bài báo đã đưa ra đề xuất sử dụng nó như một món đồ chơi mô hình. Cô giáo dạy trẻ đã thuyết phục cả hai sản xuất sản phẩm không độc hại của họ để làm đồ nặn thủ công. Cô và chồng đã đặt tên cho bột nặn đó là "Play-Doh".

9. Máy tạo nhịp tim

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 9

Kỹ sư và nhà phát minh nổi tiếng người Mỹ Wilson Greatbatch nắm giữ hơn 150 bằng sáng chế và là người được vinh danh trong Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia. Đáng chú ý nhất là ông được vinh danh đã chế tạo máy tạo nhịp tim, dù là phát minh tình cờ. Năm 1956, nghiên cứu chế tạo một bộ dao động để ghi lại nhịp đập của tim, Greatbatch đã sử dụng sai điện trở trong mạch, dẫn đến việc phát ra các xung điện nhịp nhàng. Vụ việc đã cho Greatbatch ý tưởng chế tạo máy tạo nhịp tim cấy ghép. Máy tạo nhịp tim đầu tiên được cấy vào người là vào năm 1958, đã hỏng sau ba giờ. Phát minh của Greatbatch, ban đầu được thử nghiệm trên động vật, lần đầu tiên được sử dụng trên người vào năm 1960, kéo dài 18 tháng.

10. Mảnh giấy ghi chú thích Post-it

Những phát minh tình cờ nhưng làm thay đổi cuộc sống - 10

Tiến sĩ Spencer Silver, một trong số những nhà khoa học làm việc tại 3M, đã khám phá ra một công thức hoá học về chất liệu dễ dính cho ngành hàng không vũ trụ từ năm 1968. Tuy nhiên, chính đồng nghiệp của ông, Art Fry, là người đã tìm ra công dụng thiết thực của chất liệu này. Ý tưởng về những mẫu giấy ghi chú có thể dính và di dời đã thu hút Fry khi ông đang hát trong đội hợp xướng của nhà thờ, miếng làm dấu sách rơi khỏi sách thánh ca làm ông lúng túng... Giờ đây, cả thế giới đã sử dụng phát minh của ông - giấy ghi chú Post-it, một sản phẩm thông dụng, tiện dụng các văn phòng trên thế giới. Tạp chí Fortune đã xếp “Post-it Note” vào một trong những phát minh hàng đầu của thế kỷ 20./. 

CTV Lê Ngọc/VOV.VN(Factsc)
Bình luận
vtcnews.vn