Nhà giá rẻ thêm cú “hích” từ gói 30.000 tỷ đồng
Theo Bộ Xây dựng, trong 5 tháng đầu năm 2013, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn vẫn ảm đạm, dù giá tiếp tục giảm, nhưng tính thanh khoản vẫn thấp. Tuy nhiên, thị trường lại nổi lên “điểm sáng” ở phân khúc căn hộ chung cư có giá trên 10 triệu đồng/m2, diện tích nhỏ và nhà ở đã hoàn thiện có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.
Cụ thể, ở TP HCM, dự án Khang Gia Tân Hương mở bán ngày 13/6 với giá từ 14,8 triệu đồng/m2, hiện đã phân phối được 165 căn trên tổng số 338 căn.Dự án giá rẻ vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. (Ảnh: Châu Anh)
Anh Bùi Tấn Cường, nhân viên phòng kinh doanh dự án này cho biết, do mở bán vào thời điểm giữa tháng khi khách hàng đang có tâm lý chờ đợi gói hỗ trợ nên Khang Gia Tân Hương có giao dịch hơi chậm, tuy nhiên tới cuối tháng, tình hình lại khả quan hơn hẳn, nên lượng người mua tăng vọt.
Dự án Imprian An Phú (TP HCM) mở bán đợt cuối với giá từ 26 đến 30 triệu/m2, trong ngày vàng mở bán (22,23/6) đã bán được 25 căn. Dự án căn hộ Tân Mai (Quận Bình Tân – TP HCM) trong lần mở bán tháng này cũng đã giao dịch thành công 15 căn, đạt 50%...
Tại Hà Nội, sau thời điểm 1/6, các dự án cũng được các chủ đầu tư ồ ạt chào bán. Cụ thể, dự án Tây Hà Tower (huyện Từ Liêm) nhanh chân mở bán từ ngày 1/6 với giá 17,5 triệu đồng/m2. Theo chị Thủy, nhân viên kinh doanh của sàn bất động sản Đông Á, nơi phân phối độc quyền dự án này thì từ ngày mở bán (1/6) đến nay, sàn đã giao dịch thành công 20/70 căn.
Một nhân viên của sàn bất động sản Đại Long cũng cho biết, với các dự án có giá trung bình dao động trong khoảng trên dưới 20 triệu như Hòa Bình Green City; HUD3 Tower, Phúc Thịnh Tower và Xuân Phương Viglacera… đều có lượng giao dịch khá trong tháng 6.
Nhân viên này cũng cho biết thêm, tình hình thị trường bất động sản cuối tháng lạc quan hơn hẳn. Những dự án nổi bật như HUD3 Tower bán được 21 căn, dự án Xuân Phương OCT2 từ khi bắt đầu chào bán (ngày 20/6) tính đến hết buổi sáng ngày 30/6, đã có khoảng 80/110 căn hộ giao dịch thành công, Riêng trong buổi Lễ mở bán ngày 30/6/2013 đã có gần 400 người tham gia.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, thị trường nhà đất hiện đang quay về giá trị thực vốn có của nó. Đây cũng là thời điểm để thị trường thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém, giữ lại những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ổn định và có sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu người dân.
“Trong năm 2013 và những năm tiếp theo, những sản phẩm có thanh khoản tốt vẫn sẽ là căn hộ có giá trung bình và đất nền giá rẻ, vì đây chính là phân khúc đáp ứng nhu cầu thật của đại đa số người dân”, ông Quyết cho biết.
Đất nghĩa trang: Nhu cầu lớn
Tuy không rầm rộ như phân khúc nhà giá rẻ thời gian gần đây, nhưng các dự án đất nghĩa trang – bất động sản cho người âm cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các khách hàng.
Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, trong 3 năm tới, nhiều nghĩa trang lớn của thành phố sẽ phải đóng cửa.Đất nghĩa trang hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Ảnh: Châu Anh
Hiện, hầu hết các nghĩa trang trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng “Quá tải - không có quy hoạch - không dịch vụ - không biết khi nào phải di dời”.
Theo khảo sát mới đây của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 6 nghĩa trang tập trung (Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển và Sài Đồng) với tổng diện tích 104ha. Các nghĩa trang này được xây dựng đã lâu và đều trong tình trạng quá tải (riêng nghĩa trang Văn Điển đã dừng tiếp nhận hung táng từ 15/7/2010). Nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì) có thể khai thác tối đa đến năm 2013. Nghĩa trang Vĩnh Hằng mới đưa vào sử dụng song cũng không thể khai thác lâu dài...
Tương tự, nhiều nghĩa trang cấp huyện cũng đã sử dụng gần hết diện tích đất. Trong khi đó, các nghĩa trang cấp xã, thôn đều xây dựng không theo quy hoạch, hình thành tự phát. Công tác quản lý các nghĩa trang nhân dân cấp xã, thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức, việc chăm sóc, vệ sinh nghĩa trang không được thường xuyên.
Do có nhu cầu lớn, nên bất động sản cho người âm vẫn phát triển khá ổn định. Ông Trần Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư dự án Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho biết, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng rất nhiều khách hàng vẫn tìm mua một nơi an nghỉ cho mình.
Theo ông Tuấn Anh, trung bình mỗi tháng, cũng có ít nhất vài trăm khách hàng tới ký hợp đồng mua đất tại dự án Lạc Hồng Viên.
“So với các phần mộ ở nội thành Hà Nội, dự án Lạc Hồng Viên có mức giá khá rẻ (chi phí cho một phần mộ từ 15 triệu đồng trở lên), đặc biệt dự án tạo cho khách hàng một cảm giác về môi trường xanh, sạch đẹp, tôn nghiêm và như một công viên du lịch tâm linh. Người ta tới nghĩa trang sẽ như đi chùa...”, ông Tuấn Anh cho biết.
Nhiều người Việt sợ đến nghĩa trang, đó là thực tế đã tồn tại bấy lâu nay. Việc xây dựng công viên nghĩa trang - một đô thị riêng cho người đã khuất không còn xa lạ trên thế giới.
“Vì vậy, việc tạo ra một nơi an nghỉ sạch đẹp cho người đã khuất là nhu cầu thiết thực cũng như xu hướng của thị trường. Người mua quan tâm đến dự án cũng là nhu cầu tất yếu”, ông Tuấn Anh nhận định.
Châu Anh
Bình luận