• Zalo

Những "ống khói di động" giết người

Bức xúc thường ngàyThứ Hai, 31/05/2010 01:01:00 +07:00Google News

Trong khói thuốc lá chứa hơn 3000 chất hoá học, trong đó có 20 chất đã được xác nhận là tác nhân gây ung thư.

(LTS)- Nhân Ngày thế giới nói "không" với thuốc lá 31/5, ngày mà cả nhân loại lên tiếng về tác nhân gây tử vong đứng thứ 2 đối với con người. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết do độc giả Trần Nguyên gửi về, với những băn khoăn không của riêng ai... Tên bài viết là do tòa soạn đặt.

 

Thuốc lá – “lưỡi hái tử thần” vô hình

 

Trong khói thuốc lá chứa hơn 3000 chất hoá học, trong đó có 20 chất đã được xác nhận là tác nhân gây ung thư.

 

Năm 1825, nhà hoá học Thụy sĩ Picoto lần đầu tiên tìm ra chất nicotin trong khói thuốc lá. Chất này làm cho người hút thuốc lá nghiện và cũng làm cho người hút bị nhiễm độc mãn tính chuyển sang nhiễm độc cấp tính. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng chất nicotin trong một điếu thuốc lá đủ làm chết một con chuột, trong 20 điếu đủ làm chết một con bò.

 

Trong một cuộc thi hút thuốc lá ở Pháp, một người dự thi đã hút liền 60 điếu thuốc lá và bị nhiễm độc chết ngay tại chỗ.

 

Năm 1954, các nhà khoa học đã tìm ra chất benzen gây ung thư trong khói thuốc lá. Năm 1974, người ta lại tìm ra chất crizen và hợp chất của metyl với hàm lượng gấp 5 lần chất benzen. Những chất này khiến động vật nhiễm phải đều mắc bệnh ung thư với tỷ lệ 100%. Năm 1977, lại tìm ra chất metyl hiđrazin gây bệnh ung thư với 0,15 miligam trong mỗi điếu thuốc.

 

Nam nữ thanh niên hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng xấu tới thế hệ sau, nhất là phụ nữ hút thuốc lá trong thời gian có thai dễ bị đẻ non, thai nhi nhẹ cân, thể chất giảm sút dễ sinh bệnh tật. Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng xấu đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến những người xung quanh tuy không hút thuốc cũng thành "hút" khói thuốc lá và dễ bị ung thư. Nhiều nghiên cứu từ trước đến nay đã khẳng định, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh dẫn đến tử vong lớn nhất thế giới với hai bệnh đặc trưng là ung thư (phổi, vòm họng) và tim mạch.

 

TạiViệtNam, điều tra y tế quốc gia cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành là 56,1% và nữ giới là 1,8%. Theo công bố của Hội Y tế công cộng Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 trường hợp tử vong do thuốc lá. Theo cảnh báo của WHO, nếu Việt Nam không làm tốt công tác phòng, chống, sẽ có khoảng 10% dân số bị chết sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

 

Thuốc lá còn gây những tổn thất lớn về kinh tế cho từng gia đình và xã hội với thiệt hại tính chung trên toàn thế giới lên tới 200 tỷ USD mỗi năm. Tính riêng tại Việt Nam là 8.213 tỷ đồng chi cho thuốc lá mỗi năm. 11,3% hộ nghèo có người hút thuốc sẽ thoát nghèo nếu số tiền chi cho thuốc lá được dùng để mua lương thực.

 

Tự do cá nhân?

 

Ngày 31 tháng 5 hàng năm là Ngày Thế giới không Thuốc lá – ngày nêu bật những nguy cơ của thuốc lá đối với sức khoẻ và ủng hộ những chính sách hiệu quả nhằm giảm lượng tiêu thụ thuốc lá.

 

Chủ đề của ngày Thế giới không Thuốc lá năm nay là “Giới tính và Thuốc lá”. Trong ngày này, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân đến tác hại của khói thuốc lá và cả những tác hại của việc tiếp thị thuốc lá đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 
 
Những hình ảnh này có khiến người ta sợ hút thuốc lá?

Năm 1987, các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đề ra Ngày Thế giới không Thuốc lá nhằm thu hút sự chú ý của tất cả mọi người đến nạn dịch thuốc lá và các bệnh tật, sự chết có thể phòng ngừa do thuốc lá gây ra.

 

Để thực hiện nguyên tắc người tiêu dùng phải được thông tin đầy đủ về tác hại của sản phẩm tiêu dùng, đồng thời để thực hiện điều khoản quy định của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc và đem lại hiệu quả cảnh báo rất cao.

 

Ở nước ta, lời cảnh báo  "Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe" đã được in trên vỏ bao thuốc từ năm 1996. Hàng loạt các quy định về việc cấm hút thuốc lá đã được Chính phủ, các bộ ban hành, thông qua các nghị quyết, nghị định, chỉ thị.

 

Nhưng trên thực tế, những quy định này đã không mấy đi được vào cuộc sống. Ngay tại những sân bay, nhà ga, rạp chiếu phim, trên xe khách, hay thậm chí trong các bệnh viện, giảng đường, vẫn rất dễ bắt gặp hình ảnh những người đàn ông thản nhiên châm thuốc, còn những người xung quanh coi là chuyện thường tình, hoặc nhăn mặt quay đi, chứ không mấy ai lên tiếng nhắc nhở.

 

Vì lẽ gì? Thói quen, hay sự thiếu ý thức đối với cộng đồng, thiếu quan tâm đến những người xung quanh? Hay cho rằng cái lựa chọn hút thuốc hay không thuộc về tự do cá nhân?

 

Thải những chất độc hại vào không khí, môi trường là một tội, chứ không phải lỗi, vì tác hại của nó cực lớn, và vì đã ở năm 2010, quá muộn để nói tôi chưa từng được nghe về tác hại của thuốc lá. Dư luận hoang mang vì tương ớt chứa sudan, nước tương chứa 3M-CPD, thịt chứa chất bảo quản, bất bình vì Vedan thải chất độc hại ra môi trường, bức xúc vì ô nhiễm không khí xuất hiện như một hệ quả của khói độc từ các nhà máy. Thế mà, đa số chúng ta lại thản nhiên nhìn hàng triệu “ống khói di động” phun chất độc vào không khí ta đang hít thở là sao? Phải chăng thuốc lá là loại chất gây độc hại được ưu tiên?

 

Trần Nguyên

Bạn nghĩ sao về tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng ở Việt Nam? Bạn có những bức xúc muốn chia sẻ về vấn đề này? Bạn có ý tưởng gì để Ngày thế giới không khói thuốc có ý nghĩa thiết thực hơn với mỗi người? Hãy chia sẻ qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn