Theo một thống kê, điếc đột ngột chiếm tỷ lệ 5 – 10 ca/100.000 người, ước tính một năm có khoảng 15.000 ca điếc đột ngột mới trên thế giới.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, số bệnh nhân bị điếc đột ngột có xu hướng ngày càng tăng. Nếu năm 2012, trung bình mỗi tháng khoảng 67 trường hợp bệnh nhân chẩn đoán bị điếc đột ngột thì năm 2013 là 73 ca/tháng và trong năm 2014 là 93 ca/tháng, khoảng 3 ca/ngày.
Bệnh thường tăng vào những đợt hè và cuối năm. Bệnh nhân đến viện với tâm trạng lo âu hoang mang khi biết mình bị điếc “đột ngột”.
Những ai dễ bị điếc đột ngột?
Bệnh điếc đột ngột có chiều hướng tăng nhanh trong thời đại công nghiệp, đặc biệt có xu hướng xảy ra nhiều với người làm việc văn phòng, học sinh, những người làm việc trong môi trường ồn và công việc căng thẳng. Đáng báo động ở chỗ, bệnh đang có xu hướng gặp nhiều ở người trẻ.
Tuy nhiên, điếc đột ngột có thể xảy ra bất kể lứa tuổi nào. Trước đây, bệnh thường xảy ra ở tuổi trưởng thành và người lớn nhưng hiện nay có cả trẻ nhỏ. Phát hiện bệnh điếc đột ngột ở trẻ em thường khó hơn người lớn.
Nguyên nhân gây điếc đột ngột
Bệnh thường bắt đầu một bên tai (80 – 85%), có thể cả 2 tai (15 – 20%). Triệu chứng đầu tiên của bệnh điếc đột ngột là ù một bên tai rồi nhanh chóng dẫn đến nghe kém, điếc hẳn và có thể điếc đặc. Điếc đột ngột chiếm tỷ lệ 5 – 10 ca/100.000 người, ước tính một năm có khoảng 15.000 ca điếc đột ngột mới trên thế giới.
Một số nguyên nhân khác có thể gây bệnh bao gồm: rối loạn tuần hoàn tai trong, do bệnh tự nhiễm, ảnh hưởng từ các siêu vi trùng trong các bệnh quai bị, sởi, cúm, do khối thần kinh thính giác, do căng thẳng, stress kéo dài, làm việc trong môi trường có tiếng ồn, ảnh hưởng từ bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, biến chứng của cảm cúm, ảnh hưởng từ việc bị ngã...
Thực ra, nguyên nhân điếc đột ngột rất phức tạp, nhiều trường hợp để tìm được nguyên nhân cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như Tai mũi họng, Nội khoa, Tim mạch, Thần kinh, Huyết học, Nội tiết, Dị ứng…
Triệu chứng lâm sàng
Ù tai: người bệnh càm giác tai có tiếng ù, đồng thời nghe kém.
Chóng mặt: người bệnh có cảm giác mất thăng bằng, hay chóng mặt.
Cảm giác đầy tai: người bệnh cảm giác như đút nút tai.
Thính lực đồ: thính lực giảm trên 30 dB ở tai bệnh.
Điếc vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm
Vì đây là bệnh mang tính cấp cứu nên việc điều trị phải được tiến hành ngay khi phát hiện mắc bệnh. Điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao. Nếu điều trị trong 24 giờ đầu, thính lực có thể hồi phục hoàn toàn, nếu điều trị ngay trong tuần đầu, khả năng khỏi trên 85%. Sau một tuần chỉ còn khoảng 25%, còn nếu chậm trễ sau 3 tuần có thể điếc vĩnh viễn.
Do điếc xảy ra đột ngột, nguyên nhân không rõ ràng, không có triệu chứng báo trước nên đa phần bệnh nhân tới bệnh viện muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Do việc xác định nguyên nhân khó khăn nên việc điều trị điếc đột ngột chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Cách phòng bệnh điếc đột ngột như thế nào?
Để phòng tránh bệnh điếc đột ngột, bạn cần tuyệt đối không để bị chấn thương ở vùng đầu (tai); không lấy ráy tai bằng dụng cụ chung hoặc đưa vật lạ vào tai vì dễ gây viêm nhiễm và tổn thương cho tai; Tránh stress, cần có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý; tránh những nơi có tiếng ồn lớn; Hạn chế nghe nhạc bằng tai nghe để kiểm soát âm thanh.
Chúng ta cũng cần tránh không để những trạng thái cảm xúc lên quá mức (giận dữ, bực tức…), tránh làm việc trong tiếng ồn lớn quá nhiều.
Khi làm việc căng thẳng, đang bị bệnh nhiễm siêu vi hay vừa trải qua cú sốc tình cảm… mà bị ù tai (có người kèm theo chóng mặt), giảm thính lực đột ngột thì phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sỹ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bình luận