Anh Hà, một trong những lái xe quét hút rác của Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội, vẫn phải làm việc xuyên Tết. Anh cho biết đêm giao thừa, do lượng rác quá lớn nên phải làm đến 2h sáng. May mắn do truyền thống không quét nhà, vứt rác ngày mùng 1 Tết nên công việc của anh có nhẹ nhàng hơn.
Phải làm việc ngày đầu năm, người đàn ông này chia sẻ cảm thấy hơi buồn nhưng anh xác định mình làm nghề phục vụ nên phải chấp nhận. Hơn nữa, nhìn đường phố sạch sẽ, vắng vẻ, anh cũng cảm thấy vui.
Ông Kỳ, quê Thái Bình, là bảo vệ cho một nhà hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch. Lúc đầu, khi biết ông phải trực hết Tết, vợ con bác phản đối khá nhiều. Nhưng do yêu cầu của công việc, ông không có cách nào khác. Tuy vắng gia đình, nhưng đêm 30 Tết ông đứng trước cửa hàng, hoà chung niềm vui giao thừa với những người mượn chỗ bán bóng bay, ông cũng thấy ấm áp.
Mặt khác, làm ngày Tết được tăng lương gấp 6 lần ngày thường nên ông chỉ cần trực qua Tết là coi như có thêm một tháng lương nữa.
Cửa hàng bún riêu của bà Lân (Phố Bạch Mai) không nghỉ mà mở cửa xuyên Tết. Bà cho biết do các hàng khác nghỉ nhiều nên lượng bún bán ra của bà tăng vọt từ 15-20 kg bún thường ngày lên 50 kg bún trong ngày mùng 1 Tết. Ba mẹ con bà thay nhau bán hàng liên tục từ 21h hôm 30 Tết đến tận chiều mùng 1.
Bà chia sẻ: "Tuy khá mệt nhưng không mấy khi có cơ hội tốt, khách đông, lại được ngồi nhờ trước một cửa hàng mặt đường đã đóng cửa nên phải cố gắng".
Đã thành thói quen, cứ mỗi chiều chị Từ Hải Thanh lại dẫn bé Từ Thu Phương ra bên đường Trần Khát Chân để bán hàng rong. Bé Thu Phương bị động kinh và viêm da cơ địa từ nhỏ nên không thể tự ở nhà một mình.
Ngày Tết ở nhà cũng buồn mà lại không kiếm ra tiền nên mẹ con dọn hàng sớm. Tuy nhiên, sau gần 2 tiếng, chị Thanh vẫn chưa bán được gì.
Anh Bùi Văn Thuyên tranh thủ thời gian chờ khách để nghiền ngẫm cuốn Kinh thánh. Là người theo đạo Thiên chúa, Tết với anh không quá quan trọng nhưng cũng là dịp để gia đình sum họp.
Tuy nhiên, năm nay vợ anh mới sinh em bé được 20 ngày, chưa thể di chuyển nên anh ở lại thủ đô vừa chạy xe ôm kiếm thêm, vừa tiện chăm sóc vợ.
Đã 20 năm không có Tết nên anh Lê Đức Chiến, nhân viên trông xe của công viên Thống Nhất không còn buồn nhiều khi không được ở bên gia đình. Anh Chiến cho biết tối 30 Tết công viên có bắn pháo hoa nên lượng người đến khá đông. Sau đó, người dân ở lại ăn uống nên mãi 3h sáng anh mới được về.
Hôm nay lại phải trông xe tiếp nên anh khá buồn ngủ. Tuy nhiên, anh vẫn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để người dân đi du xuân được an toàn, thuận lợi.
Mới chuyển sang nghề bán xăng nên Tết Mậu Tuất là lần đầu tiên anh Đỗ Việt Dũng không được ở bên gia đình. Do may mắn chỉ làm ca từ 14h đến 22h, tối qua anh vẫn kịp về đón giao thừa với vợ con.
Mùng 1 Tết đã phải đi làm, anh nói cũng hơi buồn nhưng người đàn ông này nghĩ nếu không ai bán xăng thì mọi người không thể đi chơi vui vẻ được nên anh cố gắng vượt qua.
"Mình có thể nghỉ Tết nhưng người dân không dừng đun nấu vì hết gas", với chia sẻ đó nên anh Phạm Tiến Việt và nhiều nhân viên giao gas khác vẫn phải làm xuyên Tết. Trong buổi trưa mùng 1 Tết, anh đã đi giao hơn 10 bình gas, không giảm so với ngày thường.
Ngày Tết cũng như ngày thường, bà Hảo vẫn ra bán nước trên vỉa hè phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng). Tuổi đã cao bà vẫn phải nuôi cháu nội do con dâu đẻ xong thì bỏ con lại mà đi. “Ngày Tết ai cũng muốn ở nhà chơi, đi thăm họ hàng nhưng khó khăn quá nên tôi mới phải ra vỉa hè kiếm vài chục nghìn”, bà Hảo chia sẻ.
Video: Vẻ khác thường của đường phố Hà Nội sáng mùng 1 Tết
Bình luận