Dù không trực tiếp cầm súng nhưng họ có sự đóng góp không nhỏ trong chiến công chung của cán bộ, chiến sĩ Hải quân.
Trong chiến công chung của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa có rất nhiều đóng góp thầm lặng của những người lính không trực tiếp cầm súng. Họ là người lính công binh, lính thông tin, bác sĩ quân y trên các điểm đảo, cho tới người thợ máy, anh nuôi trên mỗi chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ và lương thực- thực phẩm từ đất liền ra đảo.
Khi được hỏi về điều lãng mạn nhất trong cuộc đời người thợ máy, anh lính trẻ Nguyễn Văn Huỳnh nói với vẻ mơ màng: "Đứng giữa 2 khối máy, cảm nhận khối động cơ rung lên, rồi từng bộ phận trên cơ thể của mình cùng hòa chung nhịp điệu với khối máy, cảm giác đó phấn khích hơn bao giờ hết. Và sau đó là nghĩ về trách nhiệm duy trì nhịp rung ấy!". Hơn thế, anh chàng thợ máy còn ngâm nga bằng giọng Quảng Bình mấy câu thơ:
Trai máy có lợi thế chung
Trơn tru dầu mỡ ai dùng mê li
Nóng máy thì cháy bugi
Yêu trai bên máy cực kì yên tâm
Nói là vậy, nhưng Huỳnh lại giãy nảy, chối đây đẩy khi cánh phóng viên chúng tôi đề nghị được xuống thăm quan hầm máy chiếc tàu HQ 571. Lý do không hẳn vì yếu tố bảo mật quân sự, mà bởi… say sóng và tiếng ồn.
Không chỉ có các phóng viên hay cánh lính sắp ra đảo, ngay chính những người lính hải quân trên tàu cũng khó tránh khỏi cảm giác quay cuồng, hoa mắt, ruột gan cồn cào khi đối mặt với những ngày gió mùa, biển động, nói gì tới việc trực canh, trực ca dưới hầm máy, nhốt mình vào cái "lò bát quái", đằm trong tiếng máy gầm gào át tiếng sóng sầm sập tràn qua boong tàu.
Các cán bộ, chiến sĩ Hải quân lên đường làm nhiệm vụ trên biển |
Quả thật, có chui xuống thế giới ồn ào, nóng như xông hơi của những người thợ máy, chứng kiến những khuôn mặt nhẻm dầu, bịt nút kín 2 tai, nói chuyện với nhau bằng những ngón tay nếu không muốn gào khản họng…, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào điều kiện làm việc khắc nghiệt của họ.
Ấy thế mà Thượng úy Phạm Thành Đạt, trưởng ngành cơ điện tàu HQ 571, vẫn khăng khăng rằng "cũng chẳng vất vả hơn cánh anh nuôi trên tàu là mấy".
“Bình thường đi trên boong có thể hơi lao đao, nhưng xuống buồng máy thì phải nỗ lực, phải tỉnh táo. Có đôi khi mình làm xong thì mới thấy lao đao, say sóng, chứ lúc dưới buồng máy thì không hề cảm thấy gì”, Thượng úy Phạm Thành Đạt chia sẻ.
Đại úy Trần Văn Huy, Chính trị viên tàu 571, mới đi tăng cường hơn 70 ngày "biển động" ở khu vực Hoàng Sa, khẳng định: “Trên tàu có nhiều nghiệp vụ, mỗi chuyên ngành có đặc thù khác nhau, như công tác kỹ thuật thì nặng nề hơn, hoạt động ở đó ồn ào, nóng bức, anh em ít khi trao đổi, chỉ nặng chất chuyên môn”.
Thượng úy Phạm Thành Đạt khẳng định quyết tâm: "Tàu có lắc, biển có lắc, người có lắc, nhưng tinh thần không được lắc để đưa tàu về đến nơi đến chốn".
“Những lúc sóng gió lên, điều kiện hoạt động rất khắc nghiệt, máy móc, con người hoạt động cường độ cao, con người mệt mỏi nhưng vẫn phải quyết tâm làm việc tốt để tàu đi đến nơi về đến chốn. Điều kiện bình thường thì không nói chi, nhưng nếu sóng gió, máy móc hoạt động trong điều kiện rung lắc thì dễ gặp sự cố. Anh em đều từng gặp phải, nhưng không có gì rắc rối quá lớn. Trong những tình huống như thế, kể cả say sóng như thế nào thì cũng phải đứng đó, giữ vững tinh thần mà nỗ lực vượt qua”, Thượng úy Đạt bày chia sẻ.
Rời khu hầm máy, Đại úy Huy đưa chúng tôi chòng chành theo nhịp sóng, đi về phía cuối tàu. Vừa đi, anh Huy vừa hỏi một cách hóm hỉnh: "Các anh có biết vì sao lính Hải quân thường được gọi là "chim cánh cụt" không?". Hỏi đó, rồi cũng trả lời luôn, lý do bắt nguồn từ cái dáng đi khuỳnh khuỳnh, 2 chân lệt sệt, tay khép sát và thân lắc lư theo nhịp sóng. Vậy ra, lính Hải quân cũng có "bệnh nghề nghiệp"!
Công tác hậu cần thì anh em phải chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ cho cả chuyến đi… Trước chuyến đi phải lên kế hoạch hậu cần sao cho bảo đảm không thiếu hụt, mà cũng không được thừa để bảo đảm tiết kiệm, sao cho anh em ăn uống, sinh hoạt trên biển mà vẫn bảo đảm sức khỏe. Cấp ủy, ban chỉ huy tàu cũng ghi nhận những công việc thầm lặng đó đều là tinh thần trách nhiệm của anh em cán bộ chiến sĩ trên một con tàu.
Nhìn cách Thiếu tá Nguyễn Văn Huyên, quản lý hậu cần kiêm bếp trưởng tàu 571, gồng 2 cánh tay bưng chậu nước sóng sánh, đổ vào nồi cơm quân dụng, đặt trên chiếc bếp được gắn cố định vào vách tường nhà bếp…, tôi không hiểu bằng cách nào mà chậu nước ấy không đổ ụp lên người anh, khi mà sóng vẫn đang nhồi, lắc con tàu dữ dội nhường ấy.
“Đi biển thì điều kiện sóng gió rất vất vả. Tôi được trời phú là không say sóng, nhưng đi biển mà sóng gió thì không ai nói trước được điều gì. Ví dụ như khi biển động mà mình bắc nồi nước lên, sóng đánh đổ ụp nước, tắt bếp, thì mình lại phải bắc nồi nước mới lên để nấu.
Trong quá trình nấu thì thực đơn phải kiểm tra từng phòng để nấu món đó, lúc sóng gió thì lại phải có nhiều món hơn. Mình phải đi từng phòng, ghi lại nhu cầu của từng người, đôi khi có người cần quả trứng luộc hay bát cháo, miếng cháy cơm… Mình luôn phải cố gắng đảm bảo để không thừa đổ đi, chứ gió lên mà nấu nồi thịt, chỉ nhìn mỡ thôi đã khiếp rồi”, Thiếu tá Huyên chia sẻ.
Trong quá trình nấu thì thực đơn phải kiểm tra từng phòng để nấu món đó, lúc sóng gió thì lại phải có nhiều món hơn. Mình phải đi từng phòng, ghi lại nhu cầu của từng người, đôi khi có người cần quả trứng luộc hay bát cháo, miếng cháy cơm… Mình luôn phải cố gắng đảm bảo để không thừa đổ đi, chứ gió lên mà nấu nồi thịt, chỉ nhìn mỡ thôi đã khiếp rồi”, Thiếu tá Huyên chia sẻ.
Thật tình cờ làm sao, anh Huyên chính là người đã nấu cho tôi bát mỳ tôm nóng hổi, khi tôi nằm bẹp giường vì say sóng trên con tàu HQ996 trong hành trình ra Trường Sa 12 năm về trước.
Thiếu tá Nguyễn Văn Huyên cho biết: “Tôi đã có 27 năm phục vụ các đoàn ra biển. Trong quá trình đi, việc đảm bảo một bữa ăn ở trên biển khó khăn gấp bội so với ở trên đất liền. Thứ nhất là điều kiện sóng gió, để phục vụ được các thành viên trên tàu, khi sóng gió anh phải biết nhu cầu để nấu cho anh em.
Khi sóng gió thì người ta có thể chỉ ăn một bữa, nhưng cũng có thể 3-5 bữa. Cháo, mì tôm, cơm, rau, thịt… tất cả đều phải chuẩn bị sẵn, nóng, sốt để mọi người ăn, đảm bảo sức khỏe. Đó thực sự là thách thức. Khi đến đảo thì phải tăng cường đánh bắt, câu cá để cải thiện. Trên biển mọi người muốn có cá tươi, anh em phải thức đêm câu trên tàu”.
Khi sóng gió thì người ta có thể chỉ ăn một bữa, nhưng cũng có thể 3-5 bữa. Cháo, mì tôm, cơm, rau, thịt… tất cả đều phải chuẩn bị sẵn, nóng, sốt để mọi người ăn, đảm bảo sức khỏe. Đó thực sự là thách thức. Khi đến đảo thì phải tăng cường đánh bắt, câu cá để cải thiện. Trên biển mọi người muốn có cá tươi, anh em phải thức đêm câu trên tàu”.
Cơm chín, món ăn được chia theo khẩu phần. Các thành viên tổ hậu cần và phục vụ tíu tít bảo đảm nhu cầu ăn uống của hơn 200 người trên tàu: bắt đầu nấu bữa sáng từ 3h30, rồi 8h lại chuẩn bị cho bữa trưa, cho đến 15h thì nấu bữa tối, chưa kể những bữa ăn phát sinh theo yêu cầu của người say sóng. "Thông báo đã tới giờ ăn cơm, kính mời thủ trưởng và đoàn công tác xuống nhà ăn để dùng cơm” – ngày 3 lần, chiếc loa phát thanh vang lên. Những ai không nằm bẹp giường vì say sóng vui vẻ bước vào bếp tập thể.
Thiếu tá Đinh Xuân Hoàng, Chính trị viên phó của Hải đội 411 - Hải đội có 5/7 tàu làm nhiệm vụ trong chuyến công tác thay thu quân và đưa quà Tết ra đảo dịp Tết- Xuân này, khẳng định: “Chúng tôi quan niệm rằng đã là người lính thì khi lên đường làm nhiệm vụ đều phải nỗ lực cao, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Trong những nỗ lực chung của tất cả thành viên trong hải đội, chúng tôi luôn quan tâm tới những đóng góp thầm lặng của những người lính dưới hầm tàu. Đó là những người thợ máy, những chiến sĩ nuôi quân, và những người phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của mọi người trên tàu. Chúng tôi luôn quan niệm rằng dù là người lính làm nhiệm vụ dưới hầm tàu hay trực tiếp cầm súng , trực canh, trực ca - công việc của họ luôn có vai trò quan trọng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ”.
Trong những nỗ lực chung của tất cả thành viên trong hải đội, chúng tôi luôn quan tâm tới những đóng góp thầm lặng của những người lính dưới hầm tàu. Đó là những người thợ máy, những chiến sĩ nuôi quân, và những người phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của mọi người trên tàu. Chúng tôi luôn quan niệm rằng dù là người lính làm nhiệm vụ dưới hầm tàu hay trực tiếp cầm súng , trực canh, trực ca - công việc của họ luôn có vai trò quan trọng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ”.
Và những người chiến sĩ thầm lặng ấy cũng luôn biết rằng dù phải làm việc trong điều kiện nóng bức, ồn ào hay lắc lư trong những ngày biển động, dông gió, vẫn phải luôn kiên trì bám vững vị trí của mình, để góp phần nhỏ bé của mình vào mỗi chuyến tàu làm nhiệm vụ thành công./.
Nguồn: VOV
Bình luận