• Zalo

Những người giữ lửa SEA Games: Nổi trống lên và nhảy...

Tổng hợpThứ Sáu, 18/11/2011 04:31:00 +07:00Google News

(VTC News)-Không phải quốc gia nào cũng may mắn có được đội ngũ cổ động chuyên nghiệp khi đem quân đi thi đấu ở xứ nguời...

(VTC News)-Không phải quốc gia nào cũng may mắn có được đội ngũ cổ động chuyên nghiệp khi đem quân đi thi đấu ở xứ nguời...

Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống khá nhiều màu sắc với chiếc mũ chada,
Samart Khunsawat trông thật nổi bật trên khán đài phía tây khu liên hợp thể thao Jakabaring Sports City. Anh bắt đầu nhảy theo những giai điệu vui nhộn tạo ra từ hai người bạn chơi trống bên cạnh. Hàng trăm CĐV mang cờ Thái Lan cũng bắt đầu hòa theo nhịp điệu vui nhộn làm rộn ràng cả một góc thi đấu.

CĐV Thái Lan luôn là những người nổi bật nhất trên các khán đài SEA Games 26.

Dưới sân, đội điền kinh 4x100m tiếp sức Thái Lan dù thua chủ nhà và không thể bảo vệ danh hiệu vô địch  vẫn cảm nhận được sự an ủi lớn lao. Đem chuông đi đánh xứ người trong khi quê hương đang lâm vào cảnh lụt lội kinh hoàng, các VĐV đất nước chùa vàng đã được tiếp sức kịp thời từ Samart Khunsawat và những người bạn. Mong ước cháy bỏng của họ không phải là những chiếc huy chương vàng mà là làm sao cho đoàn thể thao Thái Lan có cảm giác như được thi đấu ở nhà.

Sau khi tan trận chung kết cầu mây, Samart cười tươi với giọng tiếng Anh lơ lớ: "Tôi ở đây cổ vũ cho Thái Lan". Rồi anh quay sang nhóm cổ động viên địa phương (người Indonesia) phát âm điêu luyện: "Terima Kasih" (nghĩa là "cảm ơn).

Thực ra, Samart chính là một hoạt náo viên chuyên nghiệp. Anh rất nổi tiếng ở Bangkok. Và nhờ vào nghề nghiệp rất 'độc' này, anh có dịp vi vu khắp nơi trên thế giới miễn phí dưới sự tài trợ của Ủy ban Thể thao Quốc gia Thái Lan.

Chuyến đi Palembang không phải lần đầu tiên Samart tới Indonesia. Anh từng đi Bali cổ vũ Thái Lan trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao Biển châu Á năm 2008. Ngoài ra, các sự kiện lớn như Athens 2004, Bắc Kinh 2008, SEA Games 2009 ở Lào, đều có dấu giày của Samart.

Dù còn nhiều cập rập trong khâu tổ chức song chủ nhà Indonesia ăn điểm trong mắt bạn bè khu vực nhờ đội ngũ CĐV, TNV rất nhiệt tình. 

Mỗi lần ngao du qua các nước, Samart đều học hỏi thêm kha khá vốn từ địa phương. Anh và các đồng nghiệp sẽ nán lại Palembang cho tới khi đại hội thể thao ĐNÁ lần thứ 26 bế mạc vào thứ Ba tới (22/11).

Ngoài Thái Lan, Malaysia cũng là quốc gia có đội cổ vũ bài bản chuyên nghiệp. Với đội ngũ lên tới 11 người được dẫn dắt bởi anh Mansor Abdul Khori, người luôn diện bộ cánh vàng, đen quốc kỳ Malaysia. Không giống nhóm của Samart, Khori và những người bạn được tài trợ bởi một công ty tư nhân chứ không phải bộ thể thao.

Sự chu đáo của nước chủ nhà

Với những quốc gia kém may mắn không có đội ngũ cổ động riêng, họ đã được ban tổ chức 'tiếp lửa' kịp thời. Chính quyền Nam Sumatra vẫn đang
điều động lực lượng gồm hàng trăm học sinh, sinh viên tỏa đến các nhà thi đấu để cổ vũ cho các đoàn thể thao nước ngoài.

Để tỏ lòng mến khách, các tình nguyện viên đều được in áo quốc gia mình cổ vũ. "Chính quyền cung cấp trang phục, giày, mũ cho chúng tôi. Mỗi người được trợ cấp ăn và bồi dưỡng 50-100 nghìn Rp/ngày (khoảng
120-240 nghìn VNĐ)", một sinh viên địa phương cho biết.

"Chúng tôi rất tự hào được khoác lên mình những chiếc áo này. Cha mẹ chúng tôi còn ký lên chúng để biểu hiện sự đồng lòng với cả chiến dịch".

Chính đội ngũ này đã, đang và sẽ là những người thổi hồn cho SEA Games tới những ngày cuối cùng.

Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn