Đầu tháng 1, huyền thoại quần vợt Martina Navratilova, 66 tuổi, thông báo bà nhận chẩn đoán mắc ung thư cổ họng và ung thư vú giai đoạn một.
Bà Martina Navratilova là người đã giành 59 danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp. Trong trận chung kết Hiệp hội Quần vợt Nữ ở Fort Worth, Texas, vào tháng 11/2022, bà nhận thấy cổ mình có một hạch bạch huyết phình to ra.
Khi hạch bạch huyết đó không xẹp đi, bà Navratilova quyết định đi xét nghiệm và sinh thiết. Các bác sĩ xác định bà bị ung thư vòm họng giai đoạn một, do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Họ phát hiện thêm một khối u đáng ngờ trong vú của bà. Sau đó, bác sĩ kết luận bà Navratilova bị ung thư vú giai đoạn một. Dù được phát hiện cùng lúc, 2 căn bệnh ung thư này không hề liên quan đến nhau.
Huyền thoại quần vợt Navratilova cho biết: “Căn bệnh nghiêm trọng thật đấy nhưng tôi nghĩ chúng có thể chữa được. Tôi hy vọng mọi điều trở nên tốt đẹp hơn. Tôi sẽ chiến đấu bằng tất cả những gì mình có”.
Đây không phải là chẩn đoán ung thư đầu tiên của bà Navratilova. Năm 2010, bà thông báo trên Good Morning America rằng mình được chẩn đoán mắc ung thư vú sau một lần chụp tuyến vú định kỳ. Theo ABC News, bà đã phẫu thuật cắt bỏ khối u và trải qua 6 tuần xạ trị.
Theo thông báo trên trang web của mình, bà Navratilova sẽ bắt đầu điều trị vào cuối tháng này. Người đại diện nói thêm: “Cả 2 bệnh ung thư này đều chỉ đang ở giai đoạn đầu, vậy nên, chúng tôi hy vọng việc điều trị sẽ đem lại kết quả khả quan”.
Thông báo của bà Navratilova khiến nhiều người biết đến khả năng mắc nhiều bệnh ung thư cùng lúc.
Ung thư nguyên phát kép là gì?
William Dahut, thạc sĩ khoa học, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), chia sẻ với Very Well Health rằng bệnh ung thư nguyên phát kép là bệnh ung thư mới xuất hiện và không liên quan đến bệnh ung thư trước đó. Mặc dù cả 2 bệnh có thể xảy ra cùng một lúc như trường hợp của bà Navratilova, thông thường, sự xuất hiện của mỗi bệnh sẽ cách nhau một khoảng thời gian.
Theo ông Dahut, ung thư nguyên phát thứ hai có thể xảy ra ở cùng cơ quan hoặc khác cơ quan với bệnh ung thư đầu tiên. Tuy nhiên, khối u mới không có mối quan hệ gen với khối u ban đầu.
Ông Dahut cho biết: “Một phụ nữ thậm chí có thể có các khối u độc lập ở mỗi bên vú, hoặc giống như trường hợp của bà Martina Navratilova, các khối u có thể bắt nguồn từ các vị trí khác nhau".
Các nhà khoa học sử dụng kính hiển vi và thử nghiệm di truyền để xác định nơi các khối u ung thư khác xuất hiện trong cơ thể. Ông Dahut cho biết ung thư ở các cơ quan khác nhau sẽ trông khác nhau dưới kính hiển vi và thể hiện các dấu hiệu phân tử khác biệt.
Ai là đối tượng dễ mắc ung thư nguyên phát kép?
Otis Brawley, thạc sĩ khoa học, giáo sư về ung thư tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, nói với Very Well Health rằng chuyên gia chưa rõ nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của ung thư kép.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra lý do khiến một người có nguy cơ mắc ung thư kép cao hơn. Ông Brawley nói: “Một phần nguyên nhân khiến mọi người mắc các bệnh ung thư là mọi người bị ung thư thôi. Những người mắc 2 bệnh ung thư chỉ đơn giản là do xui xẻo”.
Tuy nhiên, một số đối tượng như những người đã và đang bị ung thư, người được điều trị ung thư hoặc những ai có loại gen dễ mắc bệnh đều có nguy cơ bị ung thư nguyên phát kép cao hơn.
Ông Brawley giải thích: “Đột biến gene hoặc một số phương pháp điều trị ung thư có thể làm tăng khả năng mắc ung thư nguyên phát kép hoặc thứ 3. Ví dụ, các đột biến cụ thể như BRCA1 hoặc BRCA2 khiến cơ thể không thể khắc phục tổn thương DNA, vì vậy những ai có đột biến gen như vậy có nguy cơ bị tổn thương DNA cao hơn, dẫn đến ung thư”.
Giám đốc Dahut cho biết các yếu tố khác có thể dẫn tới ung thư nguyên phát kép bao gồm lối sống, tiền sử gia đình, môi trường, di truyền, thói quen sử dụng các sản phẩm thuốc lá và cồn.
Ông Dahut nói: “Mỗi cơ quan đều có khả năng xuất hiện những khối u độc lập, nhưng một số yếu tố như di truyền, thuốc lá và rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở nhiều cơ quan khác nhau".
Ung thư nguyên phát kép có phổ biến không?
Linda Duska, thạc sĩ khoa học, thạc sĩ sức khỏe công cộng, bác sĩ chuyên khoa ung thư phụ khoa tại Hệ thống Y tế Đại học Virginia (UVA), chia sẻ việc mắc nhiều loại ung thư nguyên phát cùng một lúc là điều không phổ biến.
Nghiên cứu cho thấy 2-17% số bệnh nhân ung thư gặp tình trạng mắc nhiều ung thư nguyên phát. Ông Brawley nói gần 40% người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào một thời điểm nào đó trong đời. Với tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao như vậy, một số người thậm chí có thể mắc 2 hoặc 3 bệnh ung thư.
Ông Brawley cho biết: “Việc bị 2 bệnh ung thư cùng một lúc không thường xuyên diễn ra, nhưng điều đó không có nghĩa là trường hợp này chưa từng xảy ra".
Theo ông, 15% người sống sót sau ung thư sẽ mắc ung thư lần 2. Khoảng 7% trong số đó thậm chí có thể bị bệnh ung thư lần 3.
Mặc dù bệnh nhân ung thư có nguy cơ bị ung thư nguyên phát kép cao hơn người bình thường 2-17%, ông Dahut nói điều quan trọng cần lưu ý là nguy cơ trên thay đổi đáng kể tùy theo loại khối u.
Những bệnh ung thư nào thường xuất hiện cùng một lúc?
Theo bà Linda Duska, một số người có các hội chứng di truyền khiến họ dễ mắc nhiều bệnh ung thư nguyên phát. Ví dụ, gen BRCA khiến mọi người có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng và ung thư vú.
Bà Duska cho biết: “Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung liên quan do HPV cũng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV như ung thư hậu môn và ung thư âm hộ”.
Ngoài các đột biến di truyền hoặc gen di truyền, ông Dahut nói rằng rượu, thuốc lá và các yếu tố môi trường khác cũng có thể gây ra các khối u nguyên phát kép.
Ông nói: “Dùng thuốc lá có thể dẫn đến ung thư đầu và cổ, ung thư phổi và ung thư bàng quang".
Ông Brawley nói thêm các loại ung thư thường xảy ra cùng lúc là ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy và vú, ung thư vú và buồng trứng.
Chữa trị ung thư nguyên phát kép như thế nào?
Đối với bệnh nhân bị ung thư nguyên phát kép, các chuyên gia cho biết từng loại ung thư phải được điều trị riêng lẻ.
Ông Brawley nói: “Chúng tôi sẽ xử lý từng khối u một, như thể đang điều trị cho người chỉ mắc một bệnh ung thư. Ví dụ, trong trường hợp của bà Navratilova, các bác sĩ có thể điều trị ung thư vòm họng trước rồi mới đến ung thư vú hoặc ngược lại”.
Tuy nhiên, chuyên gia Brawley lưu ý trong hầu hết trường hợp, họ sẽ ưu tiên điều trị khối u nào phát triển mạnh hơn và gây ra nhiều tác hại hơn.
Ông Dahut cho biết tùy thuộc vào loại ung thư, quá trình điều trị có thể bao gồm việc phẫu thuật, xạ trị và/hoặc hóa trị. Đôi khi, các phương pháp điều trị được kết hợp với nhau.
Nếu cần xạ trị, các bác sĩ cần lập kế hoạch cẩn thận để điều trị cả 2 loại ung thư một cách an toàn và hiệu quả. Nếu tình trạng bệnh nhân cần sự can thiệp của hóa trị, liệu pháp này sẽ tập trung vào loại ung thư nguy hiểm nhất.
Ông Dahut cho biết thêm: “Nói chung, chúng tôi sẽ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất có thể cho từng loại ung thư. Tuy nhiên, mọi người cũng cần biết rằng xạ trị và/hoặc hóa trị có thể dẫn đến việc khối u nguyên phát thứ hai xuất hiện sau này”.
Bình luận