Những người 'cõng nắng' trên cánh đồng muối trắng tại Bình Định
5h sáng, những tia nắng đầu tiên bắt đầu len lỏi trên cánh đồng muối tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát (Bình Định), nhìn từ trên cao từng thửa muối như những mảnh gương soi.
Tới tiết nắng gắt, sáng sớm là thời điểm thích hợp nhất để người dân bắt đầu một ngày làm muối.
Công việc đầu tiên của buổi sớm là đổ nước biển đã được lọc từ hôm trước lên các ô phơi cho kịp nắng lên.
"Nắng làm, mát nghỉ", mỗi năm người làm muối chỉ có 6 tháng để sản xuất.
Muối phải làm trong ngày, không để qua đêm. Vì thế, người làm muối tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát) luôn phải ra đồng từ sáng sớm và trở về khi tối trời.
Trời càng nắng, muối càng mau tạo hình. Với người làm muối cái nắng bỏng rát da thịt là ưu ái của thời tiết để vụ mùa được bội thu, để những hạt muối thêm trắng trong, tinh khiết.
Nắng càng to, người dân càng cặm cụi làm việc trên cánh đồng muối.
Hiện, người làm muối tại xã Cát Minh đa số là người già và phụ nữ. Do thu nhập thấp và bấp bênh nhiều thanh niên đành bỏ nghề "cha truyền con nối" tìm kế mưu sinh khác.
Những bóng nắng in dài trên ruộng, những con người “cõng nắng” nơi đây đang từng ngày chắt lọc sự tinh túy của biển.
“Nhà tôi hai đời làm muối, vui buồn đều từ hạt muối. Cách đây chục năm, làm muối dù không giàu nhưng ổn định cuộc sống, trung bình mỗi ngày cũng được 120.000 đồng. Vài năm trở lại đây thu nhập không đủ sống, nhưng yêu nghề làm muối rồi, bỏ không được”, ông Nguyễn Xuân Vinh, người làm muối tại xã Cát Minh chia sẻ.
Ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát có gần 600 hộ làm muối.
Người làm muối cứ mải miết cho công việc đến lúc hoàng hôn. Khi mặt trời đang dần dần lui về sau những hàng cây, hình ảnh người dân trên ruộng muối vẫn tất tả những công việc cuối ngày.
Từ trên cao nhìn xuống, con đường làng là ranh giới giữa cánh đồng muối và cánh đồng lúa tại xã Cát Minh. Vẻ đẹp của những cánh đồng muối không phải là phong thủy hữu tình, càng không hào nhoáng mà là vẻ đẹp của những giọt mồ hôi cần cù lao động.
Bình luận