Awer Mabil (Australia)
Awer Mabil, 27 tuổi, từng trải qua nhiều năm sống trong một trại tị nạn ở quê hương Kenya. Như anh chia sẻ, anh lớn lên trong một túp lều, sợ cái đói, sợ bệnh tật và súng đạn. “Bản thân việc sống sót mỗi ngày đã là một chiến thắng”, Mabil chia sẻ với Daily Mail.
Khi cuộc nội chiến ở quê nhà không có dấu hiệu kết thúc, gia đình Mabil đã quyết định chạy trốn. Sau một hành trình dài cả tháng trời, họ đã đặt chân đến Úc vào năm 2006 khi anh 10 tuổi. Cha mẹ Mabil muốn tìm kiếm một cuộc sống mới, tốt hơn cho con cái của họ.
Và họ cũng giúp bóng đá Australia tìm thấy một tài năng lớn. Cầu thủ chạy cánh này giàu tốc độ, thể lực và luôn thi đấu với khát khao lớn nhất. Dù không phải là mẫu cầu thủ khéo léo nhưng anh vẫn là nhân tố quan trọng trong đội hình Socceroos tại World Cup ở Qatar.
Alphonse Davies (Canada)
Với những màn thể hiện ấn tượng tại Bayern Munich, rõ ràng Alphonse Davies là ngôi sao lớn nhất của đội tuyển quốc gia Canada. Anh được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng khi Canada dự World Cup lần đầu tiên sau 36 năm.
Nhưng để có được ngày hôm nay, Davies đã phải trải qua tuổi thơ cơ cực. Anh sinh ra vào tháng 11/2000 tại một trại tị nạn ở Ghana sau khi cha mẹ anh chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Liberia.
Gia đình anh phải vật lộn để kiếm sống trước khi chuyển đến Canada, lúc Davies lên 5 tuổi. Đó là nơi hành trình bóng đá của anh bắt đầu. Với cuộc sống đỡ gian khổ hơn, Davies đã có nhiều thời gian hơn để theo đuổi bóng đá.
Nhờ tài năng, nỗ lực cùng sự dìu dắt của các HLV, anh sớm trưởng thành vượt bậc. Cho đến nay, Davies đã trở thành một trong những hậu vệ trái hay nhất thế giới nhờ tốc độ, sức khỏe phi thường và đôi chân khéo léo.
Eduardo Camavinga (Pháp)
Như Davies, Camavinga cũng sinh ra trong một trại tị nạn. Năm 2002, cha mẹ Camavinga chạy trốn từ Congo sang Angola và phải sống trong trại tị nạn nhiều năm. Tại đây họ đã sinh ra Camavinga. Sau 2 năm sống trong điều kiện tối thiểu ở nơi dành cho những người không được chào đón, gia đình Camavinga đã may mắn được đưa sang Pháp.
Cha mẹ anh bắt đầu một cuộc sống mới tại một vùng ngoại ô gần Rennes. Họ nỗ lực kiếm mọi công việc để nuôi dạy Camavinga cùng các anh em của anh. Mọi thứ tưởng như xuôi chèo mát mái với gia đình Camavinga thì năm 2013, một vụ hỏa hoạn đã đốt sạch căn nhà của gia đình anh, lấy đi mọi công sức mà cha mẹ anh đã vun đắp.
Nhưng trong cái rủi có cái may, Camavinga vốn trước kia theo học Judo, bắt đầu chuyển sang theo học bóng đá từ biến cố này. Bởi anh muốn theo nghiệp cầu thủ để sớm kiếm nhiều tiền hơn.
Và anh đã toại nguyện. Ở tuổi 18, anh trở thành cầu thủ quan trọng nhất của Rennes. Đến tuổi 19 anh sang Real Madrid, vô địch Champions League, La Liga và ở tuổi 20, Camavinga được gọi vào ĐT Pháp dự World Cup.
Với một cầu thủ 20 tuổi, sinh ra trong trại tị nạn và trải qua tuổi thơ khổ cực như Camavinga, rõ ràng đây là một hành trình thần kỳ.
Garang Kuol (Australia)
Garang Kuol sinh ngày 15/9/2004, tại Ai Cập với cha mẹ là người Nam Sudan. Gia đình anh đã trốn khỏi cuộc chiến tranh ở Nam Sudan, ở lại trại tị nạn Ai Cập trước khi họ chuyển đến Australia và được tạo điều kiện sinh sống ở bang Victoria.
Tại đây, Koul biết đến bóng đá và bắt đầu đà phát triển vượt bậc. Chỉ sau vài năm, anh đã được các CLB mạnh nhất của Australia thu nạp. Tiền đạo 18 tuổi này cũng có tên trong danh sách dự World Cup 2022 của tuyển Australia.
Thomas Deng (Australia)
Giống như Garang Kuol, Deng cũng sinh ra tại Nam Sudan và chạy trốn khỏi quê hương vì nội chiến. Nhưng khác ở chỗ trong khi Garang Kuol đến Ai Cập thì gia đình Deng sống tị nạn tại Kenya.
Sau nhiều năm sống trong trại tị nạn với đói khát, bệnh tật, Deng đã được đổi đời vào năm 6 tuổi. Cha mẹ anh may mắn được sang Australia. Nhà anh sống tại bang Adelaide và anh bắt đầu gắn bó với các CLB địa phương trước khi tỏa sáng tại Melbourne Victory rồi ĐT Australia. Hiện, hậu vệ 25 tuổi này đang khoác áo Albirex Niigata tại Nhật Bản và anh được kỳ vọng sẽ là nhân tố dự phòng chất lượng của tuyển Australia tại World Cup 2022.
Bình luận