Thủ khoa ĐH SP HN Vũ Thị Thảo. |
Ngày ấy trong ký ức của cha
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng sự trở về trong ký ức người cha – người luôn túc trực bên Thảo mấy tháng dài nằm viện.
“Bữa đó, chú đang làm ngoài đồng thì nhận được điện báo tin Thảo đau đầu dữ lắm. Biết tính con chẳng hay than vãn, giờ kêu nhức nhối, chắc chắn đó không phải chuyện vừa. Thế là bỏ dở luống cày, chú lao về đưa ngay Thảo lên viện”, chú Thơi – bố của Thảo mở đầu câu chuyện như thế.Chú Vũ Văn Thơi.
Lần ấy, bác sỹ kết luận, Thảo chỉ đơn thuần bị rối loạn tuần hoàn não. Thế là dù bất an, sau 1 tuần cho con nằm viện, chú đành đưa Thảo về. Được 2 ngày, đầu Thảo lại đau dữ dội, đôi mắt cô bị lồi ra và kéo lệch 1 bên. Chú Thơi lại tất tưởi đưa con nhập viện. Hết khoa thần kinh đẩy sang khoa mắt, khoa mắt kiên quyết bệnh là ở hệ thần kinh. Mãi sau, người ta mới kết luận cuối cùng, Thảo bị u não. “Chú không tin nổi vào tai mình. Lúc nghe tin ấy, chú như người mất hồn, chẳng thế suy nghĩ được gì. Mọi hôm nhanh nhẹn là thế, nay bác sỹ bảo đi mua thuốc mà phải hỏi lại 5 lần, 6 lượt, chú mới nghe ra”, bố Thảo bùi ngùi nhớ lại.
Bệnh gì dính dáng đến não, nghe đã nan giải lắm rồi; đằng này lại bị u mà chưa thể xác định dữ - lành. Người cha - trụ cột gia đình biết rằng, nếu tin dữ ấy để Thảo và người thân biết, chắc chắn tất cả sẽ rất hoang mang. Cái sự rắn rỏi và kiên trường của người lính đã giúp chú nén chặt nỗi đau, một mình chịu đựng; chẳng nói với ai kể cả vợ con, anh em về sự thật phũ phàng. Trong đầu người cha khi đó, bộn bề những tính toán làm sao bán kịp thóc lúa, lợn gà; vay mượn.... lo đủ tiền chạy chữa cho con. Ngày Thảo phải lên Hà Nội mổ u, chú chỉ cười xuề: “Con bị đau đầu nhẹ thôi. Bố đưa con lên Hà Nội chữa cho nhanh, ở nhà thì lâu lắm”.
Bố của nữ thủ khoa u não tên đầy đủ là Vũ Văn Thơi. Đó là người đàn ông có dáng người nhỏ bé, nước da sạm màu nắng gió bởi 43 năm dãi dầu với đồng Ruốm Na Mi. Gọi là đồng Ruốm (trũng) bởi đây là vùng trũng nhất của huyện Vũ Thư (Thái Bình). Trận mưa bão số 1 vừa qua, nước ngập trắng đồng. Những nhánh mạ non phải ngoi ngóp giữa sự sống và cái chết, trong cái khắc khoải, lo âu của những người dân thuần nông quanh năm chỉ biết trông chờ vào mảnh ruộng “lấy công làm lãi”.Góc học tập của Thảo.
Ngày Thảo cùng cha lên Hà Nội để mổ u, trời mưa dữ lắm. Cả bệnh viện Việt Đức hôm ấy không còn một giường bệnh trống cho em nằm. Chú Thơi hoang mang không biết phải đưa con đi đâu để “bất cứ lúc nào trục trặc, phải đưa Thảo và phòng cấp cứu ngay” như lời bác sỹ dặn.
Người cha có làn da rạm màu nắng gió trầm tư hút điếu thuốc; đôi mắt mở to nhìn xa xăm. Tôi có cảm tưởng như chú đang trở về giữa ngày mưa dữ dội ấy, giữa những ngày chú phải gồng mình gánh nặng lo toan: Bố mới mất 2 tháng trước, con gái bị u não hiểm nghèo; chật vật xoay tiền cho con lên Hà Nội mổ, việc đồng áng vẫn dở dang, cậu con nhỏ ở nhà đi học phải nhờ họ hàng lo giúp... Có quá nhiều việc đè nặng đôi vai gầy của người cha. Đó cũng là lần đầu, chú không nín nổi lòng, khóc tu tu trước người vợ thân yêu.
Chiều Thảo được mổ, mẹ nước mắt lưng tròng vì không được vào viện trông em. Bố rắn rỏi hơn để chịu được những tin rủi may từ phòng bệnh nên túc trực bên Thảo. 3 tiếng đợi chờ, người cha ấy đứng ngồi không yên. “Bác sỹ bảo chỉ 9, 10h là mổ xong vậy mà hơn 1h đêm, vẫn chưa thấy con được ra. Chú lo lắng, sốt ruột đến phát khóc. Nghĩ bụng chắc rủi ro cho Thảo rất nhiều. Không chịu được, chú bỏ mặc đồ đạc ngoài gốc cây, xông bừa vào các phòng, dù họ đề biển “cấm” để tìm con. Cũng may 45 phút sau, người ta đưa Thảo ra với tin ca mổ thành công”.
"Có lúc em đã nghĩ đến cái chết"...
Bố mẹ giấu không cho Thảo biết bệnh tình; Thảo vẫn tin mình bị rối loạn tuần hoàn não. Hai lần nhập viện ở tỉnh nhà, Thảo khóc như mưa. Khóc không phải vì đau mà bởi tiếc những ngày không được đến lớp. Lòng ham học được người cha hun đúc trong cô từ nhỏ. “Đời bố đã khổ vì không được học hành, con phải học, thay bố thực hiện những ước mơ còn dang dở”, lời thủ thỉ ấy ăn sâu vào tiềm thức cô học trò nhỏ bé. Thương cha, cô quyết chí học hành. 12 năm, Thảo luôn là học sinh giỏi, chưa một lần khiến cha buồn. Căn bệnh quái ác đến với cô ngay giữa lúc đám học trò đang tất bật thi lên lớp. Thảo lo lắm cho thành tích của mình. Bố phải nhờ thầy giáo tới khuyên, Thảo mới yên tâm chữa bệnh.
“Ở Hà Nội, em tình cờ phát hiện mình bị u não. Vào viện, thấy la liệt bệnh nhân, nghe về vô số những ca mổ không thành công dẫn đến biến chứng, em sợ lắm. Đã đôi lần em nghĩ tiêu cực, thậm chí cả về cái chết”, Thảo cúi xuống, mắt đã đỏ hoe.
Khi biết sự thật về bệnh tình, Thảo thương bố mẹ lắm. Cô học trò vẫn cứ lặng im, vô tư, vờ như chẳng hay biết. Bởi cô tiết lộ ra mọi người sẽ càng lo lắng Thảo nghĩ quẩn hơn. Đôi lúc, Thảo mường tượng đến những chuyện chẳng lành. Nhưng ít thôi bởi bên Thảo luôn có mẹ cha, thầy cô và bè bạn, động viên, chăm sóc. Chính những tình thương đó khiến Thảo mạnh mẽ hơn. Em dám đối mặt với bệnh tật, chỉ mong sớm mổ xong để tiếp tục tới trường. Ngày báo lịch phẫu thuật, Thảo khóc tu tu: “Hơn 1 tuần nữa mới mổ, biết lúc nào lại được đến trường!”
Thảo vẫn “học trâu” như lời Hạnh - cô bạn ngồi cùng bàn cấp 2 nhận xét. Bác sỹ và cả gia đình (trừ bố) ai cũng bảo phải nghỉ học 1 năm; nhưng Thảo quyết tâm đến trường chỉ 1 tháng sau ca mổ. May có bố đồng tình. Khi tôi hỏi chú Thơi vì sao dám mạo hiểm sức khỏe của con, chú trầm tư: “Cả nhà ai cũng bắt Thảo nghỉ vì lo sức em không trụ được. Nhưng chú hiểu con hơn ai hết, bắt nó ở nhà, có khi bệnh càng nặng hơn”.
Và thế là lại 12km mỗi ngày, với chiếc xe đạp cũ, Thảo tới trường cùng các bạn. “Đi học vui lắm chị ạ. Dù lúc đó em rất ngại vì tóc em bị trọc hết cả rồi”. Con chim đầu đàn của lớp Sử - trường chuyên Thái Bình ấy lại nhanh chóng bắt nhịp học hành cùng bè bạn. Sau trận ốm “thập tử nhất sinh”, Thảo vẫn rinh về 3 giải thưởng lớn: Nhất môn Lịch sử toàn tỉnh Thái Bình, giải Nhất Olympic lớp 12, giải Nhì Quốc gia môn Lịch sử. Và thành tích thủ khoa khối C toàn quốc (27,5đ) đã chẳng phụ công những tháng ngày vất vả chiến đấu với u não của cả gia đình cô. “Danh hiệu đó là món quà Thảo muốn gửi tới bố – người mình yêu kính nhất cuộc đời”, Thảo tâm sự.
Vết mổ dài chỉ còn là vệt trắng mờ phía sau đầu cô học trò bé nhỏ nhưng bệnh của Thảo vẫn chưa khỏi tận gốc. Những ngày tới, Thảo sẽ phải vừa lên giảng đường, vừa lo chữa trị. Tôi chợt nghẹn lòng nhớ lời nói vui mà thấm đẫm tình người của người dân đất đồng Ruốm: “Mày không đỗ (ĐH) thì mày chết với tao/ Mày đỗ thì tao chết với mày”.
Quỳnh Trang
Bình luận