• Zalo

Những ngày cuối năm, nhấp chén trà tâm giao

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 19/12/2013 10:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Uống trà đã trở thành sinh hoạt văn hóa chứa đựng nhiều tâm tình của người Việt.

(VTC News) - Từ bát nước chè xanh tâm tình xóm ngõ đến những cốc trà đá vỉa hè, những trà quán cầu kỳ hay bên bàn tiếp khách của mỗi gia đình, uống trà đã trở thành sinh hoạt văn hóa chứa đựng nhiều tâm tình của người Việt.

Đã có nhiều người đi tìm đạo cho trà Việt, đó cũng là một ý tưởng. Nhưng xét cho cùng, thú uống trà của Việt Nam không trọng ở tính cầu kỳ, nghi thức mà giản đơn, gần gũi trở thành một phần cuộc sống của người dân.

Nếu như mỗi quốc gia hình thành nên một định danh văn hóa gắn liền với trà như trà đạo Nhật Bản, Trà kinh Trung Hoa, Trà thiền gắn với văn hóa Phật giáo thì người viết tạm định danh văn hóa trà Việt là tình trà, chén trà của tình nghĩa, chén trà tâm giao trong câu chuyện xóm giềng, bằng hữu.

Là một trong những cái nôi của cây chè, từ xa xưa, bát nước chè xanh đã gắn liền với đời sống ẩm thực của người dân quê Việt Nam.

Bên vườn nhà mỗi người đều có vài khóm chè tươi. Trước hết và quan trọng, nước chè chính là thức uống hàng ngày của đa phần người dân.

Bên bát chè xanh, mọi người quây quần bên nhau mỗi sớm, mỗi trưa hay những đêm hè oi ả; Nồi nước chè theo người dân cày ra bờ ruộng, theo người lên rừng, đi rẫy với những ấm đất, bát sành.

Bát nước chè trở thành chất xúc tác cho những tình cảm thôn xóm láng giềng, bầu bạn sớm trưa và khoản đãi khách gần xa.

văn hóa
Khi mà miếng trầu dần dà không còn là ‘đầu câu chuyện’ nữa, chén trà vẫn là mối giao kết, là xúc tác, là chứng nhân của mối liên hệ tình cảm, giao tiếp tình thân giữa người với người.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bên những quán cóc liêu xiêu của phố thị miền Bắc, người ta đã quen với ‘trà đá vỉa hè’. Kiểu uống trà dân dã này đơn thuần là thức giải khát cho người bình dân.

Tuy nhiên, ít nhiều trong đó vẫn chứa đựng tình cảm của những người lao động, trong khi chờ nhau, lúc tranh thủ gặp nhau giữa phố phường chật chội, vội vàng. Bên cạnh đó, những trà quán mọc lên tiếp tục lưu giữ thứ tình trà của người Việt qua tháng năm.

Đó là nơi tôi gặp gỡ bạn bè, nơi anh trao đổi công việc cùng đối tác, nơi đôi bạn trẻ hẹn hò thắp lên tình yêu… và nơi những nhóm bạn gặp nhau ‘tám chuyện’  sau những giờ làm việc căng thẳng.


Rất nhiều trà quán được mở ra bởi những ẩm khách bị trà làm cho mê mẩn đến độ bỏ thời gian nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo nhằm định hình một phong cách trà Việt từ nếp uống trà khắp nẻo quê hương.

Trà quán cũng là nơi nghệ thuật thưởng trà của người Việt được lưu giữ và nâng tầm, dẫu rằng đây đó vẫn phảng phất phong cách các nước láng giềng trong các nghi thức, trong trà cụ và cách bài trí không gian.

Họ cũng là những người tiếp nối dòng thưởng trà đậm tính nghệ thuật của các danh nhân văn hóa Việt từ xưa từ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân… và những dòng trà quý tộc xưa như Trà sen Tây hồ…

Là thứ tình trà gắn liền với các mối giao tiếp trong cộng đồng, những ẩm khách đã thưởng thức và suy tôn thứ trà ngon nhất của xứ Việt- Trà Tân Cương, Thái Nguyên.

Với những đặc điểm đặc thù về khí hậu và thổ nhưỡng, cùng với bàn tay tần tảo của người Thái Nguyên, chè Tân Cường có dự vị tiền chát hậu ngọt, đượm sâu và hương cốm đặc trưng mà không loại chè nào có được.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, chủ thương hiệu Chè Minh Cường (73A Cù Chính Lan, Thanh Xuân)  thì chè Thái Nguyên được chế biến thủ công truyền thống với bí quyết chỉnh lửa bao giờ cũng ngon hơn chè được chế biến theo phương thức công nghiệp.

Mọi người có thể đặt mua đặc sản chè Tân Cương Thái Nguyên ngon thương hiệu chè Minh Cường tại website: http://cheviet.vn/ để sử dụng hoặc làm thức quà biếu tặng bạn bè, người thân đồng nghiệp dịp lễ tết.

Một chén trà ấm nóng giữa mùa đông ấm áp hay chén trà ngày xuân trao gửi thân tình là một điều thật tuyệt vời. Bên chén trà xuân, mọi người thưởng thức, ôn lại chuyện cũ, chúc nhau những điều tốt lành.

Cuộc sống có thể đổi thay, nhưng chén trà vẫn sẽ mãi là nơi ký gửi tình thân, tâm giao, kết nối cộng đồng người Việt với nhau; nơi mang lại cho con người cảm giác thanh tao, tinh khiết.

Và như cảm nhận của nhà thơ Trần Đăng Khoa, chén trà là thứ hương vị đặc biệt dẫn dụ ta về với những ý nghĩ nhân bản, những minh định giữa cõi đời:

Nhấp chén trà thứ nhất
Da thịt bỗng tỏa hương
Đời thực thành cõi mộng
Trần gian hóa thiên đường

Ta nâng chén thứ hai
Cho đất trời tinh khiết
Tâm ta bừng sáng ra
Biết thêm điều chưa biết… (Đầu xuân uống trà cùng bạn)

Phổ Sơn



Bình luận
vtcnews.vn