Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Vũ Phi Hải, Phó chủ nhiệm khoa Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kể: ''Đại tướng Lê Đức Anh nhập viện ngày 17-10-2017. Dù không có quy định, nhưng từ chỉ huy khoa đến các điều dưỡng, nhân viên nấu bếp, ai cũng gọi Đại tướng bằng ông và coi đó như người ông của mình ở nhà.
Hằng ngày, khi vào phòng làm việc, tôi lại qua thăm, khám, kiểm tra sức khỏe cho ông. Còn các chị em điều dưỡng đều bắt đầu ngày làm việc mới bằng những lời chào thân thương: “Cháu chào ông ạ! Hôm nay ông thấy trong người thế nào? Ông có mong muốn gì không ạ?”.
Nếu lúc khỏe, ông sẽ mở mắt, cười, giơ tay chào lại. Còn khi yếu quá, nhất là những tháng cuối đời, ông chỉ mở mắt ra nhìn, đó như là lời đáp từ”.
Kể đến đây, giọng anh Hải lại chùng xuống. Anh Hải cho biết, Đại tướng Lê Đức Anh mang trong mình rất nhiều bệnh, trong đó, điển hình là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận độ 3 và biến chứng sau 3 lần tai biến mạch máu não vào các năm 1997, 2011 và 2017.
Khi nhập viện, Đại tướng trong tình trạng viêm phổi cấp tính, suy hô hấp nặng, không nói chuyện được nhiều. Mọi diễn đạt của Đại tướng chủ yếu thể hiện qua cánh tay phải còn lại.
Ban đầu, chỉ có bác sĩ riêng của ông là có thể hiểu để diễn đạt lại. Sau đó, qua quá trình chăm sóc, điều trị, anh Hải và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nơi đây đã dần quen, có thể đoán được ý của Đại tướng, nhờ đó, việc điều trị thuận tiện hơn.
Ngoài việc gần gũi chăm sóc, động viên, hỏi chuyện, nắm bắt ý muốn của Đại tướng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của khoa đã tìm nhiều biện pháp để giúp ông lạc quan, phấn khởi, yên tâm điều trị hơn.
Từ gợi ý của nhóm chuyên gia người Nhật, các thầy thuốc Khoa A11 đã “chế” chiếc ti vi với màn hình là chiếc máy tính bảng loại 7inch, gắn cố định nằm nghiêng theo hướng nhìn của Đại tướng, sau đó, đấu nối bộ loa để trên đầu của ông, giúp ông có thể vừa nhìn, vừa nghe được.
Nhờ chiếc ti vi này, hằng ngày, ông đều chăm chú theo dõi các tin tức, sự kiện, tình hình thế giới, trong nước. “Đầu tiên, chúng tôi thử lắp đài cho ông nghe, nhưng thấy phản ứng của ông không chăm chú. Sau đó, khi thay bằng chiếc ti vi “mi ni” kia, ông vui hơn hẳn, ngày nào cũng xem một cách say sưa”, anh Hải tiết lộ.
Khi được hỏi về những cảm nhận đặc biệt của mình với Đại tướng Lê Đức Anh, anh Hải trầm ngâm: “Suốt mấy chục năm công tác, dù tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, đủ các thể trạng, vị thế khác nhau, song, tôi chưa thấy ai ở độ tuổi gần 100 mà có nghị lực sống mãnh liệt như ông. Chỉ tính riêng 3 lần tai biến, nếu với người khác, vào độ tuổi ấy, chắc khó lòng vượt qua được.
Có những lúc, khi thực hiện các kỹ thuật phức tạp, chúng tôi thao tác mà còn cảm giác rất đau đớn, vậy nhưng ông vẫn thản nhiên. Giai đoạn đầu vào viện, khi mới điều trị xong viêm phổi, khách đến thăm là ông cố mở mắt, cười chào rồi bắt tay.
Thời điểm ấy, ông còn cố gắng gượng để ngồi dậy và tự ăn, không làm phiền nhiều đến đội ngũ chăm sóc. Các nhân viên nhà bếp rất chu đáo, tận tình, hằng ngày đều lên chào, xin ý kiến xem ông muốn ăn gì. Khi nào khỏe ông ra hiệu ăn cơm, lúc yếu quá thì ông ăn súp, cháo, đặc biệt, có giai đoạn ông còn ăn được cả bít tết bò.
Cách đây hai tháng, bệnh tình của ông nặng dần lên; tuần cuối cùng, hội đồng chuyên môn sau khi hội chẩn nhận định, ông khó lòng qua khỏi nên đã báo cáo trên và thông báo cho gia đình. Theo nguyện vọng của gia đình, ngày cuối cùng, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, phương tiện tại nhà riêng, đưa ông về để ông được đi vào giấc ngủ ngàn thu trên chiếc giường quen thuộc”.
Không riêng Đại tá, BSCKII Vũ Phi Hải, mà những điều dưỡng của Khoa A11 trực tiếp chăm sóc hằng ngày cho Đại tướng Lê Đức Anh, khi trò chuyện với chúng tôi đều cảm phục và chung lời nhận xét: “Suốt hơn 500 ngày chăm sóc, phục vụ, chúng tôi chưa hề thấy ông kêu than.
Ông luôn sẵn sàng hợp tác với y sĩ, bác sĩ và tuân thủ đúng yêu cầu điều trị. Được ở gần chăm sóc, trò chuyện với ông, chúng tôi học được thêm rất nhiều về tinh thần lạc quan, yêu đời, lối sống chuẩn mực, gần gũi, tình cảm của vị Đại tướng tài ba”.
Bình luận