Những mối tình “xuyên biên giới”
Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) là một trong những huyện vùng biên còn nhiều thiếu thốn, khó khăn về kinh tế, nhưng đây chính là nơi ươm mầm những mối tình “xuyên biên giới” đẹp như truyện cổ tích. Đặc biệt là tại xã Ia O, nơi hiện nay có số cặp vợ chồng Việt Nam – Campuchia nhiều nhất toàn huyện với 14 cặp.
Là chị cả của 5 đứa em trong một gia đình người J’rai, bố mẹ mất sớm nên từ nhỏ chị Ksor Bsin (làng Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai) đã phải gánh trách nhiệm là trụ cột gia đình.
Nhà nghèo, thương các em nên dù mới 13 tuổi nhưng chị vẫn một thân một mình sang đất Campuchia buôn bán để kiếm tiền về nuôi em. Những ngày lang thang nơi đất khách quê người chị chịu đói chịu khổ, ai cho gì ăn nấy tằn tiện từng đồng gửi về quê.
Sau những tháng ngày bôn ba, các em khôn lớn chị về lại quê hương lấy chồng, nhưng cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn như chị luôn ao ước. Khi vợ chồng “đường ai nấy bước”, chán nản, chị lại tiếp tục qua Campuchia buôn bán kiếm tiền nuôi con.
Mới nhìn mình đã ưng nó ngay, nhưng không dám thổ lộ vì nó đã có vợ con rồi. Mình bỏ về Việt Nam thì mấy tháng sau thấy nó theo về.
Chị Bsin
Tại đây, lần đầu tiên chị gặp anh Rơ Châm Blon (quốc tịch Campuchia), ngay từ lúc nhìn thấy nhau anh chị đã bị thần tình yêu đánh trúng.
“Mới nhìn mình đã ưng nó ngay, nhưng không dám thổ lộ vì nó đã có vợ con rồi. Mình bỏ về Việt Nam thì mấy tháng sau thấy nó theo về”, chị Bsin e thẹn tâm sự.
Cũng không có hạnh phúc trong hôn nhân nhưng thương hai con nhỏ nên anh Blon vẫn ở với vợ vì muốn con có đủ bố mẹ, khi nghe chị Bsin tâm sự về cuộc đời mình anh đồng cảm và rồi yêu thương. Anh quyết định kết thúc cuộc sống không hạnh phúc rồi dẫn theo hai con sang Việt Nam tìm chị Bsin.
Cảm động trước tấm chân tình của anh, chị và anh nên duyên vợ chồng. Đám cưới không mâm to cỗ đầy, chỉ vài con heo con bò mời bà con trong bản, đến giờ anh chị sống với nhau cũng đã hơn 7 năm và có thêm với nhau hai mặt con. Căn nhà anh chị sinh sống lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười trong sự ngưỡng mộ của bà con láng giềng.
Cũng phải lòng cô gái Việt ngay từ cái nhìn đầu tiên, anh Rơ Mah Thuêng (SN 1982, xã Nhang, huyện Đun Mia, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) đã bị cuốn hút bởi cô gái có đôi mắt sáng Ksor Lel (SN 1987, làng Kom II, xã Ia O, huyện Ia Garai, tỉnh Gia Lai) trong lần dự lễ “bỏ mả” ở nhà họ hàng tại xã Ia O.
Đã từng bất hạnh trong hôn nhân vì vợ mất sớm nên khi gặp chị Ksor Lel, anh không dám thổ lộ tình cảm. Mãi đến khi nghe người ta nói chị cũng từng một lần đổ vỡ trong hôn nhân và đang nuôi con gái, anh mới mạnh dạn tiếp cận.
Do “đồng cảnh ngộ” nên cả hai nhanh chóng cảm thông và yêu nhau.
Sau một thời gian tìm hiểu, chị quyết định theo anh sang Campuchia để “ra mắt” gia đình người yêu và tuyên bố “bắt” anh về làm chồng trong sự ủng hộ của người thân trong gia đình.
Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cả hai đều cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc khi những đứa con chung lần lượt ra đời vào năm 2011 và 2016.
Lãng mạn nhưng còn lắm nỗi lo
Viết lên những câu chuyện tình đẹp nơi miền biên cương hẻo lánh, nhưng một thực tế hiện nay là vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng đang sống trong những điều kiện kinh tế khó khăn, vất vả vì không biết chữ, lại đông con cái.
Bên cạnh đó, trình độ nhận thức cũng còn chưa cao, nhiều cặp thậm chí còn không biết mình không phải là vợ chồng hợp pháp cho đến khi con cái đủ tuổi đi học.
Theo kết quả khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh năm 2016 về tình hình phụ nữ người dân tộc thiểu số lấy chồng người Campuchia tại các huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, có 57 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số kết hôn với người Campuchia, tập trung chủ yếu của 2 huyện: Đức Cơ, Ia Grai. Trong đó có 21 trường hợp chưa đăng ký kết hôn.
Thực tế, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trên khu vực biên giới cũng không quá phức tạp, song do một bộ phận người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng, lợi ích cũng như hệ lụy nên còn thờ ơ. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng cũng nhận thấy mình còn thiếu những giấy tờ cần thiết liên quan đến việc đăng ký kết hôn.
“Mình với nó lấy nhau vậy thôi chứ cũng chưa đăng ký kết hôn. Trong giấy khai sinh mấy đứa con cũng không có tên cha”, chị Ksor Bsin tâm sự. Suốt 7 năm hai anh chị chung sống, anh Blou - chồng chị dù đã tách khẩu ở Campuchia đưa cho công an xã để làm hộ khẩu tại Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa làm xong vì không đủ giấy tờ tùy thân.
Tương tự, gia đình anh Thuêng và chị Lel mãi sau khi những đứa trẻ chuẩn bị đi học anh chị mới biết mình chưa phải là vợ chồng theo quy định của pháp luật. “Hồi xưa có đi đăng ký nhập hộ khẩu với đăng ký kết hôn nhưng công an không cho vì mình không có giấy tờ tùy thân nào cả, họ bảo khó lắm. Giờ thì họ vừa cho mình nhập rồi”, anh Thuêng cho biết.
Vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ đã tổ chức hai buổi tuyên truyền tại xã Ia O (huyện Ia Grai) và Ia Dom (huyện Đức Cơ) để hướng dẫn các cặp vợ chồng có các giấy tờ pháp lý hợp pháp.
Hồi xưa có đi đăng ký nhập hộ khẩu với đăng ký kết hôn nhưng công an không cho vì mình không có giấy tờ tùy thân nào cả, họ bảo khó lắm. Giờ thì họ vừa cho mình nhập rồi.
Anh Thuêng
Sau buổi tuyên truyền, đã có thêm 6 cặp đã đủ điều kiện, nhưng vẫn còn 15 trường hợp là “bất khả kháng” vì không có giấy tờ tùy thân và chứng minh độc thân. Một số người cho biết vì họ rời quê hương đã lâu, có người đi từ những năm 80 của thế kỷ trước nên bây giờ việc quay về Campuchia để làm lại giấy tờ là rất khó khăn.
Đứng trước thực trạng này, bà Nguyễn Thúy Hạnh - Trưởng ban chính sách luật pháp thuộc Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết, hội đang có những công văn yêu cầu các địa phương có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các gia đình.
Bên cạnh đó cũng đang trình Bộ Tư pháp xem xét việc giúp đỡ những người Campuchia của các hộ trên được nhập quốc tịch Việt Nam và đang chờ xem xét. Đến nay, xã Ia Dom đã có 100% cặp vợ chồng “xuyên biên giới” được công nhận hợp pháp.
“Xã có tổng 17 cặp vợ chồng Việt Nam – Campuchia đều là người J’rai, hiện nay đều đã đăng ký kết hôn và có hộ khẩu tại xã, mang quốc tịch Việt Nam sau khi có đủ thủ tục giấy tờ”, ông Ngô Hữu Thiện - Chủ tịch UBND xã Ia Dom chia sẻ.
Việc giúp đỡ những cặp vợ chồng Việt Nam – Campuchia có các giấy tờ tùy thân hợp pháp là một trong những việc quan trọng, thiêt thực. Qua đó nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Campuchia và góp phần bảo vệ biên giới trong tình hình mới.
Video: Chuyện tình thế kỷ của hai ông bà nhặt rác ở cầu Long Biên (Hà Nội)
Bình luận