Lâu nay, phụ huynh chỉ bước vào trong lớp học của con mình một năm đôi lần – họp lớp đầu và cuối năm học.
Hay quá lắm, có một vài phụ huynh xộc thẳng vào lớp học để "hỏi tội" cô giáo hoặc lũ học sinh khi thấy con mình bị đánh ở trường.
Đa phần phụ huynh chỉ biết về bữa ăn bán trú của con qua thực đơn nhà trường thông báo, hay hỏi chuyện con. Thi thoảng lại có một vụ việc gây “chấn động” về bữa trưa của trẻ ở trường, thì hoặc là do chính giáo viên trong trường “chụp trộm” rồi cung cấp thông tin ra ngoài, hoặc là phụ huynh phải lập mưu để vào trường “bắt quả tang”.
Nhưng có một ngôi trường ở TP.HCM từ 3 năm nay “mở cửa” cho phụ huynh vào xem tận giờ học, bữa ăn của các con. Để những việc diễn ra sau cánh cổng trường không còn là sự bí ẩn khiến nhiều phụ huynh thắc mắc khôn nguôi. Đó là Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1.
Sáng ngày 24/10, lớp 5/3 của cô Lê Thị Thanh Tâm có một tiết học trên phòng khoa học. Cả lớp chia ba nhóm, đứng quây xung quanh 3 chiếc bàn tương tác. Tiết học về “Đại từ”.
Ngoài cô - trò, tiết học này còn có sự tham dự của cô hiệu phó Nguyệt Thu, hai cô giáo khác và có hai phụ huynh.
“Buổi học hôm nay tổ chức vào buổi sáng, đúng giờ làm việc nên ít phụ huynh thu xếp được thời gian để đến dự. Hơn nữa, đây là lớp 5, phụ huynh từng tham dự nhiều buổi học của các con rồi” – cô Nguyệt Thu giải thích trước sự băn khoăn của tôi về sự có mặt ít ỏi của phụ huynh.
Buổi học diễn ra vô cùng sôi nổi. Đám học trò hết sức hứng thú với việc sử dụng bàn tương tác. Hai bà mẹ, vốn nhiều lần đồng hành với con trong các giờ học được mời đến như thế này, cũng như bị cuốn vào giờ học…
Cùng buổi chiều hôm đó, cô giáo Thuận Thiên, chủ nhiệm lớp 4/4 cũng đăng ký thực hiện lớp học mở.
Không có vẻ quá chăm chú vào những diễn biến của tiết học, anh Nguyễn Vũ Trường, phụ huynh bé Nhật Thương, thỉnh thoảng vẫn “nghịch” chiếc điện thoại. Anh cho biết mình tham dự những tiết học mở này ngay khi nhà trường mới thực hiện – khi con anh mới học lớp 1. “Bây giờ cháu lên lớp 4, hầu như tôi không bỏ một buổi nào”.
“Tôi rất thích tới những buổi học như thế này”. Là một phụ huynh 8x, anh Trường so sánh “Bây giờ các cháu học khác chúng ta ngày trước quá. Ngày xưa mình học không có máy chiếu, không có máy vi tính cô giáo viết phấn, tương tác giữa học sinh và giáo viên rất hạn chế. Bây giờ công nghệ hỗ trợ nhiều, các bé rất nhanh”.
“Cô giáo luôn mở hướng cho học sinh sáng tạo, tạo sự gắn kết, năng động ở các em”.
Anh Trường chia sẻ lý do mình luôn có mặt ở những giờ học này vì “tôi muốn biết con học như thế nào ở trường, biết phương pháp dạy học của cô giáo để khi ở nhà, nếu cần thiết có thể hướng dẫn lại cho con”.
Ba vị nữ phụ huynh khác thì hào hứng với từng phút của tiết học. Các chị lấy điện thoại ra quay phim, chụp ảnh, bình luận khe khẽ với nhau, tham gia nhiệt tình… làm bài tập với đám trẻ.
Không giấu được sự phấn khích, chị Mai Anh, mẹ bé Quỳnh Thư bày tỏ sự bất ngờ trước những gì được chứng kiến. Chị cho biết vì mấy năm trước còn bận con nhỏ nên mãi đến hôm nay, lần đầu tiên chị mới thu xếp tham dự được lớp học mở của con. “Tôi cảm thấy rất vui. Các bé được học hành không theo kiếu rập khuôn trước đây, mà như vừa được học vừa được chơi. Tôi không ngờ con lại được học vui thế”.
Không có cảnh cả lớp lặng lẽ nghe cô giáo giảng bài, buổi học duy trì được sự náo nhiệt tới phút cuối cùng.
“Có ba mẹ tham dự tụi con bớt quậy hơn, vì sợ về ba mẹ mắng” – Điền Quân thật thà thú nhận.
Bé Nhật Thương thì thỏ thẻ trước khi ra về cùng bố: “Bố mẹ đến trường sẽ tạo động lực cho con học tốt hơn ạ”.
Mô hình “Lớp học xanh - Lớp học mở” được cô hiệu trưởng Lâm Hồng Lãm Thúy triển khai từ năm 2015, khi về nhận công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lâu nay, khái niệm “Lớp học xanh” được nhiều trường tổ chức như một buổi sinh hoạt ngoại khóa. Còn “mở”, như cô hiệu phó Nguyệt Thu giải thích “có nghĩa là phụ huynh và những người “ngoài nhà trường” khác như hướng dẫn viên bảo tàng, cán bộ, nhân viên nơi tổ chức lớp học… tham dự chung với giáo viên và con em mình.
“Trường chúng tôi gần công viên, gần bảo tàng, rất thuận tiện để thực hiện mô hình Lớp học xanh – lớp học mở.
Qua sự phối hợp như thế, nhà trường có thể điều chỉnh lại hoạt động chuyên môn những như những hoạt động khác. Mặt khác, đây cũng là kênh thông tin để giúp cho giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Các bộ phận khác cũng có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.
“Năm nay, lớp học mở diễn ra rất mạnh. Không chỉ lớp học mở mà tất cả các hoạt động của trường đều mở”. Mặc dù vậy, cô Thu cho biết nhà trường không hề ep buộc mà chỉ khuyến khích giáo viên thực hiện, cũng không đưa vào tiêu chí thi đua xếp hạng gì hết. “Tới nay, đã có trên 90% giáo viên chủ nhiệm tổ chức “mở” lớp học cho phụ huynh”.
Nhưng để có được sự phát triển mạnh mẽ như hiện tại, mô hình này ban đầu cũng gặp những khó khăn nhất định, như sự e ngại, thậm chí là lo sợ của một số giáo viên khi phải đưa học sinh đến môi trường học tập khác, với sự có mặt của những “người ngoài”.
Ban Giám hiệu nhà trường đã phải tổ chức một chuyên đề nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Từ đó tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện.
Việc tổ chức cho phụ huynh tham gia lớp học được thực hiện theo từng bước – “mở” trước, “xanh” sau. Phụ huynh tham gia trong lớp học với con em mình trước, sau đó sẽ cùng con ở cả bên ngoài lớp…
Cô Thuận Thiên, giáo viên trẻ mới ra trường 4 năm, nhớ lại “Lần đầu làm lớp mở, có phụ huynh tham dự tất nhiên tôi cũng thấy áp lực. Nhưng qua được lần đầu tiên đó thì coi như đã bình thường”.
Cô Thanh Tâm thì nói để tổ chức một tiết học ở phòng khoa học, làm quen với các dụng cụ hiện đại, giáo viên phải chuẩn bị rất nhiều. Và “các giáo viên trong trường sẵn sàng mời phụ huynh tham gia, mục đích để phụ huynh thấy được con em của mình trong lớp như thế nào, cũng như phụ huynh thấy được để soạn một tiết giảng như vậy, chúng tôi đã tốn thời gian công sức ra sao, để họ cảm nhận và chia sẻ”.
Là một cô giáo thuộc diện lớn tuổi, mới lần thứ ba tổ chức lớp học mở, nhưng cô Tâm đã dự định trong thời gian tới sẽ làm việc này hàng tháng…
Ở ngôi trường này, bữa ăn trưa cho học sinh cũng được thực hiện theo mô hình “mở”. Phụ huynh được mời vào trường xem các em dùng bữa trưa, sự chăm sóc của bảo mẫu...
Và không chỉ có học sinh, giáo viên trong trường cũng có những buổi học chuyên đề “xanh và mở”.
“Chúng tôi mới tập huấn cho các giáo viên trẻ chuyên đề về dạy văn tả cảnh, tổ chức ngay ở Thảo cầm viên. Để không chỉ ngồi ở trong phòng mà tưởng tượng ra dạy như thế nào, các giáo viên sẽ “đối mặt” với những khó khăn mà trẻ gặp phải khi học, để từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp” – cô Thu “khoe”.
Bình luận