(VTC News) – Trong khi 3 bên: Gia đình nạn nhân, bệnh viện và công an chưa đi đến một phương án thống nhất để tìm ra cháu Trường thì xung quanh bệnh viện đã xuất hiện những lời đồn ác ý. Những giả thiết trong vụ việc này đã được đặt ra đầy hoài nghi.
Đến thời điểm này (8/11), gia đình anh Phạm Xuân Chiến và chị Trần Thị Thơm (bố mẹ cháu Phạm Xuân Trường bị mất tích - PV) vẫn đang sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu.
Việc phía bệnh viện và cơ quan công an xác nhận cháu bé mới tìm thấy ngày hôm qua không phải là con trai của anh chị đã bị mất tích trước đó đã khiến cho không khí trong gia đình thêm phần căng thẳng.
Theo tâm sự từ phía người nhà nạn nhân, từ ngày cháu Trường mất tích, đã có rất nhiều người rỉ tai nhau rằng nhiều khả năng cháu bé bị bắt cóc để bán sang nước ngoài làm con nuôi cho các gia đình giàu có hoặc ghê rợn hơn là để lấy nội tạng, phục vụ những âm mưu đen tối.
Cuộc đối thoại 3 bên trong vụ việc cháu bé mất tích vẫn không đi đến một thống nhất cụ thể nào và sự việc vẫn phải chờ cơ quan công an làm rõ |
Những lời đồn ác ý đó cứ lởn vởn mãi, khiến chị Thơm cùng gia đình càng thêm vật vã, chết đi sống lại nhiều lần, đau đớn đến tận cùng tâm can. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những tin đồn này đều là thất thiệt.
Xung quanh câu chuyện này, nhiều lập luận giả thiết đã được đặt ra: Nếu bắt cóc trẻ em để bán ra nước ngoài, các đối tượng sẽ không chọn một em bé mới chỉ hai ngày tuổi bởi mới hai ngày tuổi, thể trạng của trẻ con rất yếu, cần phải được bú bằng 100% sữa mẹ. Thêm nữa, sức khỏe của bé không cho phép di chuyển đi một quãng đường dài.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, việc bán trẻ con sang nước ngoài để lấy nội tạng là vô căn cứ. Cách đây chừng nửa năm, một gia đình ở miền Trung cũng lu loa lên rằng cháu bé 6 tuổi con mình bị bắt cóc, bán sang nước ngoài để phục vụ những mưu đồ ghê rợn. Sự việc nhanh chóng được thêm mắm, thêm muối rồi ầm ĩ trên cả một vùng rộng lớn. Tuy nhiên chỉ vài tiếng đồng hồ sau, cháu bé trở về nguyên vẹn và nói rằng chỉ vì đi chơi mà quên mất cả giờ giấc
Ngoài hai lời đồn đại trên, có nhiều ý kiến vẫn cho rằng, nếu có một kẻ bắt cóc đưa trẻ thì thường là rơi vào những gia đình hiếm muộn bởi áp lực gia đình.
Luật sư gia đình chị Thơm đã gửi đơn lên Viện kiểm sát, Công an Hà Nội và cơ quan tố tụng đề nghị khởi tố vụ án |
Tuy nhiên có một vấn đề được nhiều người nêu ra ở đây là trách nhiệm quản lý về an ninh bệnh viện liệu đã đảm bảo khi mà một kẻ gian giả danh bác sĩ, ngang nhiên đi vào tận phòng của sản phụ đánh cắp trẻ sơ sinh thật, đó là điều khó có thể chấp nhận.
Cũng theo quan sát thực tế của phóng viên, tại nhiều bệnh viện phụ sản hiện nay, khi các thai phụ nhập viện sinh con xong, bà mẹ và trẻ sơ sinh sẽ được bệnh viện bố trí giường, phòng để nằm theo dõi chăm sóc trong một thời gian, ngày giờ nhất định. Lúc nằm trong viện, người mẹ và con được đeo thẻ trùng số nhau để tránh nhầm lẫn khi y bác sĩ chăm sóc, tắm rửa, hoặc cho uống thuốc, tiêm...
Đến ngày ra viện, thì sản phụ sẽ phải thanh toán đầy đủ viện phí và có hóa đơn. Khi xuất viện về nhà, ra đến cổng thì sản phụ phải xuất trình được sổ sách hóa đơn này để chứng minh là mình đã được xuất viện, không bỏ trốn. Còn việc kiểm tra đứa trẻ có chính xác là con sản phụ hay không thì bảo vệ không thực hiện.
Trên thực tế thì quy trình kiểm tra như vậy có lẽ được coi là điều không cần thiết. Bởi sự việc xảy ra như tại BVPSTW từ trước tới nay cũng chưa từng xảy ra.
Về việc này, trong cuộc đàm phán 3 bên, bác sĩ Vũ Bá Quyết - phó GĐ bệnh viện phụ sản TW cho biết, khi sản phụ nhập và xuất viện, thì bệnh viện thực hiện đầy đủ các quy trình để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho sản phụ. Tuy nhiên sự việc xảy ra là một điều đáng tiếc, và cũng chưa từng xảy ra suốt mấy chục năm thành lập bệnh viện đến nay. Khi sự việc xảy ra thì bệnh viện tất nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm.
Nhưng khi sản phụ ra vào viện, có nhiều lý do để bệnh viện khó kiểm soát những vấn đề như trên. Bởi đặt giả thiết, chẳng hạn có những sản phụ và trẻ sơ sinh yếu, họ được đón và đi ra cổng bằng xe ô tô để tránh gió, bảo vệ cũng khó mà bắt phải mở cửa ra, kiếm tra tỉ mỉ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện không chối bỏ trách nhiệm nhưng phải đợi kết quả điều tra của cơ quan công an. Cơ quan công an có kết luận như thế nào BV sẽ nghiêm túc thực hiện theo đúng như vậy, kiên quyết xử lý hợp tình hợp lý.
Theo luật sư Triệu Trung Dũng - Trưởng văn phòng luật sư Triệu Dũng, trách nhiệm cụ thể của bệnh viện trong vụ việc này cũng chưa có một quy định chính xác. Tuy nhiên, trước hết, bệnh viện sẽ phải có những quy định về kỷ luật.
Luật sư Cao Bá Trung, Công ty Luật Hợp Danh Incip, người bảo vệ quyền lợi cho phía gia đình bị hại đánh giá: Hậu quả của vụ việc trên là đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là các y, bác sỹ trong ca trực hôm đó đã thiếu trách nhiệm để một người lạ mặt được vào phòng bệnh nhân trong khoảng thời gian cấm thăm hỏi bệnh nhân dẫn đến hậu quả một cháu bé sơ sinh bị mất tích.
Theo Luật sư Trung, hành vi trên của các y, bác sĩ trong ca trực ngày 03/11/2011 tại bệnh viện có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự vì thế cần phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với những người có liên quan đến ca trực ngày hôm đó.
Lê Phương
Bình luận