Nếu bạn đã từng sử dụng các ví điện tử như MoMo, ZaloPay để thanh toán hóa đơn, hoặc đơn giản là quét mã QR trên các ứng dụng Internet Banking để chuyển khoản, bạn đã chứng kiến sức mạnh của fintech. Cùng với xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng lớn mạnh, fintech cũng nổi lên như một bộ các giải pháp, ứng dụng giúp ngành tài chính, ngân hàng hoạt động hiệu quả, an toàn, và tiện lợi hơn bao giờ hết.
Theo Statista, ngành công nghiệp fintech của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là về lượng đầu tư và số lượng công ty mới, tăng hơn 180% trong giai đoạn 2018-2022. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, thanh toán kỹ thuật số là lĩnh vực nổi bật nhất phân khúc.
Thị trường tài sản kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 19,19% vào năm 2025. Trong thị trường thanh toán kỹ thuật số, số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới 46,87 triệu vào năm 2028.
Vậy Fintech là gì?
Nói một cách đơn giản nhất, Fintech là thuật ngữ được ghép bởi hai từ Finance (tài chính) và Technology (công nghệ), gọi nôm na là công nghệ tài chính. Fintech đề cập đến bất kỳ ứng dụng, phần mềm hoặc công nghệ nào cho phép mọi người hoặc doanh nghiệp truy cập, quản lý, nắm thông tin hoặc thực hiện các giao dịch tài chính.
Trong thập kỷ qua, với sự bùng nổ của các công cụ kỹ thuật số, fintech nổi lên như một phương tiện giúp người tiêu dùng giải quyết nhiều mục đích sử dụng khác nhau - từ ngân hàng và lập ngân sách đến đầu tư và cho vay.
Theo báo cáo về hiệu ứng Fintech của Plaid, người tiêu dùng chỉ ra nhiều lợi ích của việc sử dụng fintech bao gồm tiết kiệm thời gian (58%), có cảm giác kiểm soát tài chính tốt hơn (48%) hoặc tiết kiệm tiền hơn (46%).
Thế nào là một công ty fintech?
Có thể hiểu công ty fintech là bất kỳ công ty nào cung cấp các dịch vụ hoặc ứng dụng tài chính phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Các công ty fintech thường là những tác nhân đột phá trong ngành tài chính - họ sử dụng công nghệ để thay đổi cách người tiêu dùng tương tác với ngành tài chính. Việc này thường bao gồm việc mở rộng quyền truy cập vào các sản phẩm tài chính, giảm phí và cung cấp dịch vụ nhanh hơn, được cá nhân hóa hơn.
Fintech thường được sử dụng như một thuật ngữ tự nhận dạng chứ không phải là một "nhãn hiệu" cụ thể từ một tổ chức giám sát ngành. Ví dụ nổi bật nhất về các công ty fintech là các ứng dụng fintech hoặc ví điện tử.
Nhận diện các loại hình fintech
Fintech bao gồm nhiều loại hình sử dụng trên các thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và thị trường ngang hàng (P2P). Sau đây chỉ là một số ví dụ về các loại công ty và sản phẩm fintech đang thay đổi ngành dịch vụ tài chính.
Fintech trong ngân hàng
Là một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ thống tài chính, dịch vụ ngân hàng đã hoàn toàn bị ngành công nghiệp fintech làm rung chuyển. Những tác vụ như mở tài khoản và cấp vốn giờ đây trở nên nhanh chóng và dễ dàng nhờ công nghệ như xác minh danh tính và OTP.
Ngoài ngân hàng điện tử (e-banking), dịch vụ trực tuyến được các ngân hàng truyền thống cung cấp cho phép khách hàng tiếp cận và quản lý tài khoản ngân hàng qua Internet, những năm gần đây còn nổi lên xu hướng neobank
Neobank là một công ty fintech cung cấp dịch vụ ngân hàng thông qua trải nghiệm hoàn toàn kỹ thuật số. Tức là neobank không có chi nhánh ngân hàng truyền thống, vì vậy mọi hoạt động liên lạc và quản lý tài khoản đều được thực hiện trực tuyến hoặc thông qua ứng dụng di động.
Mặc dù vẫn tồn tại một số trường hợp ngoại lệ, nhưng neobank thường không có giấy phép ngân hàng, nghĩa là họ không trực tiếp giữ tiền gửi của người dùng. Và trái ngược với ý nghĩa của tên gọi, trong hầu hết các trường hợp, họ thực ra không phải là ngân hàng, ít nhất là không phải theo nghĩa pháp lý.
Thay vào đó, neobank thường liên kết với một ngân hàng đối tác lớn hơn, cho phép họ lưu trữ tiền gửi và trong một số trường hợp, thậm chí cho vay những khoản tiền gửi đó dưới một số hình thức.
Bảo hiểm (InsurTech)
Công nghệ được các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để cải thiện và tinh gọn hóa lĩnh vực bảo hiểm. Họ cũng thường áp dụng IOT, AI và phân tích dữ liệu để đánh giá rủi ro, tiếp thị, định giá.
Quy định tài chính (RegTech)
RegTech đang dần nổi lên như một đồng minh quan trọng cho các công ty tài chính trong bối cảnh các khuôn khổ pháp lý liên tục thay đổi. Các công ty RegTech sử dụng công nghệ tiên tiến để tinh gọn hóa các hoạt động nhằm tuân thủ quy định theo cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Để bảo vệ và nhận dạng chính xác người dùng trong các giao dịch kỹ thuật số, giải pháp xác minh danh tính, nền tảng của RegTech, sử dụng xác thực sinh trắc học và xác minh tài liệu. Một tính năng quan trọng khác là báo cáo tự động, tự động thu thập và gửi dữ liệu để đáp ứng kịp thời các quy định.
Khả năng của RegTech còn mở rộng sang các hệ thống chống rửa tiền (AML), sử dụng học máy và phân tích dữ liệu để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động gian lận khả nghi.
Cho vay (LendTech)
Các doanh nghiệp LendTech có mục tiêu hiện đại hóa và hợp lý hóa quy trình cho vay. Các tổ chức này xác định mức độ tin cậy của người vay một cách chính xác hơn bằng cách sử dụng các phương pháp chấm điểm tín dụng và phân tích dữ liệu thay thế. Dịch vụ cho vay ngang hàng loại bỏ nhu cầu sử dụng trung gian bằng cách cho phép người đi vay và người cho vay tiếp xúc trực tiếp. Việc này đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp nhỏ và những người đang tìm kiếm nguồn lực tài chính.
Thanh toán (PayTech)
Các doanh nghiệp PayTech đang thay đổi cách chúng ta giao dịch bằng cách cung cấp các tùy chọn thanh toán tiên tiến ngoài các ngân hàng thông thường. Hệ sinh thái PayTech bao gồm hệ thống thanh toán kỹ thuật số, ví điện tử và phương thức thanh toán không tiếp xúc. Các doanh nghiệp này giảm bớt sự phụ thuộc vào tiền tệ vật chất bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng các phương tiện nhanh chóng, an toàn và dễ dàng giao dịch thông qua công nghệ di động.
Giao dịch (TradeTech)
Các doanh nghiệp TradeTech sử dụng công nghệ để tối ưu hóa các thủ tục giao dịch trong thị trường tài chính. Các công nghệ giúp tối ưu hóa giao dịch có thể kể tên định tuyến lệnh thông minh, giao dịch tần suất cao và giao dịch thuật toán.
Các doanh nghiệp này cung cấp cho các nhà giao dịch và nhà đầu tư quyền truy cập vào các phân tích sâu, dữ liệu thị trường theo thời gian thực và các công cụ thực thi, cho phép họ đưa ra những phán đoán sáng suốt và thực hiện các giao dịch một cách hiệu quả.
Quản lý tài chính cá nhân (PFM)
Định nghĩa của fintech về Quản lý tài chính cá nhân (PFM) là việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ người dùng quản lý tài sản. Các giải pháp fintech bao gồm thiết lập mục tiêu, giám sát điểm tín dụng, quản lý hóa đơn, tiết kiệm & đầu tư tự động, theo dõi chi phí, lập ngân sách và tích hợp tài khoản. Các nền tảng này đặt tính bảo mật lên hàng đầu, cung cấp tài liệu học tập và nỗ lực cải thiện trải nghiệm tài chính của người dùng.
Bình luận