Những lần dự án “mắc cạn”
Dự án chống ngập có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu có tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng, được ký kết giữa UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam, tiến độ hoàn thành 36 tháng (2016-2019).
Sau khi xem xét, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo rút ngắn tiến độ xuống còn 22 tháng (đến ngày 30/4/2018) phải hoàn thành. Tuy nhiên, do bị vướng giải tỏa mặt bằng, nên được 2 bên thống nhất lại, hoàn thành dự án cuối năm 2018.
Tuy nhiên, tháng 5/2018 dự án ngừng thi công khi đã hoàn thành 72% khối lượng.
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, nguyên nhân là do chủ đầu tư (Tập đoàn Trung Nam) tạm dừng tiến độ thi công để chờ điều chỉnh thủ tục giải ngân từ Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Sài Gòn.
Lý do là từ tháng 9/2017, thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán về giá trị giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.
Khi dự án đang được các cơ quan chức năng cố gắng tháo gỡ khó khăn thì công ty tư vấn giám sát dự án lại vướng vào hàng loạt vi phạm.
Cụ thể, thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam (là thành viên của Tập đoàn Meinhardt có trụ sở tại Australia), trong 5 năm qua, dự án nợ Cục Thuế hơn 27,5 tỷ đồng (tổng số tiền phạt, tiền chậm nộp thuế của công ty là 28 tỷ đồng).
Không chỉ nợ thuế, nhà thầu này còn đang nợ bảo hiểm xã hội hơn 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi còn là nhà thầu chính tư vấn giám sát thi công Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Công ty Meinhardt còn nợ Cục Thuế TP Hà Nội hơn 33,6 tỷ đồng và cục thuế này đang nhờ TP.HCM hỗ trợ.
Ngoài vướng mắc về vốn, công ty tư vấn giám sát, dự án còn gặp vấn đề trong giải phóng mặt bằng. Dự án ảnh hưởng tới 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp nhưng đến nay mới có 154 hộ và 25 tổ chức bàn giao mặt bằng.
Do những vướng mắc đó, đến nay, Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn đắp chiếu
Dân mòn mỏi chờ dự án
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là dự án trọng điểm của TP.HCM giúp người dân thành phố thoát ngập. Tuy nhiên sau nhiều năm thi công, dự án vẫn chưa hoàn thành khiến không ít lần người dân phải “bơi trong biển nước”.
Đỉnh điểm nhất, trận mưa chiều 26/9/2016 lập kỷ lục về vũ lượng lớn nhất trong 40 năm qua khiến toàn TP.HCM ngập nặng.
Theo báo cáo, trận mưa chỉ trong khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng đã đạt đến 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay.
Sau trận mưa, 59 tuyến đường trong thành phố xảy ra ngập, chiều sâu ngập từ 0,10 m đến 0,50 m; diện tích ngập từ 100 m2 đến 30.000 m2.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vũ lượng đạt 170,3 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu ngập 0,30, thời gian nước rút khoảng 1 giờ sau mưa.
Mới đây nhất, ngày 25/11/2018, do ảnh hưởng bão số 9 gây ra trận mưa lớn chưa từng có ở TP.HCM về thời gian và lưu lượng nước.
Theo đó, lượng mưa đo được ở các trạm đều ở mức cao, quận 1 là 301 mm, huyện Nhà Bè là 345 mm, huyện Cần Giờ là 293 mm, và cao nhất ở quận Tân Bình là 407,6 mm. Trận mưa gây ra 60 điểm ngập trên toàn TP.HCM.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm trận ngập mà người dân thành phố phải hứng chịu trong những năm qua.
Không ít trận ngập đã gây thương vong về người, nhiều tài sản lớn bị cuốn trôi, hư hỏng. Người dân từng ngày mong chờ giải pháp chống ngập hiệu quả cho thành phố. Trong đó, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được người dân kỳ vọng đi vào hoạt động sớm để “giải cứu” người dân vùng rốn ngập.
“TP.HCM là thành phố đông dân, hiện đại nhất nước nhưng không hiểu sao nhiều năm nay vẫn loay hoay không tìm ra giải pháp chống ngập hiệu quả. Khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được triển khai, người dân rất mong chờ và hi vọng đây sẽ là giải pháp giúp chúng tôi thoát cảnh “bơi trong nước”. Tuy nhiên sau nhiều năm thi công dự án lại dừng hoạt động vì nhiều lí do khiến người dân chúng tôi vô cùng thất vọng”, anh Nguyễn Hoàng Long (ngụ quận 7) nói.
Còn chị Trần Thị Vi (ngụ Nhà Bè) than thở: “Cứ mùa mưa đến, từ ngoài đường vào trong nhà lại ngập nặng, nhiều đêm phải thức trắng để tát nước. Năm nào cũng vậy không hư cái máy giặt thì cháy cái tử lạnh. Khổ nhất là mỗi khi đưa con đi học, xe chết máy, đường ổ gà, ổ voi, té ngã sưng môi, mẻ trán”.
Chị Vi hi vọng năm 2019 thành phố sẽ quan tâm, giải quyết dứt điểm vấn đề ngập và kẹt xe giúp người dân an tâm sinh sống.
Quyết tâm hoàn thành dự án sớm
Trước những vướng mắc dẫn đến dự án ngừng thi công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả của dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, dự án do UBND TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư. Do đó, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án.
Phó Thủ tướng nêu rõ việc tổ chức triển khai thực hiện dự án trên và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thưc hiện dự án là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM cần tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Chính vì vậy, mới đây, tại Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ tái khởi động trong tháng Giêng (tức tháng 2/2019).
Theo đánh giá của ông Nhân, đây là dự án có khởi đầu tốt, nhưng do sự phối hợp của các đơn vị chưa đồng bộ, việc giải ngân chậm nên hiện ngừng thi công. Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo để dự án tái khởi động sau Tết Nguyên đán.
Bình luận