(VTC News) - Không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, khó khăn cả năm.
Người Việt cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng. |
Kiêng quét nhà
Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.
Kiêng đổ rác ngày mùng 1
Phong tục này xuất phát từ câu chuyện của người Trung Quốc. Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có.
Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Nên người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mồng Một thì cũng hết tài lộc của gia đình.
Kiêng đánh thức người khác sáng mùng 1 tết
Gặp trường hợp đi chúc Tết nhà người ta, muốn dành lời chúc cho người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt nhất là vị khách nên chờ dịp khác chứ không được đánh thức anh ta dậy. Không chỉ khách, ngay cả người nhà cũng không nên đánh thức ai trong ngày này, mà phải để người ta tự dậy. Nếu không, người nằm ngủ đó sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.
Kiêng mặc quần áo màu trắng đen
Với người Việt Nam, màu đen- trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo nhiều màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.
Không xuất hành ngày mùng 5
Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.
Kiêng cãi vã, mắng mỏ nhau
Đây là những việc tạo ra sự ồn ào, hỗn loạn và đem lại nỗi buồn cho người khác. Một điều nữa cần nói đến là trong ngày Tết mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình.
Ai cũng tỏ ra vui vẻ, hồ hởi thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân và sợ to tiếng, xô xát thì quanh năm sẽ bị xui xẻo. Do đó, khi Tết đến, mọi người trò chuyện và chơi đùa với nhau trong không gian thân mật, hòa nhã, cùng chia sẻ niềm vui và chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, may mắn. Trong mỗi gia đình, những người thân cũng tránh việc gây bất hòa, to tiếng vì sẽ gây xui xẻo và đen đủi cả năm đó.
Kiêng vay mượn, trả nợ ngày đầu năm
Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Và đây là vấn đề khá tế nhị mà người Việt luôn quan tâm, chú ý để tránh mất lòng nhau.
Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác.
Trong gia đình, ông bà, cha mẹ thường răn dạy con cháu trong dịp tết không nên vay tiền hay mượn đồ đạc của người khác, để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không may mắn trong công việc, làm ăn.
Kiêng cho nước, lửa
Ngày mùng 1 Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa có màu đỏ, màu mang lại may mắn đầu năm mới. Cho lửa là cho đi cái đỏ, cái may mắn trong năm mới sẽ khiến gia đình không giữ được tiền bạc, trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui rủi, ra đường hay gặp tai vạ..
Ngoài ra, cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “Tiền vào như nước”. Thường thì trước khi bước sang năm mới, ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng, năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
Kiêng làm vỡ các đồ vật
Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa từ những vật dụng trong nhà cho đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Đó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới.
Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này phải cẩn thận, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén…sẽ khiến gia đình chia rẽ, bất hòa.
Ngoài ra người Việt còn kiêng ăn thịt chó, cá mè, vịt, cá chuối, mở tủ..vì người ta cho rằng đó là những thứ sẽ không đem lại may mắn cho họ trong năm mới.
Kiêng tắm rửa, gội đầu
Ở nhiều nơi, trong dịp Tết thường kiêng tắm rửa, gội đầu trong ngày Tết bởi e ngại thần tướng hao mòn, kiến thức, tài năng cùng phúc lành đã có trong năm cũ bị trôi sạch. Cũng kiêng giặt giũ vào mồng một Tết vì nó ứng với ngày thủy bá, vị thần của sự sinh sôi, thịnh vượng, việc xả đi nhiều nước sẽ làm tổn phúc lộc.
An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận