Mối quan hệ gia đình có thể khiến PNJ chịu nhiều rủi ro hơn từ Ngân hàng Đông Á so với những gì thể hiện trên báo cáo tài chính.
Ngày 14/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo quyết định đưa Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi kết quả điều tra của NHNN tại ngân hàng này cho thấy nhiều sai phạm về quản lý tài chính, cung cấp tín dụng, và một số hoạt động khác.
Nhiều đồn đoán về các kịch bản của PNJ sau 'vận hạn' của ngân hàng Đông Á |
Ngoài ra, một số nhân sự chủ chốt tại Ngân hàng Đông Á đã bị miễn nhiệm và được thay thế bởi nhân sự từ BIDV. Ngân hàng này sẽ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát Ngân hàng Đông Á.
NHNN cho biết kế hoạch tái cơ cấu Ngân hàng Đông Á sẽ được thực hiện với các ưu tiên hàng đầu là quản lý rủi ro, bảo vệ quyền lợi và vốn của khách hàng gửi tiết kiệm và các bên liên quan.
Tuy nhiên, theo VCSC, mối quan hệ gia đình có thể khiến PNJ chịu nhiều rủi ro hơn từ Ngân hàng Đông Á so với những gì thể hiện trên báo cáo tài chính.
Mối quan hệ gia đình trong cơ cấu sở hữu PNJ và ngân hàng Đông Á. Nguồn: VCSC |
Theo đánh giá của VCSC, trong kịch bản khả thi của PNJ, công ty vẫn có thể ít nhiều kiểm soát quá trình trích lập dự phòng liên quan đến khoản đầu tư dài hạn vào Ngân hàng Đông Á. Theo đó, ước tính lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn có thể tăng 11% so với năm 2014, lên 268 tỷ đồng nhờ lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng mạnh.
VCSC xem đây là kịch bản cơ sở vì không có bằng chứng cụ thể cho thấy NHNN sẽ mua lại Ngân hàng Đông Á, dù các tiền lệ gần đây như Ngân hàng Đại Dương cho thấy khả năng này có thể xảy ra..
Trong kịch bản xấu nhất, NHNN mua lại Ngân hàng Đông Á trong năm 2015 và PNJ bị mất khoản đầu tư. Theo đó, PNJ sẽ phải trích lập dự phòng cho toàn bộ giá trị 340 tỷ đồng còn lại cho khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á trong năm 2015.
Ngoài ra, PNJ đã thế chấp số cổ phần tại Ngân hàng Đông Á cho khoản vay ngắn hạn 126,3 tỷ đồng (chiếm 8,7% tổng nợ ngắn hạn) từ ACB. PNJ cho biết đã thay thế khoản thế chấp này bằng máy móc và nhà xưởng và sự điều chỉnh này sẽ được thể hiện trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2015.
Rõ ràng trong cả hai kịch bản trên, PNJ chỉ chịu ảnh hưởng về mặt lợi nhuận kế toán. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp xấu nhất khi PNJ mất khoản đầu tư 340 tỷ đồng, điều an ủi ở đây là công ty không còn phải ghi nhận khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á nữa.
Việc kinh doanh của Ngân hàng Đông Á đã gặp khó khăn trong thời gian dài và trở thành một gánh nặng treo lơ lửng với PNJ. Thực tế, sự kiện này sẽ đưa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trở thành trụ cột cho PNJ, bù đắp cho khoản đầu tư mất đi và giúp phục hồi giá trị sổ sách.
Tóm lại, VCSC cho rằng, vấn đề Ngân hàng Đông Á không ảnh hưởng đến khả năng tạo ra dòng tiền của PNJ trong tương lai – yếu tố cơ bản dẫn dắt định giá.
"Vẫn có khả năng giá cổ phiếu chịu rủi ro giảm trong ngắn hạn do lợi nhuận bị ảnh hưởng nhưng điều này chỉ là phản ứng tức thời của thị trường và chúng tôi dự báo giá cổ phiếu sẽ phục hồi, phản ánh nền tảng cơ bản mạnh của PNJ", VCSC nhận định.
"Vẫn có khả năng giá cổ phiếu chịu rủi ro giảm trong ngắn hạn do lợi nhuận bị ảnh hưởng nhưng điều này chỉ là phản ứng tức thời của thị trường và chúng tôi dự báo giá cổ phiếu sẽ phục hồi, phản ánh nền tảng cơ bản mạnh của PNJ", VCSC nhận định.
Nguồn: BizLIVE
Bình luận