• Zalo

Những khó khăn trong triển khai giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên

Diễn đànThứ Ba, 11/05/2021 13:01:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại diện Bộ GD&ĐT nêu ra những hạn chế, tồn tại và giải pháp nâng cao giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục hiện nay.

Sáng 11/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm triển khai thực hiện đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là quyết định 1501).

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, sau 5 năm triển khai, đề án đạt nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu sự quyết liệt trong triển khai công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Việc tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến ở các địa phương chưa đa dạng về hình thức, nội dung, thông tin trên các trang mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, xã hội càng phát triển kéo theo những xu hướng, trào lưu mới có dấu hiệu lệch chuẩn trong giới trẻ, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp, hiện tượng thờ ơ, vô cảm của không ít thanh thiếu nhi chưa được khắc phục. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên hiện nay.

Cùng với đó, việc bố trí cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống ở một số trường chưa bảo đảm, còn phân tán; chưa có hợp đồng chuyên trách cho giáo viên làm tư vấn tâm lý tại trường. Các công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa được cụ thể hóa về nội dung và cơ chế thực hiện ở một số địa phương.

Những khó khăn trong triển khai giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, nguyên nhân của tồn tại trên là do một số nội dung, chương trình giáo dục còn nặng về kiến thức hàn lâm; kiến thức lồng ghép trong chương trình các môn học còn ôm đồm, thiếu tính hệ thống; phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chưa lôi cuốn, các hoạt động của phong trào Đoàn, Hội, Đội chưa đủ hấp dẫn…

Nhằm nâng cao hiệu quả đề án trong thời gian tới, Thứ trưởng Minh cho biết, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục trình lên Chính phủ đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống và các tiêu chí đánh giá rèn luyện của học sinh, sinh viên ở các cấp học và trình độ đào tạo. Thực hiện tích hợp nội dung lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức xã hội, kỹ năng mềm… vào các môn học, hoạt động giáo dục.

Bộ đề nghị các trường, địa phương tăng cường cung cấp nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường.

Với các địa phương, Thứ trưởng Minh đề nghị tập trung vào 3 vấn đề: Thứ nhất, người đứng đầu các địa phương sẽ chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, môi trường giáo dục an toàn, phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội.

Thứ hai, đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên làm công tác tư vấn học đường phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đề án, chương trình liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống.

Thứ ba, tăng cường vai trò của chính quyền các cấp, của gia đình trong tham gia quản lý các hoạt động, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên sống có đạo đức, lý tưởng…

Kết quả 5 năm thực hiện các chỉ tiêu theo quyết định 1501:

- 100% cán bộ, đoàn viên và 80% thanh niên được tuyên truyền, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- 99,6% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; 87% cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Các đơn vị còn lại ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa lồng ghép trong Nội quy nhà trường, Quy chế văn hóa công sở hoặc Quy định thực hiện nếp sống văn hóa học đường.

- 100% cán bộ đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi các cấp được bồi dưỡng, tập huấn hằng năm.

- Năm 2018 có 20.060.544/23.085.070 hộ “Gia đình văn hóa” (đạt 86,8%); Năm 2019, có 19 triệu “Gia đình văn hóa” trên 23 triệu hộ gia đình đăng ký (đạt 82,6%). Năm 2020 có 20.405.542/23.489.568 hộ “Gia đình văn hóa” (đạt 86,9 %).

- Tính đến tháng 6/2020, toàn Đoàn đã giới thiệu được 1.136.756 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó có 667.449 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng. 100% thanh niên, HSSV tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, hoạt động lao động tập thể. 135.070 đảng viên trẻ được kết nạp, đạt tỷ lệ 135,07% so với chỉ tiêu.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn