Sau 70 năm, một số loại vũ khí quân sự sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự (LSQS) Việt Nam. Trong đó nổi bật nhất hai khẩu pháo 105 mm và pháo 75 mm từng tham gia chiến dịch.
Riêng pháo 105 mm là một trong nhiều khẩu pháo được lực lượng pháo binh sử dụng bắn mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954 đánh vào cứ điểm Him Lam của quân đội Pháp.
Bắn trúng từ loạt đạn đầu tiên
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, pháo 105 mm đang được trưng bày tại bảo tàng là pháo M2A1 do Mỹ sản xuất viện trợ cho Pháp. Bộ đội ta thu được trong trận đánh đồn Nghĩa Lộ, chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Trọng lượng của M2A1 là hơn 2.2 tấn, chiều dài thân pháo 5.9 m, trong đó chiều dài nòng là 2.3 m. Với kích thước như vậy, để các tổ pháo binh đưa pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ là nhiệm vụ khó khăn.
Thời điểm đó, việc bộ đội ta đưa được những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua bao núi cao, vực sâu vào mặt trận Điện Biên Phủ là một kỳ tích rất lớn. Nhưng càng bất ngờ hơn khi ngay từ những loạt đạn đầu tiên, quân ta đã bắn trúng mục tiêu, làm quân địch vô cùng hoang mang lo sợ. Chính quân Pháp cũng phải thừa nhận: “Đây là những cú bắn bậc thầy!”.
Về lựu pháo M2A1 hay còn được biết tới với cái tên M101A1, là một trng những mẫu pháo chủ lực của Quân đội Mỹ cũng như quân Đồng Minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Pháo 105 mm bắn những loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
M2A1 sử dụng nòng pháo cỡ 105 mm, tầm bắn tối đa hơn 11 km, sơ tốc đầu đạn 472 m/s. Nó thường sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu công sự, chế áp hỏa lực pháo binh nhờ tầm bắn xa, độ chính xác cùng khả năng sát thương cao.
Có tầm bắn xa nhất là 11 km, khi đặt trên hai đỉnh núi cao nhất của dẫy Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ bao xung quanh thung lũng Mường Thanh, pháo binh của ta có thể khai hỏa vào bất cứ vị trí nào trong trận địa của quân đội Pháp.
Một hiện vật lịch sử khác cũng gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đó là những khẩu sơn pháo 75 mm. Mỗi khẩu sơn pháo 75 mm nặng 500 kg. Để đưa vào trận địa, sơn pháo được tháo rời làm 9 bộ phận lớn, mỗi bộ phận phải có 4 người khiêng, 1 quả đạn nặng 25 kg.
Suốt 39 ngày đêm chiến đấu (từ 30.3 tới 7.5.1954) trên đồi E, với một khẩu sơn pháo 75 mm, Khẩu đội 1 do đồng chí Phùng Văn Khầu làm đội trưởng đã phá hủy 1 lô cốt, 5 khẩu pháo 105 mm, 6 khẩu đại liên, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi.
Khẩu đội 1 do đồng chí Phùng Văn Khầu làm đội trưởng đã phá hủy 1 lô cốt, 5 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu đại liên, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch.
Lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh của ta tham gia chiến dịch gồm: 1 trung đoàn pháo lựu 105 mm, 1 trung đoàn sơn pháo 75 mm, 5 tiểu đoàn súng cối,... Đồng thời, các đại đoàn bộ binh: 308, 304, 312, 316 cũng được trang bị súng cối đi cùng.
Tổng cộng ta có 261 khẩu pháo, cối các loại. Để đưa các loại pháo mới có tầm bắn xa, uy lực lớn lên Điện Biên Phủ như: Lựu pháo 105 mm, hỏa tiễn H6, DKZ 75 mm, Bộ đội Pháo binh cùng với các lực lượng khác đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm hàng trăm ki-lô-mét đường, kéo pháo vượt qua các ngọn núi để vào trận địa, tạo thành thế "ngồi trên đầu thù".
Qua 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là hỏa lực mặt đất chủ yếu chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh địch, khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng và chi viện đắc lực cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta, trong đó có nghệ thuật sử dụng pháo binh.
Bình luận