Tôi vốn rất ám ảnh với việc xếp hàng, bởi ở Việt Nam, văn hóa ấy gần như không tồn tại. Nhớ những lần xếp hàng lên cáp treo ở Chùa Hương, Yên Tử, thậm chí xếp hàng để vào viếng một đám tang, tôi cũng bị người phía sau chửi bới, xô cho đến nỗi chân không chạm đất. Họ ào lên, giằng co, kéo đẩy, cuối cùng là tôi luôn tụt lại phía sau.
Lần đầu tiên, tôi thấy một hàng dài được xếp nghiêm ngắn, trật tự, đó là vào năm 2011, khi bức ảnh người Nhật xếp hàng nhận thực phẩm phân phát sau thảm họa sóng thần được chụp lại. Mỗi người đứng trong dãy dài đó, gương mặt đều bình thản, kiên nhẫn, dù họ đều thấy đói, và đang gánh chịu nỗi đau mất người thân, nhà cửa. Tất nhiên, tôi không muốn nhìn thấy dãy dài ấy thêm một lần nào nữa.
Lần thứ hai, tôi ngạc nhiên với một hàng dài, đó là khi cả dãy xe cộ vài km trên một đường cao tốc ở châu Âu được chia làm 2 làn thẳng tắp, ở giữa, chiếc xe cứu thương cứ thế băng băng, đưa người bệnh tới bệnh viện mà không hề mắc kẹt ở đoạn tắc đường.
Tôi gần như “sốc” với hình ảnh này, bởi tài xế nào ở các thành phố lớn Việt Nam, chẳng quá quen với việc mình là một chấm nhỏ trong hàng dài tắc đường đến ám ảnh tâm trí. Mỗi lần tắc đường là tất cả các xe lớn nhỏ ào lên, lấp kín mọi lối đi, kể cả lối khẩn cấp.
Tôi không đến nỗi sính ngoại mà ca ngợi hết lời rồi bỉ bôi chê bai đất nước mình, nhưng nếu ở Việt Nam, tôi cam đoan những hàng dài nghiêm ngắn kia đã trở thành một đám đông khổng lồ, nhốn nháo, ai cũng muốn chen lấn, giẫm đạp người phía trước mà lao lên rồi.
Và chuyện chiếc xe cứu thương mắc kẹt không nhúc nhích nổi, khi làn đường khẩn cấp bị bịt kín, là chuyện đương nhiên, mới hôm qua, hôm kia vừa diễn ra ngay trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Làn khẩn cấp, tôi tưởng ngay từ cái tên gọi đã giải thích đầy đủ lý do cho sự tồn tại của nó. Thậm chí đến cách bố trí cũng rất rõ ràng, khi làn này được cách biệt với các làn xe chạy bằng vạch liền màu trắng, dễ dàng đập vào mắt bất cứ tài xế nào.
Tức là nếu một người bình thường, đầy đủ nhận thức điều khiển phương tiện giao thông, đều sẽ biết đó là làn đường không được phép đi vào, để dành cho trường hợp cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp.
Nhưng không, làn khẩn cấp trên cao tốc Việt Nam, gần như chỉ được vẽ ra “cho vui”, bởi ngay cả khi không có tắc đường, nhiều tài xế vẫn vô tư đi vào “cho nhanh”, vì làn đó lúc nào cũng vắng vẻ, thông thoáng.
Tôi gọi những kẻ lấn làn trên cao tốc là những kẻ không còn sợ chết, cũng không ghê tay khi đẩy người khác vào cái chết thảm khốc.
Những kẻ ấy vì một vài phút nhanh chậm của bản thân, mà sẵn sàng chịu va quệt với xe ở làn đường bên cạnh. Cũng cái tư duy thản nhiên đến đáng sợ này, đã đẩy nhiều người vào chỗ chết không chút thương cảm.
Chiếc xe khách đâm trực diện vào xe cứu hỏa dẫn đến những cái chết đau lòng cách đây 2 ngày, một phần từ tư duy ấy. Những chiếc xe cấp cứu bất lực hú còi giữa biển xe kín mít vài km cao tốc, người bệnh chết ngay trên tay bác sĩ, cũng từ tư duy đó mà ra.
Toàn bộ làn khẩn cấp bị lấn, nghĩa là tài xế các phương tiện cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp còn có thể di chuyển được, buộc phải đi vào đường ngược chiều để kịp thời cứu những mạng sống khác.
Là người bình thường, không ai dại gì đi vào đường ngược chiều, lại là đường ngược chiều trên cao tốc, khi các phương tiện lưu thông với tốc độ lên tới hàng trăm km/h, chỉ có người chọn công việc nhiều nguy hiểm như tài xế phương tiện cứu hộ cứu nạn mới dũng cảm đến vậy. Sự dũng cảm đó, đôi khi phải trả cái giá bằng cả mạng sống.
Cái chết còn chưa gọi tên những người thân ngay bên cạnh mình, hay chính mình, thì sẽ còn hành xử ngu xuẩn và thách thức
Có người nói, đừng mơ thay đổi tư duy của nhiều tài xế hiện nay, đến đi ngược chiều ở làn nhanh nhất trên cao tốc đối đầu tử thần họ còn dám đi, nữa là đi lấn vào làn khẩn cấp.
Cái chết còn chưa gọi tên những người thân ngay bên cạnh mình, hay chính mình, thì sẽ còn hành xử ngu xuẩn và thách thức. Hoặc luật pháp bằng những chế tài đủ mạnh, mới giúp những kẻ lái xe như “không não” kia ý thức được sự nguy hiểm đến từ việc vô tư lấn làn “cho nhanh”.
Chúng ta thường có thói quen dạy trẻ em sợ hãi điều gì đó để dễ dạy bảo. Muốn trẻ em không chạm vào ổ điện thì nói trong đó có ma, muốn trẻ em không đến gần phích nước thì nói “nó cắn”..., càng lớn, nỗi sợ hãi từ những điều vô lý ấy càng biến mất. Thay vào đó là những nỗi sợ hãi “có lý” ở tuổi trưởng thành, cho bản thân, gia đình, khi con người phải sống trách nhiệm.
Con người ta còn biết sợ như vậy, là còn có điều chế ngự và biết đâu là giới hạn, đâu là điểm dừng, còn mong muốn tồn tại. Còn những kẻ đến cái chết không sợ, thì đòi hỏi gì họ nghĩ cho mạng sống người khác. Cứ với tư duy lấn làn đáng sợ như hiện nay, thì e rằng số người chết, những vụ tai nạn thảm khốc chưa có dấu hiệu dừng lại.
Video: Khoảnh khắc xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Bình luận