Chinh phục núi Chúa
Năm 2007, đỉnh Bà Nà hoang vu, đã nhiều năm chìm trong quên lãng. Núi cao, vực thẳm, khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường. Để xây dựng tuyến cáp treo nối từ chân núi đến đỉnh, với yêu cầu bảo tồn tuyệt đối hiện trạng của rừng nguyên sinh Bà Nà, đối với các kỹ sư xây dựng và cáp treo khi đó, quả là một thách thức.
Anh Trịnh Văn Hà, người đã gắn bó với công trình này ngay từ những ngày đầu tiên, nhớ lại: “Con đường tiếp cận Bà Nà dài đến 14 cây số chỉ thấy bên là vách đá, bên là vực sâu, sương mù dày đặc có khi chẳng nhìn thấy mặt người. Khi mưa giăng, khi đường đất trơn trượt, khi lạnh đến cắt da, rồi rắn rết và cả những ngày đói triền miên trong rừng, khi thức ăn không thể đến lán trại vì mưa lũ dài ngày. Nỗi khiếp sợ lớn nhất đối với công nhân kỹ sư nằm rừng chính là mưa lũ. Nhiều lần đang ngủ trong lán, nghe tiếng mưa ầm ầm, chạy ra ngoài bấm đèn pin mới hoảng hồn vì cây to ập xuống chiếc lán mà mình vừa trú ngụ”.
Vậy mà họ đã vượt qua nỗi sợ hãi, sự hiểm nguy, bền bỉ, gắn bó với công trình. Sau hơn 2 năm, hai tuyến cáp treo một dây đạt kỷ lục Guinness về độ dài và độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới đã khánh thành. Bà Nà đã hồi sinh thực sự bằng dáng vẻ và sức sống chưa từng có. Hàng ngàn du khách đã đổ về núi Chúa để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp miền tiên cảnh. 3 tuyến cáp nữa được xây thêm, nhưng nhiều lúc vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Cùng với cáp treo, Sun Group còn xây dựng trên đỉnh Bà Nà ngôi làng Pháp mang đậm kiến trúc Châu Âu, khu vui chơi top 5 khu vui chơi trong nhà lớn nhất Châu Á, hệ thống nhà hàng khách sạn tiêu chuẩn quốc tế cùng chuỗi các lễ hội kéo dài trong suốt cả năm. Bà Nà giờ đây đã trở thành khu du lịch hàng đầu Việt Nam, thành niềm tự hào của Đà Nẵng.
Vượt qua chính mình
Fansipan được mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương. Và nhiều năm trước, đây là cột mốc chỉ dành cho những người có đủ sức khỏe leo bộ hai ngày đường núi hiểm trở, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt gấp nhiều lần Bà Nà.
Đỉnh cao ấy, Sun Group đã cùng với hàng ngàn du khách bốn phương chinh phục nó, bằng hệ thống cáp treo 3 dây lần đầu tiên có mặt ở Châu Á với nhiều kỷ lục: Dài nhất, cao nhất, hiện đại nhất, phức tạp nhất thế giới. Một lần nữa, những con người đã từng nối đất với trời trên đỉnh núi Chúa lại vượt qua chính mình.
Công trình cáp treo ở Bà Nà khó một thì cáp treo Fansipan khó mười, thậm chí gấp trăm lần. Ông Sigrist Reto - trưởng nhóm kéo cáp chính của hãng Doppelmayr Garaventa, người đã từng tham gia rất nhiều công trình cáp treo trên thế giới đã phải thốt lên rằng: “Cáp treo Fansipan là một công trình khổng lồ, một kỳ tích của người Việt. Các đồng nghiệp của tôi sau khi tham gia kéo cáp đều phải thú nhận sẽ không bao giờ nhận thêm một công trình nào như vậy nữa bởi nó quá vất vả và khổ cực.”
Những ngày thi công cáp treo Fansipan Sa Pa đối với những kỹ sư Sun Group là dấu ấn mà cả đời không quên được. Anh Trần Công Mỹ, một trong những người bám dự án cáp treo Fansipan từ những ngày mở đường chỉ cần nhắm mắt là có thể thấy sương giá, thấy gió rít bên tai, những ngày gian khó ấy lại như vừa mới đây thôi.
“Ở Fansipan, anh em công nhân ăn cơm chan máu cam là chuyện thường tình. Việc chênh lệch áp suất khiến họ đổ máu cam, thường xuyên cảm sốt, viêm họng và đặc biệt là ho. Uống kháng sinh nhiều hơn ăn cơm gạo, vượt qua đau ốm cũng bằng niềm tin bởi lấy đâu ra cơm ngon, canh ngọt để bồi dưỡng”, anh Trần Công Mỹ hồi tưởng, “Mùa đông, Fansipan là chiếc tủ lạnh khổng lồ, nền nhiệt có khi xuống còn -7 độ C, khiến con người như tê cứng cả tâm hồn và thể xác. Cứ làm 15 - 20 phút, anh em phải chạy vào hơ tay cho bớt cóng rồi lại ra làm tiếp. Mùa hè, nắng như thiêu đốt phả vào gương mặt phủ đầy xi măng nên chỉ 2, 3 ngày là da anh em lại khô giòn như da heo quay vậy”.
Trong thứ thời tiết ấy, trên địa hình dốc núi cheo leo, trơn trượt, hàng tấn nguyên vật liệu đã được chuyển lên đỉnh Fansipan đều phải thực hiện thủ công, bởi lẽ, yêu cầu đặt ra là không được làm tổn hại đến rừng.
Đi qua những ngày tháng ấy bằng sự bền bỉ, bằng niềm tin rằng vào sự đổi thay của một vùng đất có đóng góp nhỏ bé của mình, những người công nhân như anh Mỹ đã vượt qua chính mình, để biến ước mơ chinh phục đỉnh cao 3.143m của ngàn người thành hiện thực.
Sau công trình cáp treo đến chuyên gia nước ngoài cũng phải nể ấy, Sun Group lại tiếp tục phá kỷ lục của chính mình bằng cáp treo Nữ hoàng tại Sun World Halong Complex với hai kỷ lục Guinness: Cabin có sức chứa lớn nhất thế giới và Cáp treo có trụ cáp cao nhất. Và không bao lâu nữa, một kỷ lục mới sẽ tiếp tục được xác lập với hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất giới nối thị trấn An Thới với Hòn Thơm, trên đảo Phú Quốc.
Phía sau những kỷ lục nối tiếp kỷ lục là những câu chuyện về sự kiên trường, bền bỉ, của những người đam mê thay đổi và kiến tạo những công trình nâng tầm ngành du lịch của đất nước.
Bình luận