Anh Nguyễn Văn Trung thay mặt con trai nhận món quà mừng tuổi từ tay bác sĩ Lê Quang Thanh. Ảnh: K.A. |
Đó là con trai đầu lòng của sản phụ Phạm Thị Hòa (26 tuổi) và chồng là Nguyễn Văn Trung (30 tuổi), quê Thanh Hóa, đang sống và làm việc tại Dĩ An, Bình Dương. Bé nặng 3,15 kg.
Vào tận phòng sinh đón con, anh Trung cảm thấy rất vui, một phần vì bé chào đời vào đúng thời khắc giao thừa, một phần vì bé ra khỏi bụng mẹ sớm hơn dự kiến của ông bố trẻ.
Anh cứ nghĩ phải 1-2 tiếng nữa mới được gặp con. Vợ chồng anh dự định đặt cho bé cái tên rất đẹp: Nguyễn Minh Đức. Mẹ bé mới nhập viện Từ Dũ trước đó khoảng 15 giờ, sau khi có dấu hiệu đau bụng. Đặc biệt, ngày dự sinh theo siêu âm của bé cũng chính là ngày 19/2/2015.
Chỉ 5 phút sau, ở phòng sinh số 4, con gái của sản phụ Ngô Thị Nhất, quê ở Nghệ An cũng oe oe cất tiếng khóc, nặng 4 kg.
Gần như đồng thời, chú dê con ở phòng số 3 cũng ra ngoài để cảm nhận cuộc sống cùng các bạn. Bé nặng 3,35 kg, là con trai của sản phụ Nguyễn Hoàng Cẩm Nhung, ngụ tại Long Xuyên, An Giang.
Điều thú vị là cả hai bé ở phòng số 4 và số 3 đều chào đời lúc 12h05, đều có mẹ tuổi Mùi (hai mẹ cùng sinh năm 1979), và đều có ngày sinh dự kiến theo siêu âm là 11/2/2015.
Ba "con dê nhỏ" chào đời đúng thời khắc giao thừa, lần lượt từ trái sang phải: bé Minh Đức, bé gái phòng sinh số 4 và bé trai phòng sinh số 3 - Ảnh: K,A |
Ngoài ba bé ở phòng sinh số 5, 4, 3, đồng thời, tại Từ Dũ còn có hai bé khác ra đời bằng phương pháp đẻ mổ. Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc bệnh viện đã đến tận phòng sinh trao những món quà của bệnh viện cho 5 em bé đầu tiên ra đời trong năm mới Ất Mùi.
Bác sĩ Quang Thanh cho biết, gần như giao thừa năm nào ở Từ Dũ cũng có bé chào đời đúng thời khắc 12h, bởi mật độ sinh tại đây rất dày. Trung bình mỗi ngày, tại bệnh viện đầu tuyến về sản của 32 tỉnh thành phía Nam này có khoảng 180-200 em bé chào đời.
Tết Ất Mùi, các bác sĩ, hộ sinh của bệnh viện dự kiến vẫn đón khoảng 170 bé mỗi ngày. Ngay trong đêm giao thừa Át Mùi, có hơn 40 sản phụ đang chờ sinh, bằng cả phương pháp đẻ thường và đẻ mổ.
Năm thứ ba liên tiếp đi trực đúng giao thừa, nữ hộ sinh Dương Thị Như Mai cảm thấy rất vui với không khí ấm áp, bận rộn tại bệnh viện.
Nếu như trước khi ra khỏi nhà, chị cảm thấy buồn vì việc nhà còn bề bộn, vì không được cúng lễ giao thừa ở nhà, thì khi đến bệnh viện, được hòa mình vào không khí đón những công dân tương lai, không khí đón giao thừa cùng đồng nghiệp, nỗi buồn đã tan biến chỉ còn lại niềm vui.
Giúp các sản phụ sinh con theo ý nguyện sau giao thừa, để bé được trọn vẹn trong một tuổi, khiến chị rất hạnh phúc.
Nguồn: VnExpress
Bình luận