Xuất hiện trong chương trình phát sóng "Thiếu niên mở lòng" của Đài truyền hình Bắc Kinh, cậu bé Hà Nhất Khải trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Trung Quốc.
"Bố mẹ rất yêu cháu. Ở nhà, cháu chẳng phải làm gì cả, bố mẹ làm hết cho cháu", cậu bé 8 tuổi kể.
6h sáng mỗi ngày, mẹ của Hà dậy làm bữa sáng cho con trai. 6h55, bố của em chuẩn bị một bình sữa ấm nóng và mang tới tận giường cho cậu con trai vẫn đang ngái ngủ.
Sau đó, bố bế Hà xuống cầu thang để em ngồi vào bàn. Mẹ sẽ chuẩn bị bát đũa và đút cơm cho cậu quý tử.
Hà chẳng phải đụng tay làm bất cứ thứ gì, kể cả lau miệng.
Sau bữa cơm, mẹ đưa Hà đi đánh răng. Khi con trai đang dần tỉnh ngủ, mẹ của Hà sẽ chuẩn bị cặp sách và đưa em ra ngoài. Khi ra khỏi nhà, Hà không cần phải xỏ dây giày. Mẹ em sẽ lo việc đó.
Xong xuôi mọi việc, bố chở Hà tới trường học.
Các vị khách mời tham gia chương trình tỏ ra ngỡ ngàng về cuộc sống như một ông vua con của cậu bé 8 tuổi.
Chuyên gia giáo dục Lan Hải - khách mời của chương trình cho biết, ở Trung Quốc kiểu nuôi con như gia đình Hà Nhất Hải chiếm khoảng 20%.
Các chuyên gia cho rằng cách thức nuôi dạy con cái như vậy không mang lại tình thương mà chỉ đem đến sự tổn thương cho trẻ. Bởi nó cản trở sự tự lập của chúng.
Ở lớp, Hà Nhất Khải bị bạn bè chế giễu "lớn nhưng vẫn ngủ cùng bố". Cậu bé về tâm sự, nhưng mẹ lại an ủi em rằng các bạn trong lớp cũng vậy nhưng không ai nói ra.
Khi bố Hà gợi ý nên để con trai học một số kỹ năng sống, vợ anh không đồng ý và nói: "Cứ để trẻ con tự lớn".
Ở đầu chương trình, khi nhận xét về con trai, anh Hà nói: "Nó rất ngoan nhưng cũng rất bám mẹ. Nó chưa bao giờ rời xa mẹ".
Câu chuyện của Hà Nhất Khải khiến cư dân mạng Trung Quốc liên tưởng với vụ người đàn ông 29 tuổi kiện bố mẹ không chu cấp tiền cho mình cách đây vài năm.
Khuông Triết Hiên được nuông chiều từ khi còn bé. Mẹ của Khương không bắt con trai làm bất cứ điều gì. Người bố đôi khi nhắc Khuông tập thể dục và làm việc nhà, nhưng vợ ông thẳng thừng phản đối. Khi lớn lên, Khuông trở thành gánh nặng cho gia đình.
Khương chỉ làm những công việc lặt vặt để kiếm đồng ra, đồng vào. Khi không kiếm được việc, Khương về nhà ngồi chơi, nghỉ ngơi.
Bố Khương giận dữ vì người con "ăn bám" nên nhiều lần cả hai lời ra tiếng vào.
"Bố có thể kiếm tiền còn tôi thì không. Ông ấy nên chăm sóc tôi. Mong sẽ có luật như vậy", Khương nói.
Trên thực tế, bố của Khương sống dựa vào tiền bán số phế liệu thu gom trên công trường. Mỗi tháng, ông chỉ kiếm được khoảng 1.000-2.000 NDT (3,5-7 triệu đồng).
Những đứa trẻ được nuông chiều như như Hà Nhất Khải và Khuông Triết Hiên trước đây bị tước đi cơ hội rèn luyện bản thân. Khi còn nhỏ, chúng vui vẻ, hạnh phúc nhưng lại không thể thích nghi với xã hội khi lớn lên.
Trong chương trình, Hà Nhất Khải được sắp xếp thi đấu với một cậu bé khác cùng tuổi. Người mẹ hỏi em có tự tin hay không, cậu bé nói "Vâng" nhưng rất rụt rè.
Cuối cùng, Hà thua cuộc trong tất cả các phần thi từ buộc dây giày, gắp lạc bằng đũa hay tự mặc một chiếc áo sơ mi.
"Tôi nghĩ bố mẹ phải tin tưởng vào con cái mình", chuyên gia Lưu Hải nói.
Phó Thủ Nhĩ - một chuyên gia giáo dục khác tham gia chương trình chia sẻ quan điểm: "Cha mẹ có thể cùng con cái đưa ra quyết định, nhưng cũng nên nghĩ cách để đứa trẻ có được sự tự tin của chúng".
Bình luận