• Zalo

Những doanh nghiệp 'go global' và quyết tâm 'phải thắng'

Thị trườngThứ Ba, 24/01/2023 13:16:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Không ít doanh nghiệp Việt ngay từ đầu đã xác định phải đi ra thị trường thế giới (go global) rộng lớn, chinh phục những thị trường khó tính nhất.

Hơn 1.000 nhân viên tại Nhật Bản

Có tuổi đời non trẻ nhưng khát vọng nâng tầm giá trị Việt là điều mà Rikkeisoft không ngừng nghĩ tới bao năm nay, thậm chí còn được coi là “kim chỉ nam” hành động. Đây cũng chính là nguyên nhân cốt lõi khiến con đường khởi nghiệp mà Rikkeisoft chọn có phần “lập dị”, đó là “go global” (đi ra thế giới) ngay từ đầu chứ không phải thị trường trong nước và điểm đến đầu tiên là Nhật Bản.

Khi được hỏi về lựa chọn này, ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Rikkeisoft, nói lời tâm huyết: “Tôi tin ai cũng có trăn trở với đất nước. Ai là người Việt cũng muốn giúp đất nước tốt hơn, nhưng mỗi người có cách thể hiện khác. Nâng tầm vị thế Việt là việc chắc chắn Rikkeisoft đang và phải làm”.

Không dừng lại ở Nhật, kế hoạch chinh phục thị trường quốc tế của Rikkeisoft còn được nối dài, mở rộng với những tính toán, ấp ủ từ nhiều năm trước. “Đó không còn là suy nghĩ. Trong năm 2023, Rikkeisoft dự định mang giải pháp công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ. Việc chinh phục một thị trường không bao giờ là điều dễ dàng, thử thách luôn luôn có. Nhưng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân và đội ngũ Rikkeisoft”, ông Tùng khẳng định và cho biết hiện Rikkeisoft cũng đã có đại diện kinh doanh tại Singapore, New Zealand, Australia.

Dường như mọi định hướng, bước đi đến thời điểm này của Rikkeisoft đều được khơi nguồn từ những khát vọng cống hiến cho đất nước. Ông Tùng tâm niệm nếu chỉ có một vài công ty công nghệ thông tin (CNTT) quy mô lớn, Việt Nam chưa thể có ngành CNTT đúng nghĩa. Chính vì vậy Rikkeisoft đang tập trung phát triển, đào tạo nhân lực CNTT và mạnh dạn thành lập Rikkei Academy đào tạo về CNTT, cam kết đầu ra cho học viên. Định hướng này tập trung sinh viên sắp ra trường, tu nghiệp sinh, những người xuất khẩu lao động ở Nhật.

Hay như khi cả đất nước đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số thì thời gian gần đây, thay vì chỉ cung cấp dịch vụ CNTT, Rikkeisoft đã tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là ở mảng giáo dục số và công nghệ Blockchain. Từ năm 2022, Rikkeisoft đã thành lập Rikkei Digital, chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp 'go global' và quyết tâm 'phải thắng' - 1

Tạ Sơn Tùng (giữa) và các cộng sự gồm Nguyễn Viết Lâm, Đặng Thái Hòa, Phan Thế Dũng, Hà Huy Luân.

Bí quyết hàng đầu: Trung thực

Tôi tự tin có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường Nhật và chúng tôi đã, đang làm được điều đó”, ông Tạ Sơn Tùng khẳng định. Bằng chứng là chỉ trong vòng 4 năm sau khi có mặt tại Nhật Bản, Rikkeisoft đã tăng gấp nhiều lần quy mô, từ 100 người lên hơn 1.000 người.

Cho đến nay, thành công lớn nhất của Rikkeisoft tại thị trường khó tính này là đã khẳng định được tên tuổi, vị trí của một doanh nghiệp công nghệ Việt. Rikkeisoft nằm trong Top 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ tại thị trường khó tính này, cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt Top 100 Best Venture Japan (danh sách uy tín bao gồm 100 doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và quy mô đột phá nhất của Nhật Bản).

Trong khi các doanh nghiệp lao đao bởi đại dịch COVID-19 thì Rikkeisoft vẫn “sống khỏe”. Đến bây giờ, những tác động của kinh tế thế giới khiến đồng Yên có nhiều biến động, doanh thu Rikkeisoft tại Nhật vẫn tăng trưởng. “Rikkeisoft đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài”, đại diện công ty khẳng định.

Ông Tùng nhớ lại, khi làn sóng COVID-19 đầu tiên ập đến, Nhật Bản chịu tác động mạnh mẽ thì Rikkei Japan cũng chịu ảnh hưởng khá lớn. Đến năm 2021, khi Nhật Bản đang phục hồi nhanh chóng thì Rikkeisoft ở Việt Nam tiếp tục chống chọi với cơn bão COVID-19. Tuy ngành CNTT là một trong số ngành ít ảnh hưởng bởi COVID-19 nhất, nhưng các khách hàng của Rikkeisoft tại Nhật, đặc biệt trong một số lĩnh vực như hàng không, khách sạn đều gặp khó khăn khi đại dịch xảy ra. Mặc dù vậy, khi các ngành khác như thương mại điện tử hoặc E-learning trở thành xu hướng tại Nhật, Rikkeisoft đã nắm bắt cơ hội và khai thác thị trường các ngành này, do đó năm 2020, dù đại dịch tác động nhưng Rikkeisoft vẫn có thể tăng trưởng đều đặn.

Tại Nhật Bản, Rikkeisoft không còn đơn thuần là gia công nữa mà đã tư vấn, giải quyết được các bài toán do khách hàng đưa ra. Đó là thành quả không nhỏ của một hành trình không biết mệt để quảng bá chất lượng dịch vụ, tên tuổi trên thương trường quốc tế với tư cách là doanh nghiệp đại diện cho Việt Nam.

Nói về câu chuyện khởi nghiệp ở Nhật, ông Tùng tự hào bởi những biên bản hợp tác với các doanh nghiệp lớn, nơi mà sự trung thực và niềm tin luôn được đề cao nhất. Thành công ngọt ngào nhất là việc Rikkeisoft ký kết với Tập đoàn Fujikin để phát triển các dự án ứng dụng AI, AR/VR, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du tới Nhật Bản vào cuối năm 2021.

Tại Việt Nam, Rikkeisoft là doanh nghiệp CNTT top 3 Việt Nam về quy mô với hơn 1.600 nhân sự, 8 chi nhánh ở các thành phố lớn tại Việt Nam và Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng của Rikkeisoft tăng từ 1,5 - 2 lần mỗi năm.

Nhưng đó chưa phải là điểm dừng chân của Rikkeisoft. Ông Tạ Sơn Tùng từng kỳ vọng Rikkeisoft sẽ vươn lên vị trí số 1 trong cộng đồng doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam. Vì Rikkeisoft có sức trẻ, khát vọng, niềm tin và bản lĩnh. Xa hơn nữa, Rikkeisoft vẫn đặt kỳ vọng đưa công nghệ Việt xuất hiện trên bản đồ IT thế giới. Đó không chỉ là khát vọng mà còn là mục tiêu phải tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2023.

Rikkeisoft cũng giữ vững mục tiêu IPO năm 2025, là doanh nghiệp cung cấp giải pháp chất lượng top 5 tại Việt Nam và hàng đầu trong khu vực, đào tạo 1.000 lập trình viên trong năm 2023… Hàng loạt nhiệm vụ lớn đã được lãnh đạo Rikkeisoft vạch ra, biến 2023 và con đường xa hơn trong tương lai trở thành thử thách thực sự.

Chủ tịch Rikkeisoft tin rằng, đó là khởi đầu quan trọng nhất cho hành trình chinh phục thị trường quốc tế. "Một "khát vọng Việt” đủ lớn sẽ giúp doanh nghiệp tập hợp được mọi nguồn lực và những mục tiêu, hành động thiết thực", ông Tùng nói.

Ít ai biết, Rikkeisoft đã được dựng lên từ 100% vốn của những chàng trai CNTT tự góp với số tiền ít ỏi ban đầu. Bởi kinh phí eo hẹp nên mỗi lần sang Nhật Bản tìm khách hàng thực sự là những ngày tháng hết sức khó khăn với đội ngũ sáng lập Rikkeisoft. Họ phải chọn loại vé rẻ nhất transit qua Thái Lan, tìm chỗ ở nhờ vì không có tiền để thuê nhà hay khách sạn, thậm chí phải ngủ ở nhà ga xe điện của Nhật để tiết kiệm chi phí...Chắc hẳn, nếu không có khát vọng và niềm tin đủ lớn, hành trình khai phá sẽ phải dừng bước.

Bên cạnh đó, để đi ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần có sự am hiểu văn hóa, thị trường bản địa và phải có sự tự tin với năng lực cạnh tranh của mình.

Con đường go global của Rikkeisoft sẽ còn dài. Các doanh nhân 8x lãnh đạo Rikkeisoft xác định, dù ở bất cứ quy mô nào, trên bất cứ hành trình nào thì niềm tin và sự sáng tạo vẫn sẽ không thay đổi, vẫn sẽ được góp nhặt, nuôi dưỡng hàng ngày để “kẻ chinh phục” Rikkeisoft thỏa mãn khát vọng nâng tầm vị thế Việt trên trường quốc tế.

“Cắm mốc” Việt Nam trên bản đồ ô tô thế giới

Sáng 25/11, 999/65.000 ô tô điện thông minh trong đơn đặt hàng đầu tiên của VinFast đã lăn bánh lên tàu Silver Queen của Panama, rời cảng MPC Port thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), sẵn sàng chinh phục người dùng thế giới. Lô xe đã cập cảng California (Mỹ) và sẵn sàng bàn giao đến khách hàng quốc tế trong tháng 12/2022.

Như vậy là, chưa đầy một năm kể từ khi mở bán ô tô điện (tháng 3/2022) đến khi lô xe đầu tiên được xuất khẩu ra thế giới, VinFast đã chứng minh năng lực sản xuất thần tốc, khát vọng muốn chiếm lĩnh thị trường thế giới của hãng xe Việt, bởi, không chỉ dừng lại ở thị trường Mỹ, VinFast tiếp tục hướng đến hành trình xuất khẩu các lô xe VF8 tiếp theo sang Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023. Về mẫu VF9, VinFast cũng đã lên kế hoạch hướng đến thị trường quốc tế trong quý I/2023.

Những doanh nghiệp 'go global' và quyết tâm 'phải thắng' - 2

999 xe VinFast đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ sáng 25/11.

Bloomberg gọi đó là hành trình mà những chiếc xe điện VinFast mang khát vọng và niềm tự hào của Việt Nam ra thế giới. Còn VinFast kỳ vọng, cùng với những chiếc xe điện thông minh VinFast lăn bánh trên các nẻo đường thế giới, hình ảnh về một Việt Nam mới, năng động và phát triển cũng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhiều chuyên gia ví von, hành trình VinFast tiên phong đưa xe điện Made in Vietnam sang thị trường thế giới chính là sự mở đường ngọt ngào bởi không chỉ là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, sự kiện này còn góp phần quan trọng, làm lan tỏa tinh thần doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường quốc tế qua bước đi tiên phong đầy ấn tượng của VinFast. VinFast chinh phục được thị trường nổi tiếng khắt khe với hàng loạt tiêu chuẩn sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt dám đột phá khác.

Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ khơi gợi hướng đi mới cho doanh nghiệp ô tô Việt Nam, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp sớm biết cách tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.

Với việc chinh phục thị trường Mỹ và xa hơn là các thị trường quốc tế khác, VinFast đã cắm lá cờ Việt Nam lên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.

Chưa hết gây bất ngờ với việc xuất khẩu xe sang Mỹ, VinFast lại tiếp tục khiến dư luận “dậy sóng” khi hiện thực hóa giấc mơ doanh nghiệp Việt IPO và niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq - một trong hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất tại Mỹ.

Nói về sự kiện này, bà Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - khẳng định: “Đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô của VinFast trên thị trường quốc tế. Chúng tôi hiểu rõ khó khăn thực tế hiện nay trên thị trường toàn cầu, nhưng mục tiêu về sự phát triển đột phá của VinFast là không thay đổi”.

Với việc chinh phục thị trường Mỹ và xa hơn là các thị trường quốc tế khác, VinFast đã cắm lá cờ Việt Nam lên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.  

Ngay khi “đổ bộ” thị trường Mỹ, 6 trung tâm bán hàng của VinFast (VinFast Store) tại California đã được mở ra, không chỉ là địa điểm trưng bày và bán các sản phẩm xe điện cao cấp của VinFast mà còn tích hợp dịch vụ sửa chữa, cung cấp thêm phụ tùng. Đây là chiến lược mở rộng hệ thống quốc tế của VinFast, nhằm gia tăng mối quan hệ với khách hàng. "Việt Nam đã làm chủ và sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế", lãnh đạo VinFast tự tin khẳng định.

Thanh Huyền - Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn